Để tránh ùn tắc, tại đoạn giao nhau của nhiều tuyến đường, người ta sẽ bố trí vòng xuyến hay còn gọi là bùng binh và lắp biển báo vòng xuyến để báo trước. Vậy biển báo vòng xuyến trông như thế nào? Người tham gia giao thông cần chú ý gì khi đi qua vòng xuyến?
1. Nhận biết các biển báo vòng xuyến và ý nghĩa
Vòng xuyến được hiểu đơn giản là một vòng tròn nằm ở giữa đoạn giao cùng lúc của nhiều tuyến đường nhằm điều tiết giao thông, tránh ún tắc khi các phương tiện đi qua đây.
Theo Quy chuẩn 41:2019/BGTVT, để báo hiệu phía trước có vòng xuyến, lực lượng chức năng sẽ bố trí biển báo biển báo R.303 “Nơi giao nhau chạy theo vòng xuyến” hoặc biển báo W.206 “Giao nhau chạy theo vòng xuyến”. Hình ảnh minh họa và ý nghĩa của từng biển báo này như sau:
- Biển báo R.303 “Nơi giao nhau chạy theo vòng xuyến”:
Biển này là một biển báo hiệu lệnh với đặc trưng dạng hình tròn với nền màu xanh và hình vẽ mũi tên theo vòng tròn bên trong màu trắng dùng để báo các hiệu lệnh mà người tham gia giao thông phải chấp hành.
- Biển báo W.206 “Giao nhau chạy theo vòng xuyến”:
Biển này thuộc nhóm biển báo nguy hiểm và cảnh báo với dạng hình tam giác đều, đỉnh hướng lên trên, nền màu vàng, viền màu đỏ, hình vẽ mũi tên theo vòng tròn bên trong màu đen.
Biển báo W.206 “Giao nhau chạy theo vòng xuyến” có ý nghĩa báo trước nơi giao nhau có bố trí đảo an toàn ở giữa nút giao. Các loại xe qua nút giao phải đi vòng xuyến quanh đảo an toàn theo chiều mũi tên.
2. Thứ tự các xe đi qua vòng xuyến thế nào?
Theo quy định tại Điều 22 và Điều 23 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, khi đi qua vòng xuyến thì các xe sau đây sẽ được ưu tiên đi trước.
(1) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
(2) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
(3) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu.
(4) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp.
(5) Đoàn xe tang.
(6) Khi đi theo vòng xuyến, nhường đường cho xe đi bên trái đi trước.
3. Đi qua vòng xuyến có phải bật xi nhan không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 18 và Điều 19 Luật Giao thông đường bộ 2008, việc bật xi nhan (bật báo hiệu bằng đèn) chỉ quy định bắt buộc trong những trường hợp sau:
(1) Chuyển làn đường.
(2) Chuyển hướng xe.
(3) Vượt xe.
(4) Ô tô lùi xe.
(5) Ô tô dừng - đỗ xe.
Việc bật xi nhan khi ra vào vòng xuyến không được Luật Giao thông đường bộ quy định. Đồng thời, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông cũng không có quy định xử phạt lỗi không xi nhan khi ra vào vòng xuyến.
4. Quy tắc đi vòng xuyến an toàn, đúng luật
Để có thể đi qua vòng xuyến một cách an toàn và đúng luật các phương tiện có thể tham khảo cách đi qua vòng xuyến sau đây:
- Trường hợp hai điểm vào, ra gần nhau: Đi sát lề đường ngoài cùng của vòng xuyến để đi đến lối ra đầu tiên mà không phải đi vào khu vực đông đúc phía trong.
- Trường hợp hai điểm vào, ra cách nhau một lối ra: Điều khiển xe đi vào làn đường sát làn ngoài cùng.
- Trường hợp hai điểm vào, ra cách nhau hai lối ra: Đưa xe vào làn xe bên trong cùng và khi đến gần lối ra của mình bật đèn xi nhan để báo hiệu cho các phương tiện xung quanh.
- Đối với vòng xuyến nhỏ: Có thể đi thẳng qua không cần đi theo hướng bùng binh. Trường hợp muốn ra trái, phải hoặc quay đầu thì phải bật xi nhan báo hiệu.
- Đối với vòng xuyến lớn được đặt giữa đường: Nếu xe cần rẽ phải ngay khi đến vòng xuyến thì cần xi nhan phải trước khi rẽ. Nếu cần bám sát vòng xuyến đến lối rẽ thứ hai, thứ ba thì trước khi vào vòng xuyến cần bật đèn xi nhan trái và chuẩn bị ra khỏi vòng xuyến cần bật đèn xi nhan phải.
- Đối với vòng xuyến lớn và được đặt lệch về một bên đường: Nên bật xi nhan chuyển theo hướng vòng xuyến, xong đó xi nhan vào vòng xuyến và cuối cùng là xi nhan báo ra khỏi vòng xuyến.
Trên đây là những thông tin liên quan đến biển báo vòng xuyến và các lưu ý khi đi vào vòng xuyến. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được tư vấn chi tiết.