Để đảm bảo truyền tải đầy đủ thông tin hướng dẫn cho người đi đường, các biển báo giao thông sẽ được thiết kế với các hình dáng khác nhau. Vậy biển báo giao thông hình chữ nhật có ý nghĩa gì?
Các biển báo giao thông hình chữ nhật phổ biến hiện nay
Căn cứ Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, hệ thống biển báo giao thông được chia thành 05 nhóm cơ bản: biển báo cấm; biển hiệu lệnh; biển báo nguy hiểm và cảnh báo; biển chỉ dẫn và biển phụ, biển viết bằng chữ. Mỗi loại lại được thiết kế với các hình dáng khác nhau.
Trong đó, hình chữ nhật chủ yếu được sử dụng cho loại biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn, còn các nhóm biển báo còn lại chỉ có một số ít biển báo được thiết kế theo hình chữ nhật.
Điển hình có thể kể đến một số biển báo giao thông hình chữ nhật sau đây:
- Biển báo hiệu lệnh hình chữ nhật:
Đặc điểm chung của các biển báo giao thông này là đều có hình chữ nhật, nền màu xanh, hình vẽ bên trong màu trắng.
- Biển báo chỉ dẫn hình chữ nhật:
Đặc điểm chung của các biển báo này là có hình chữ nhật, nền màu xanh (xanh dương, xanh lam hoặc xanh lá cây), hình vẽ và chữ viết bên trong màu trắng.
- Biển báo cấm hình chữ nhật:
Gồm: Biển số P.127a, Biển số P.127b, Biển số P.127c, Biển số DP.127.
Hầu hết các biển này đều có nền màu xanh, hình vẽ màu trắng, số bên trong màu đen.
- Biển báo cảnh báo nguy hiểm hình chữ nhật:
Biển báo cảnh báo nguy hiểm hình chữ nhật chính là biển báo số W.243 (a,b,c) “Nơi đường sắt giao không vuông góc với đường bộ” với nền màu trắng, vạch chéo màu đỏ.
- Biển báo phụ hình chữ nhật:
Các biển này có nền màu trắng, hình vẽ và chữ viết màu đen hoặc nền màu xanh lam, chữ viết và hình vẽ màu trắng.
Ý nghĩa và hiệu lực của biển báo giao thông hình chữ nhật
Theo quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo giao thông hình chữ nhật có ý nghĩa và phạm vi hiệu lực như sau:
- Biển báo hiệu lệnh hình chữ nhật:
+ Ý nghĩa: Dùng để báo cho người điều khiển biết các điều bắt buộc phải chấp hành khi tham gia giao thông.
+ Hiệu lực: Biển báo hiệu lệnh hình chữ nhật có giá trị hiệu lực trên tất cả các làn đường hoặc chỉ có giá trị trên một hoặc một số làn đường theo biển báo trên đường.
- Biển báo chỉ dẫn hình chữ nhật:
+ Ý nghĩa: Dùng để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần thiết để người điều khiển phương tiện tham gia giao thông một cách thuận lợi, đảm bảo an toàn.
+ Hiệu lực: Biển báo chỉ dẫn hình chữ nhật có giá trị hiệu trên các làn đường của chiều xe chạy.
- Biển báo cấm hình chữ nhật:
+ Ý nghĩa: Dùng để biểu thị các điều cấm người tham gia giao thông vi phạm. Chủ yếu các biển báo cấm hình chữ nhật biểu thị thông tin cấm chạy quá tốc độ tối đa cho phép khi tham gia giao thông.
+ Hiệu lực: Biển báo cấm hình chữ nhật có giá trị hiệu lực trên tất cả các làn đường hoặc chỉ có giá trị trên một hoặc một số làn đường theo biển báo trên đường.
- Biển báo cảnh báo nguy hiểm hình chữ nhật:
+ Ý nghĩa: Biển báo số W.243 (a,b,c) “Nơi đường sắt giao không vuông góc với đường bộ” dùng để báo trước sắp đến vị trí giao cắt đường bộ với đường sắt cùng mức, không vuông góc và không có người gác, không có rào chắn.
+ Hiệu lực: Biển báo cảnh báo nguy hiểm hình chữ nhật có giá trị hiệu lực trên các làn đường của chiều xe chạy.
- Biển báo phụ hình chữ nhật:
+ Ý nghĩa: Dùng để thuyết minh, bổ sung ý nghĩa cho biển chính được gắn bên trên.
+ Hiệu lực: Theo giá trị hiệu lực của biển chính được gắn kèm theo.
Xem thêm: Lỗi không tuân thủ biển báo, vạch kẻ đường phạt bao nhiêu?
Trên đây là một số thông tin về biển báo giao thông hình chữ nhật. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được giải đáp, hỗ trợ chi tiết.