Biển báo hiệu cửa chui là một loại biển báo thuộc nhóm biển báo nguy hiểm được sử dụng với tác dụng cảnh báo. Vậy làm thế nào để nhận biết đúng biển báo hiệu cửa chui?
1. Biển báo hiệu cửa chui có ý nghĩa gì?
Biển báo hiệu cửa chui được ký hiệu là W.218 “Cửa chui” với dạng hình tam giác đều, đỉnh hướng lên trên, viền màu đỏ và nền màu vàng. Bên trong biển báo hiệu cửa chui có hình vẽ biểu trưng màu đen. Cụ thể như sau:Biển báo hiệu cửa chui được bố trí trên đường để báo hiệu trước sắp đến đường có cổng chắn ngang, kiểu cổng như cổng thành, cầu vượt đường bộ dạng cầu vòm,... mà có ảnh hưởng đến giao thông.
Biển báo hiệu cửa chui có giá trị trên các làn đường của chiều xe chạy với tác dụng cảnh báo nguy hiểm phía trước để người tham gia giao thông chú ý phòng ngừa.
Khi gặp biển báo cửa chui, người tham gia giao thông phải giảm tốc độ đến mức cần thiết, chú ý quan sát và chuẩn bị tâm thế sẵn sàng xử lý những tình huống có thể xảy ra để hạn chế tối thiểu khả năng tai nạn.
Biển báo hiệu cửa chui được đặt trước vị trí cửa chui một khoảng cách phù hợp với phương tiện đang tham gia giao thông. Đồng thời khu vực thực tế đặt biển cũng phải đảm bảo dễ quan sát, không ảnh hưởng tới tầm nhìn.
2. Phân biệt biển báo cửa chui, biển báo cầu vồng và biển báo đường hầm
Biển báo cửa chui rất dễ bị nhầm lẫn với biển báo cầu vồng và biển báo đường hầm bởi các hình vẽ bên trong khá giống nhau.
Tuy nhiên nếu đặt 03 loại biển báo này cạnh nhau thì sẽ thấy rõ sự khác biệt.
Biển báo hiệu cửa chuiBiển này báo trước sắp đến đường có cổng chắn ngang, kiểu cổng như cổng thành, cầu vượt đường bộ dạng cầu vòm,…
Biển báo hiệu cầu vồngBiển này dùng để nhắc nhở lái xe phải thận trọng bởi sắp đến công trình có độ vồng lớn ảnh hưởng tới tầm nhìn.
Biển báo hiệu đường hầmBiển này dùng để nhắc lái xe chú ý chuẩn bị đi vào hầm đường bộ.
3. 5 lưu ý tại khu vực cắm biển báo cửa chui
Biển báo hiệu cửa chui được đặt trước đoạn đường có cổng chắn ngang, kiểu cổng như cổng thành, cầu vượt đường bộ dạng cầu vòm,… một khoảng cách hợp lý để người tham gia giao thông biết và điều tiết việc lái xe để đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông.
Tuy nhiên khi đi qua khu vực có biển báo cửa chui, người tham gia giao thông cũng cần chú ý một vài vấn đề sau đây:
- Không được quay đầu xe ở gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ (Khoản 4 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ năm 2008).
- Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại gầm cầu vượt (Khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008).
- Chú ý chiều cao của cổng thành, cầu vượt đường bộ dạng vòm để đảm bảo phương tiện có thể lọt qua khoảng cách đó.
- Bật đèn chiếu sáng khi đi qua cổng thành, gầm cầu vòm mà không đủ ánh sáng, không dùng đèn chiếu xa bởi có thể gây lóa cho phương tiện ở hướng đối diện.
- Di chuyển với tốc độ vừa phải để đảm bảo có thể ứng phó với các tình huống bất ngờ.
4. Mức phạt các lỗi vi phạm phổ biển tại khu vực cắm biển báo cửa chui
Khi qua khu vực có bố trí biển báo hiệu cửa chui, người tham gia giao thông thường mắc phải một số lỗi. Mức phạt đối với các lỗi giao thông này được quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông như sau:
Hành vi | Mức phạt đối với | ||
Ô tô | Xe máy | Máy kéo, xe máy chuyên dùng | |
Quay đầu xe ở gầm cầu vượt | 400.000 - 600.000 đồng | 100.000 - 200.000 đồng | 300.000 - 400.000 đồng |
Dừng xe, đỗ xe tại vị trí gầm cầu vượt | 02 - 03 triệu đồng + Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng | 300.000 - 400.000 đồng | 300.000 - 400.000 đồng |
Chở hàng vượt quá chiều cao cho phép | 02 - 03 triệu đồng + Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng |
Trên đây là những thông tin quan nổi bật liên quan đến biển báo hiệu cửa chui. Nếu còn vấn đề vướng mắc liên quan đến loại biển báo này, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam hỗ trợ, tư vấn chi tiết.