Xe biển số vàng là gì mà rất nhiều loại xe phải đổi sang biển này nếu không muốn bị phạt. Thủ tục đổi từ biển trắng sang biển số vàng như thế nào?
1/ Biển số vàng là gì?
Biển số vàng là những biển số xe có nền màu vàng và chữ màu đen. Biển số vàng này được ban hành mới theo Thông tư 58/2020/TT-BCA.
Căn cứ điểm đ khoản 6 Điều 25 Thông tư 58, biển này có sêri sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z.
Lưu ý: Cần phân biệt biển này với biển biển số xe màu vàng, chữ đỏ được cấp cho xe của khu kinh tế cửa khẩu quốc tế hoặc các khu kinh tế, thương mại đặc biệt.
Xem thêm: Bảng tra cứu biển số xe của 63 tỉnh, thành
2/ Biển số vàng áp dụng cho xe nào?
Theo điểm đ khoản 6 Điều 25 Thông tư 58, biển số vàng được áp dụng đối với xe hoạt động kinh doanh vận tải.
Trong đó, khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP giải thích về xe kinh doanh vận tải như sau:
Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phưong tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
Nghị định này cũng liệt kê các loại hình xe kinh doanh vận tải bao gồm:
- Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định;
- Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định;
- Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi;
- Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định;
- Kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô.
3/ Đổi biển số vàng ở đâu?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 58/2020/TT-BCA, nơi cấp đổi biển vàng cho xe kinh doanh vận tải là những cơ quan sau:
- Phòng Cảnh sát giao thông.
- Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt.
- Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo đó, chủ xe kinh doanh vận tải có thể đến một trong các địa điểm trên để thực hiện đổi biển số vàng cho xe.
4/ Thủ tục đổi biển số vàng để không bị phạt
Hiện nay, có 2 cách để chủ xe kinh doanh vận tải làm thủ tục đổi biển số vàng. Cụ thể:
Cách 1: Đổi biển số vàng trực tiếp
Căn cứ: Điều 11 Thông tư 58/2020/TT-BCA.
Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:
- Tờ khai đăng ký xe;
- Biển số xe;
- Xuất trình giấy tờ của chủ xe:
+ Chủ xe là cá nhân Việt Nam: Xuất trình Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Sổ hộ khẩu.
+ Chủ xe là cơ quan, tổ chức Việt Nam: Xuất trình thẻ Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân của người đến đăng ký xe.
Nơi nộp: Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Lưu ý: Không cần đem xe đến cơ quan Công an và cũng không phải cà số máy, số khung.
Thời hạn giải quyết cấp đổi biển số xe: Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe hợp lệ.
Cách 2: Đổi biển số vàng qua mạng
Bước 1: Truy cập https://www.csgt.vn/ >> Chọn “Đổi lại giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải”.Bước 2: Chọn khai báo online.
Bước 4: Gọi điện vào số điện thoại của cơ quan đăng ký xe nơi mình có hộ khẩu thường trú để hẹn lịch cụ thể và địa điểm tiếp nhận qua điện thoại hoặc email.
Bước 5: Đến cơ quan công an để hoàn tất thủ tục và nhận biển số.
5/ Đổi biển số vàng mất bao nhiêu tiền?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 229/2016/TT-BTC, mức phí cấp đổi giấy đăng ký kèm theo biển số như sau:
- Ô tô là 150.000 đồng/lần/xe
Riêng ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống di chuyển từ khu vực có mức thu thấp về khu vực có mức thu cao (trừ do công tác hoặc chuyển hộ khẩu) thì nộp lệ phí theo mức thu cấp mới.
6/ Không đổi biển số vàng bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Thông tư 58/2020/TT-BCA, xe đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày Thông tư 58 có hiệu lực phải thực hiện đổi sang biển số vàng trước ngày 31/12/2021.
Nếu sau ngày 31/12/2021 mà không đổi sang biển vàng, chủ xe kinh doanh vận tải sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo điểm đ khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
7. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
đ) Không thực hiện đúng quy định về biển số, quy định về kẻ chữ trên thành xe và cửa xe, trừ các hành vi vi phạm quy định tại: điểm g khoản 8 Điều này và các hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 28; điểm b khoản 3 Điều 37 Nghị định này;
Theo đó chủ xe kinh doanh vận tải là tổ chức có thể bị phạt cao nhất đến 08 triệu đồng nếu không đổi sang biển vàng theo quy định, trong khi đó mức phạt cao nhất với cá nhân là 04 triệu đồng.
Trên đây là giải đáp cho câu hỏi: “Biển số vàng là gì?” cùng những thông tin đáng chú ý về biển số vàng. Nếu còn thắc mắc về loại biển này, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ sớm nhất.