BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO --------------- Số: 1231/TB-BGDĐT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc --------------------- Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2013 |
THÔNG BÁO
KẾT QUẢ HỘI THẢO QUỐC GIA VỀ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC - CÔNG DÂN
TRONG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG VIỆT NAM
Trong hai ngày 10 và 11/8/2013, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo quốc gia về giáo dục đạo đức-công dân trong giáo dục phổ thông Việt Nam.
Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; đại diện Hội đồng bộ môn Giáo dục công dân (GDCD), Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GDĐT và các đơn vị liên quan; đại diện một số trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm; đại diện 32 Sở GDĐT và giáo viên môn đạo đức-công dân ở một số trường phổ thông; một số nhà khoa học, chuyên gia về giáo dục.
Hội thảo đã tập hợp được gần 200 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các cán bộ quản lý, giảng viên và giáo viên các cấp học phổ thông. Hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến tham gia có chất lượng về đánh giá thực trạng và đề xuất định hướng đổi mới chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK), phương pháp dạy học (PPDH), kiểm tra đánh giá (KTĐG), đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo dục đạo đức-công dân.
Tổng hợp các báo cáo và ý kiến thảo luận, Bộ GDĐT thông báo kết quả hội thảo như sau:
I.Đánh giá về chương trình, sách giáo khoa; phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thời gian qua
1. Những kết quả đạt được
1.1.Chương trình, sách giáo khoa giáo dục đạo đức-công dân hiện hành có những ưu điểm so với CT, SGK trước đó
Về cơ bản, mục tiêu môn học đã đáp ứng đúng quy định của Luật Giáo dục, được cụ thể hóa trên 3 bình diện: kiến thức, kỹ năng và thái độ; đã xác định được chuẩn kiến thức, kỹ năng làm cơ sở biên soạn SGK, sách giáo viên để dạy học và KTĐG kết quả học tập.CT đã chú trọng đến giáo dục các giá trị, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực pháp luật gắn với quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đã phần nào thể hiện được nguyên tắc tích hợp trong dạy học. Kết cấu CT có phần dành cho việc dạy các vấn đề của địa phương.
SGK môn giáo dục đạo đức-công dân về cơ bản đã bám sát và cụ thể hóa mục tiêu CT, được biên soạn công phu với các chủ đề lớn về đạo đức, pháp luật, kinh tế, chính trị-xã hội, có nhiều nội dung đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục đạo đức, lối sống và giáo dục pháp luật.Hệ thống bài học từ tiểu học đến trung học phổ thông được xây dựng trên cơ sở hệ thống giá trị, được thiết kế theo hướng đồng tâm, phát triển và tích hợp nhiều nội dung xã hội cần thiết cho người công dân tương lai.
1.2. Phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục đã có những chuyển biến tích cực
Về PPDH, nhiều giáo viên đã tích cực đổi mới PPDH, bước đầu đã kết hợp nhiều phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, chú trọng sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại vào quá trình dạy học. Việc chuyển hướng dạy học từ truyền thụ kiến thức thuần túy sang rèn luyện kỹ năng và định hướng phát triển thái độ cho người học bước đầu được giáo viên coi trọng.
Về KTĐG kết quả học tập của học sinh, giáo viên môn giáo dục đạo đức-công dân bước đầu đã thực hiện được việc kết hợp giữa đánh giá bằng cho điểm kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với từng chủ đề thuộc môn học quy định trong CT và đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống của học sinh theo nội dung môn GDCD quy định trong CT giáo dục phổ thông trong mỗi học kỳ, cả năm học. Việc ra đề kiểm tra nhiều nơi đã thực hiện theo hướng dẫn của Bộ về quy trình ra đề gắn với việc xây dựng ma trận câu hỏi; nội dung đề kiểm tra đã từng bước gắn với việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn,...
1.3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đã có bước tiến đáng kể
Nguồn cung giáo viên GDCD dồi dào hơn trước do nhiều trường ĐHSP và CĐSP mở thêm ngành Giáo dục chính trị, GDCD. Đa số giáo viên giáo dục đạo đức- công dân có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín nhà giáo.
Công tác bồi dưỡng đã được các Sở GDĐT quan tâm tổ chức thường xuyên và có tác dụng nhất định.
2. Hạn chế cần khắc phục
2.1.CT và SGK hiện hành đặt ra mục tiêu kiến thức quá cao, không phù hợp với năng lực và tâm lí nhận thức của HS phổ thông. CT còn mang tính hàn lâm, nặng về giáo dục pháp luật, chính trị, nhẹ về giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống, coi trọng lý thuyết, nhẹ thực hành; chưa thường xuyên chú trọng đến việc hướng dẫn tự học, rèn luyện kĩ năng cho học sinh; chưa hướng tới việc hình thành cho học sinh những phẩm chất và năng lực cần thiết của người công dân trong xã hội; cấu trúc/thiết kế CT còn "cứng" và "đóng", không tạo điều kiện cho việc cập nhật những thay đổi của đất nước và thời đại, việc lựa chọn nội dung linh hoạt và tận dụng các tình huống trong thực tế cuộc sống vào hoạt động dạy học/giáo dục.
Kiến thức về pháp luật, triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học ở nhiều bài học trong SGK còn khô khan, trừu tượng, khó hiểu, tạo ra áp lực cho việc dạy và học. Việc tích hợp, lồng ghép kiến thức trong môn GDCD chưa linh hoạt, thiếu tính hệ thống, đôi khi khiên cưỡng.
2.2. Hình thức tổ chức dạy học còn đơn điệu, chủ yếu tiến hành trong phòng học. Việc đổi mới PPDH còn chậm, hiệu quả thấp. Việc KTĐG phổ biến vẫn là kiểm tra việc ghi nhớ, tái hiện kiến thức, chưa chú trọng đánh giá quá trình học tập, rèn luyện, năng lực và phẩm chất học sinh. Khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học của nhiều giáo viên còn hạn chế.
2.3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo dục đạo đức - công dân còn nhiều bất cập.
Về số lượng, tuy có nhiều tiến bộ so với trước, nhưng vẫn thiếu rất nhiều giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành, đặc biệt ở cấp THCS. Số giáo viên được đào tạo trên chuẩn còn ít. Các trường CĐSP chủ yếu đào tạo ghép môn (Văn-GDCD, Sử-GDCD...), trong đó GDCD chỉ chiếm 30% thời lượng trong các CT đào tạo nên những giáo viên này ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy môn GDCD. Do nhiều nguyên nhân, còn một bộ phận giáo viên chưa tâm huyết với nghề, chưa cập nhật được kiến thức mới, chưa quan tâm đổi mới PPDH và KTĐG.
Lực lượng giảng viên ở các khoa, trường sư phạm cũng đang rất thiếu hụtvề số lượng, hạn chế về chất lượng. CT đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm chậm đổi mới,chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới PPDH, KTĐG giáo dục đạo đức-công dân trong trường phổ thông; chất lượng đào tạo còn hạn chế. Công tác bồi dưỡng giáo viên GDCD được tiến hành thường xuyên nhưng chưa thật hiệu quả.
II. Khuyến nghị của hội thảo về định hướng và giải pháp đổi mới giáo dục đạo đức - công dân ở trường phổ thông
1) Đặc trưng và mục tiêu môn học
Ở trường phổ thông, giáo dục đạo đức-công dân là một bộ phận của quá trình giáo dục công dân nhằm giáo dục học sinh về giá trị sống, phát triển thái độ, tình cảm, niềm tin đúng đắn đối với tự nhiên, xã hội và con người, ý thức trách nhiệm của công dân, hình thành thói quen tự giác thực hiện nghĩa vụ, quyền hạn của công dân Việt Nam trong thời đại CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.
2) Về định hướng phát triển năng lực
Đổi mới cách tiếp cận CT giáo dục đạo đức-công dân theo hướng chú trọng hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; không chỉ coi trọng khối lượng kiến thức mà phải đặc biệt chú ý khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức, kĩ năng, thái độ, tình cảm, động cơ… vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống hàng ngày. Theo định hướng này, giáo dục đạo đức-công dân có ưu thế trong việc hình thành và phát triển ở học sinh các năng lực: tư duy (độc lập, phê phán); giao tiếp-ứng xử-hợp tác; tự nhận thức, điều chỉnh hành vi bản thân và tự chịu trách nhiệm (theo các chuẩn mực đạo đức xã hội và các quy định pháp luật); hòa nhập và tham gia các hoạt động xã hội, có khả năng thích ứng trước những thay đổi của xã hội...
3) Đổi mới cách tiếp cận các thành tố của quá trình dạy học/giáo dục đạo đức-công dân
3.1. Về chương trình, sách giáo khoa
CT giáo dục đạo đức-công dân cần có các mạch nội dung chủ yếu là: giáo dục hành vi và chuẩn mực đạo đức; giáo dục văn hóa pháp luật (bao gồm cả định hướng tiêu chuẩn/tư duy pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật); giáo dục kỹ năng sống dựa trên các giá trị sống đúng đắn (trong đó cần lưu ý tính chất định hướng, mong đợi, phù hợp với các phong tục tập quán của chuẩn mực đạo đức để có phương pháp tiếp cận phù hợp trong quá trình giáo dục); những hiểu biết ban đầu về chính trị, kinh doanh (bao gồm sơ lược về nguyên tắc của hệ thống chính trị và tổ chức nhà nước, các chủ trương xây dựng và phát triển đất nước theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, rèn luyện năng lực hoạt động trong tổ chức-xã hội, những hiểu biết ban đầu/sơ lược về kinh doanh).
CT mới cần tinh giảm những nội dung khó, trừu tượng, không phù hợp lứa tuổi, không có ý nghĩa thiết thực; đồng thời kế thừa, điều chỉnh cách tiếp cận một số nội dung kiến thức có giá trị và phù hợp, kể cả những nội dung mới, cần thiết, đảm bảo tính chất giáo dục nhẹ nhàng, tự nhiên, không yêu cầu cao về tính logic, hạn chế tính hàn lâm của nội dung giáo dục để phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí, tình cảm và sự phát triển của học sinh, xã hội và thời đại.
Các mạch nội dung trên cần được cấu trúc xoay quanh các mối quan hệ với bản thân, với người khác, với gia đình và nhà trường, với công việc, với cộng đồng, đất nước và nhân loại, với môi trường thiên nhiên và xuyên suốt cho cả 3 cấp học, được mở rộng, nâng cao dần qua từng cấp học; được xây dựng trên cơ sở kết hợp các giá trị truyền thống và hiện đại, xoay quanh các trục giá trị: giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng dân tộc và giá trị toàn cầu của nhân loại; cần tích hợp giáo dục tinh thần trách nhiệm trước xã hội với kiến thức của các lĩnh vực khoa học đồng thời cập nhật được những đổi thay của đất nước và thời đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Nội dung giáo dục đạo đức-công dân cần tích hợp vào các môn học, các hoạt động giáo dục khác. Các môn học có ưu thế trong việc tích hợp giáo dục đạo đức - công dân ở tiểu học là Tiếng Việt, Tìm hiểu tự nhiên-xã hội; ở THCS, THPT là Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc. Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục cũng rất có ưu thế trong việc tổ chức cho học sinh trải nghiệm, thực hành các hành vi đạo đức, pháp luật, trách nhiệm công dân, bồi dưỡng tình cảm, niềm tin đạo đức và văn hóa pháp luật lành mạnh.
SGK đạo đức-công dân cần được biên soạn theo hướng kết hợp một cách hợp lí giữa trang bị kiến thức với hướng dẫn thực hành; nội dung SGK phải là nội dung "mở", có thể kích thích khả năng tư duy, tìm tòi sáng tạo của học sinh và tạo cơ hội cho người dạy linh hoạt tận dụng những tình huống trong đời sống xã hội, bổ sung, tích hợp những vấn đề về kinh tế-chính trị-xã hội của địa phương để dạy học/giáo dục;cần ưu tiên lựa chọn những nội dung thiết thực với cuộc sống, thiết kế những nội dung tự chọn để đáp ứng yêu cầu dạy học phân hóa; tăng phần bài tập tình huống. Nội dung SGK không nên ôm đồm, dài dòng. Hệ thống câu hỏi, bài tập cần tránh đơn điệu, hình thức. Hệ thống kênh hình, kênh chữ, sơ đồ, bảng biểu cần hài hòa, hấp dẫn.
Các địa phương, các cơ sở đào tạo giáo viên, các cơ sở giáo dục phổ thông cần nghiên cứu và thực hiện chủ trương phát triển CT giáo dục nhà trường phổ thông theo Hướng dẫn số 791/HD-BGDĐT ngày 25/6/2013.
3.2. Về phương pháp và hình thức tổ chức dạy học
Trong giáo dục đạo đức-công dân cần coi trọng tính thuyết phục để học sinh thấy đúng, thấy hay mà tin theo, làm theo, giúp các em dần dần hình thành những phẩm chất và năng lực của người công dân tích cực, tự giác, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước. Vì vậy, đổi mới PPDH giáo dục đạo đức-công dân cần chú trọng sử dụng linh hoạt, hiệu quả các quan điểm dạy học, PPDH và kỹ thuật dạy học tích cực; tăng cường sử dụng các tình huống, các sự việc, các vấn đề, hiện tượng thực tế cuộc sống xung quanh, gần gũi với đời sống học sinh để phân tích, đối chiếu, minh họa vừa có sức hấp dẫn, vừa nhẹ nhàng, hiệu quả. Mặt khác, hành vi đạo đức, văn hóa pháp luật, kĩ năng sống… chỉ có thể được hình thành và trở nên có giá trị thông qua các hoạt động, trải nghiệm cuộc sống. Do vậy, dạy học/giáo dục đạo đức-công dân phải coi trọng các hoạt động trải nghiệm của người học để hình thành ý thức, phẩm chất và năng lực của người công dân tương lai.
Hình thức dạy học/giáo dục đạo đức-công dân phải đổi mới theo hướng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả: dạy học theo lớp, theo nhóm và cá nhân, ở trong lớp, ngoài lớp và ngoài trường; tăng cường các sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, công tác đoàn, đội của học sinh; tăng cường thực hành, rèn luyện kỹ năng trong các tình huống cụ thể của đời sống; tích cực sử dụng các phương tiện thông tin truyền thông hiện đại nhằm đa dạng, cập nhật thông tin, tạo ra sự hứng thú cho học sinh.
3.3. Về kiểm tra, đánh giá
Các hình thức kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập đối với giáo dục đạo đức-công dân đều hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Do vậy, việc KTĐG kết quả học tập của học sinh cần thực hiện trong quá trình dạy học/giáo dục, không chỉ dừng lại ở điểm số các bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ, mà còn phải chủ yếu dựa vào những nhận định, nhận xét cụ thể, thường xuyên dựa trên các biểu hiện về năng lực nhận thức, thái độ, các hành vi ứng xử trong toàn bộ quá trình các hoạt động học tập, sinh hoạt của học sinh ở trường, ở nhà và ở cộng đồng. Từ các nhận định đó, cần coi trọng việc động viên, khích lệ những cố gắng, tiến bộ, góp ý sửa chữa các thiếu sót, vượt qua các trở ngại về tâm lí của học sinh theo phương châm đánh giá vì sự tiến bộ của các em. Việc KTĐG không chỉ là việc xem học sinh học được cái gì mà quan trọng hơn là biết học sinh học như thế nào, có biết vận dụng không.
Trong các bài kiểm tra, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Thực hiện việc xây dựng ma trận đề kiểm tra cho mỗi chương và cả CT môn học; tăng cường ra câu hỏi kiểm tra để bổ sung cho thư viện câu hỏi. Khi chấm bài kiểm tra phải có phần nhận xét, động viên sự cố gắng tiến bộ của học sinh. Chú ý hướng dẫn học sinh đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá năng lực của mình.
Áp dụng các tiến bộ khoa học trong việc đánh giá thái độ, hành vi. Ví dụ, có thể đánh giá thái độ qua các mức độ chấp nhận/không chấp nhận, đồng hóa/tự nguyện, phản hồi/đánh giá, hình thành niềm tin/tư tưởng; đánh giá đạo đức trên cơ sở xem xét sự thống nhất giữa ý thức đạo đức và hành vi đạo đức, giữa tri thức đạo đức, tình cảm đạo đức và thói quen đạo đức...
4. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên
Giáo viên giáo dục đạo đức-công dân vừa phải có những năng lực nghề nghiệp đáp ứng quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên vừa phải có những năng lực nghề nghiệp đặc thù của người giáo viên giáo dục đạo đức-công dân như: có năng lực công dân tiêu biểu (có nhân cách người công dân Việt Nam trong thời đại mới, là tấm gương đạo đức cho học sinh noi theo); có năng lực đánh giá đạo đức thông qua quan sát các hành vi đạo đức của học sinh; có năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đạo đức - công dân cần rà soát, xây dựng CT đào tạo đáp ứng các yêu cầu về năng lực nghề nghiệp giáo viên nói chung như: Tăng cường giáo dục đạo đức và trách nhiệm nhà giáo, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, năng lực phát triển CT giáo dục của nhà trường phổ thông, năng lực đánh giá học sinh; các năng lực nghề nghiệp đặc thù của người giáo viên đạo đức-công dân, gắn quá trình đào tạo với thực tiễn nhà trường phổ thông; bổ sung những nội dung mới theo chủ trương của Bộ GDĐT và yêu cầu thực tế vào CT đào tạo.
Đối với CT đào tạo giáo viên dạy 2 môn (như Văn - GDCD, Sử - GDCD...) thì phải coi cả 2 môn đều là môn chính theo tỷ lệ 50% - 50%; đối với những giáo viên đã đào tạo theo CT với tỷ lệ 70% - 30% thì phải được đào tạo bổ sung để đạt tỉ lệ 50% - 50%.
Phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo giáo viên giáo dục đạo đức - công dân và các trường phổ thông để đảm bảo sự thống nhất trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng.Cần có sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo giáo viên GDCD để xây dựng các CT, giáo trình dùng chung có chất lượng. Bằng các giải pháp khác nhau, cần nhanh chóng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên hiện tại đang dạy GDCD mà chưa qua đào tạo đúng chuyên môn GDCD; khắc phục tình trạng giáo viên dạy GDCD mà không được đào tạo, bồi dưỡng về GDCD.
Việc bồi dưỡng giáo viêncần tránh hình thức; gắn liền với đòi hỏi của thực tiễn đạo đức-công dân trong nhà trường và sát với từng đối tượng. Tăng cường tổ chức các hội thi giáo viên giáo dục đạo đức - công dân giỏi để khuyến khích, trao đổi kinh nghiệm và nhân điển hình tiên tiến.
5) Một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu sau hội thảo
Việc đánh giá phẩm chất đạo đức, năng lực công dân của người học là việc không dễ dàng, cần có cách thức, kỹ thuật đánh giá như thế nào cho phù hợp, tin cậy và có giá trị.
Cần nghiên cứu tiếp để xác định những năng lực chuyên biệt của giáo dục đạo đức-công dân và mức độ các năng lực ấy được thể hiện vào mục tiêu môn học qua từng cấp học như thế nào cho phù hợp.
Cơ chế thị trường định hướng XHCN là một mô hình mới mà nước ta đang xây dựng trong điều kiện hội nhập, thế giới đang có rất nhiều thay đổi nhanh chóng, do sự phát triển bùng nổ của CNTT-TT đặt ra rất nhiều vấn đề cấp thiết về giáo dục giá trị, đặc biệt là làm sao để thế hệ trẻ tránh được những ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội.
Mặt khác, cần nghiên cứu để tận dụng các giá trị tốt đẹp của một số tôn giáo trong quá trình giáo dục thế hệ trẻ.
Những đổi mới trong CT giáo dục phổ thông hiện nay đang tạo thêm nhiều cơ hội cho giáo dục đạo đức-công dân, các nhà trường phải chủ động tổ chức, chỉ đạo để các cán bộ, giáo viên tự giác tham gia vào hoạt động giáo dục học sinh thông qua các mô hình hoạt động như mô hình trường học mới (VNEN), nghiên cứu khoa học kĩ thuật, phát triển chương trình giáo dục nhà trường, phương pháp giáo dục kỉ luật tích cực...
Trên đây là kết quả Hội thảo quốc gia về giáo dục đạo đức-công dân trong giáo dục phổ thông Việt Nam. Bộ GDĐT thông báo đến các Sở GDĐT, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT để biết và nghiên cứu vận dụng trong triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ, hướng tới việc xây dựng và triển khai thực hiện CT, SGK mới giai đoạn sau năm 2015.
Nơi nhận: - Bộ trưởng (để báo cáo); - Các Thứ trưởng (để phối hợp); -Các Sở GDĐT, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông (để thực hiện); - Các đơn vị liên quan (để thực hiện); - Lưu: VT, Vụ GDTrH. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG (Đã ký) Nguyễn Vinh Hiển |