Lưu ý quan trọng với tài xế khi thấy biển báo gờ giảm tốc

Những nơi có mật độ giao thông dày thường được bố trí gờ giảm tốc để làm chậm tốc độ chạy xe của các phương tiện. Vậy khi thấy biển báo gờ giảm tốc, các tài xế cần ứng phó thế nào?


1. Thấy biển báo gờ giảm tốc, tài xế cần chú ý gì?

Hiện nay, theo quy định tại Quy chuẩn 41:2019/BGTVT không có biển báo hiệu giao thông nào có tên gọi là biển báo gờ giảm tốc. Thực tế, biển báo gờ giảm tốc là cách mà nhiều người vẫn dùng để chỉ loại biển báo “Đường không bằng phẳng”.

Biển này được ký hiệu là W.221 với hai biển báo W.221a “Đường lồi lõm” và biển báo W.221b “Đường có gồ giảm tốc”. Đây là các biển báo thuộc nhóm biển cảnh báo nhằm thông tin cho người tham gia giao thông biết trước các nguy hiểm trên đường để chủ động phòng ngừa kịp thời.

Các biển này đều có đặc điểm chung là có hình tam giác đều với đỉnh hướng lên trên, viền đỏ, nền màu vàng, hình vẽ bên trong màu đen. Sau đâu là hình ảnh minh họa biển báo W.221a “Đường lồi lõm” và biển báo W.221b “Đường có gồ giảm tốc”.

* Biển số W.221a báo hiệu “Đường lồi lõm”:

- Được đặt trong trường hợp đường đang tốt, xe chạy nhanh lại đột ngột chuyển sang đoạn lồi lõm, gập ghềnh, ổ gà, lượn sóng.

Với những đoạn đường khi xe chỉ chạy được tốc độ dưới 50 km/h hoặc khi bố trí vạch sơn giảm tốc thì không phải đặt biển báo này.

Khi thấy biển báo này, người điều khiển phương tiện cần phải giảm tốc độ để có thể đảm bảo dừng lại một cách an toàn, tránh gây tai nạn giao thông (theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT).

* Biển số W.221b báo hiệu “Đường có gồ giảm tốc”:

- Được lắp đặt để cảnh báo phía trước có những điểm gồ giảm tốc hoặc những vị trí tiếp giáp với đầu cầu, cống bị lún, võng. Tài xế khi thấy biển này cần cho xe chạy chậm lại để đảm an toàn.


2. Gờ giảm tốc được bố trí như nào mới đúng luật?

Căn cứ Quyết định 6500/QĐ-TCĐBVN năm 2020 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, gờ giảm tốc được giải thích là một dạng vạch kẻ đường có tác dụng cảnh báo cho người điều khiển phương tiện thông qua thị giác và cảm giác rung động nhẹ để biết trước vị trí nguy hiểm, hoặc cảnh báo vùng nguy hiểm cần phải giảm tốc độ và chú ý quan sát để bảo đảm an toàn.

Trong khi đó, gồ giảm tốc được hiểu là một kết cấu được bố trí trên mặt đường có tác dụng cảnh báo và cưỡng bức các phương tiện giảm tốc độ trước khi đi đến vị trí cần phải giảm tốc độ.

- Gờ giảm tốc được bố trí như sau:

+ Thiết kế ở phía trước hoặc trong đoạn đường có tầm nhìn hạn chế, các vị trí nút giao, đường cong nguy hiểm hoặc các đoạn đường có điều kiện bất lợi tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

+ Gờ giảm tốc có thể được bố trí dạng hoặc dạng rải đều.

+ Gờ giảm tốc có thể được sử dụng kết hợp với biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu,… nhưng không cần thiết sử dụng biển báo “Đường không bằng phẳng” để cảnh báo.

+ Không thiết kế gờ giảm tốc trên mặt đường cao tốc.

- Gồ giảm tốc được bố trí như sau:

+ Sử dụng trong trường hợp thật sự cần thiết phải cưỡng bức hạn chế tốc độ phương tiện.

+ Khuyến cáo bố trí để giảm tốc độ các xe đang di chuyển với tốc độ trung bình từ 30 ÷ 40 km/h cưỡng bức giảm tốc độ xuống còn 10 ÷ 15 km/h.

+ Không thiết kế gồ giảm tốc trên mặt đường cao tốc hoặc các tuyến đường có tốc độ di chuyển từ 60 km/h trở lên, các đoạn đường thuộc chiều lên dốc lớn hơn 4%, các tuyến đường cho phép xe buýt lưu thông, các tuyến đường nội bộ có xe cấp cứu chờ bệnh nhân hoặc các tuyến đường khác cần ưu tiên tốc độ di chuyển.

+ Nhất định phải lắp đặt biển báo “Đường có gồ giảm tốc” hoặc bố trí thêm gờ giảm tốc ở phía trước để cảnh báo.


3. Bị tai nạn do vướng gồ giảm tốc, có được bồi thường?

Khi thấy biển báo đoạn đường có gồ giảm tốc, nếu không chủ động giảm tốc độ, các phương tiện sẽ rất dễ gặp phải tai nạn. Thực tế đã có rất nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra với nguyên nhân đến từ gồ giảm tốc được bố trí trên mặt đường.

Trường hợp các gồ giảm tốc được bố trí theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời có biển cảnh báo mà người dân vẫn cố tính điều khiển phương tiện với tốc độ cao gây ra tai nạn thì cá nhân bị tai nạn sẽ phải tự mình chịu trách nhiệm đối với thương tật của bản thân.

Tuy nhiên, nếu gồ giảm tốc này được các cá nhân, tổ chức tự ý bố trí mà không có sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền thì việc lắp đặt đó là trái quy định của pháp luật.

Lúc này, nếu người tham gia giao thông gặp phải tai nạn do gồ giảm tốc bố trí không đúng quy định mà có thiệt hại về tài sản, sức khỏe, thậm chí là tính mạng thì cá nhân tổ chức tự lý lắp đặt gồ giảm tốc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.

Không những vậy, cá nhân, tổ chức tự ý lắp đặt các gồ giảm tốc gây cản trở giao thông còn bị phạt hành chính từ 02 - 03 triệu đồng (cá nhân) hoặc từ 04 - 06 triệu đồng (tổ chức), đồng thời còn bị buộc tháo dỡ gồ giảm tốc bố trí trái quy định (theo điểm b khoản 5 và điểm đ khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Trên đây là những thông tin quan trọng liên quan đến biển báo gờ giảm tốc. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 của LuatVietnam để được hỗ trợ giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Dự kiến: Năm 2025, tăng nặng mức phạt khi vượt đèn đỏ!

Mới đây, Bộ Công an đã công bố bản dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó có đề xuất đáng chú ý về việc tăng nặng mức phạt vượt đèn đỏ và đèn vàng.