Kế hoạch 2013/KH-SGDĐT Hà Nội về tổ chức hoạt động hè cho học sinh năm 2020
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Kế hoạch 2013/KH-SGDĐT
Cơ quan ban hành: | Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 2013/KH-SGDĐT |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Người ký: | Phạm Xuân Tiến |
Ngày ban hành: | 25/06/2020 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề |
tải Kế hoạch 2013/KH-SGDĐT
UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ______________ Số: 2013/KH-SGDĐT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________________ Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 2020 |
KẾ HOẠCH
Tổ chức hoạt động hè cho học sinh năm 2020 ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội
_______________
Thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-UBND ngày 14/4/2020 của UBND Thành phố về việc sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 và khoản 7 Điều 1 Quyết định số 3951/QĐ-UBND ngày 23/7/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên năm học 2019-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Công văn số 1547/SGDĐT-GDMN ngày 21/5/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc đảm bảo an toàn cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non và thực hiện nhiệm vụ trọng tâm giáo dục mầm non trong thời gian còn lại của năm học 2019-2020; Công văn số 2110/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 12/6/2020 về việc tổ chức Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2020, Kế hoạch số 444/KH-BGDĐT ngày 19/6/2020 về triển khai công tác bảo đảm an toàn trường học năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động hè cho học sinh năm 2020, cụ thể như sau:
A. Mục đích, yêu cầu
I. Mục đích
- Nhằm phối hợp giữa ngành GDĐT với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trên các địa bàn dân cư nơi học sinh cư trú, tổ chức cho học sinh được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian phù hợp, bổ ích, lành mạnh trong dịp hè 2020.
- Nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự quan tâm của nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc, quản lý, giáo dục học sinh và trẻ em trong dịp hè.
II. Yêu cầu
- Việc tổ chức hoạt động hè cho học sinh thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, trên tinh thần tăng cường tuyên truyền, vận động khuyến khích các em tham gia có sự ủng hộ của cha mẹ học sinh.
- Khi tổ chức các hoạt động phải đảm bảo an toàn, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
- Các hoạt động được tổ chức đồng bộ, thiết thực, đạt hiệu quả giáo dục cao, tạo tâm thế phấn khởi khi các em chuẩn bị bước vào năm học mới.
B. Nội dung hoạt động
I Đối với cấp học phổ thông
1. Công tác phối hợp bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương
Khi kết thúc năm học nhà trường chủ động phối hợp cùng Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội tại địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, tổ chức bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương và tiếp nhận học sinh trở lại khi học sinh tựu trường.
2. Công tác giáo dục đạo đức lối sống, truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc và phổ biến giáo dục pháp luật
Tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân dịp 73 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2020), đặc biệt tiếp tục thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ việc nhà cho gia đình thương binh liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách; chăm sóc các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, các khu tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ.
Phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống ứng phó với thiên tai, tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, xâm hại, bạo lực trẻ em, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, dịch bệnh, tác hại của việc sử dụng “bóng cười” và các chất gây nghiện “núp bóng” các vỏ bọc, hình thức như: tem giấy, bùa lưỡi, trà sữa, bánh quy..., có hình thức phù hợp để tuyên truyền Luật Trẻ em, Luật Thanh niên, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Phòng chống ma tuý, Luật Phòng chống tội phạm mua bán người... .
Nhà trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh, các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương, phát hiện, có biện pháp xử lý kịp thời đối với những học sinh có biểu hiện chưa ngoan. Kiên quyết không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo học sinh tham gia vào các tệ nạn xã hội, hoạt động tuyên truyền tôn giáo trái phép và các hoạt động vi phạm an toàn, đạo đức xã hội.
3. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, rèn luyện kỹ năng sống và tập luyện thể dục thể thao.
Khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ở câu lạc bộ, thư viện, nhà văn hóa, sân chơi thể thao... của địa phương, nhà trường.
Căn cứ điều kiện của nhà trường và nguyện vọng của Ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường chủ động phối hợp với các trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện pháp lý để tổ chức có hiệu quả các lớp dạy năng khiếu, văn nghệ, thể dục thể thao, kĩ năng sống cho học sinh.
Nhà trường chủ động:
- Tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao tại địa phương, trong trường, cụm trường.
- Lựa chọn đưa một số trò chơi dân gian phù hợp lứa tuổi học sinh vào các buổi sinh hoạt.
- Trang bị cho học sinh các kiến thức, kỹ năng phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống xâm hại, lạm dụng tình dục, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp cho học sinh.
- Tạo điều kiện lắp đặt “Bể bơi thông minh” tại các nhà trường để tổ chức các lớp dạy bơi nhằm phổ cập bơi, nâng cao kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh. Khuyến khích vận động cha mẹ học sinh cho con em tham dự các lớp học bơi trong dịp hè.
- Tăng cường giáo dục, định hướng cho học sinh ý thức lựa chọn các nội dung khi sử dụng internet theo hướng lành mạnh, bổ ích.
- Mở cổng trường, tạo điều kiện cho học sinh được sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường như thư viện, nhà thể chất, sân vận động, bể bơi cho học sinh vào ôn tập, đọc sách, báo, tài liệu, hoạt động vui chơi, giải trí, tập luyện.
4. Hoạt động ôn tập văn hóa trong hè cho học sinh
Hiệu trưởng các nhà trường, giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) lập kế hoạch ôn tập văn hóa, bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh yếu, kém. Bố trí thời gian hợp lý để tổ chức thi và xét lên lớp cho những học sinh thuộc diện thi lại.
Nhà trường không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Không tổ chức dạy trước chương trình; ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2020-2021.
5. Hoạt động xã hội, lao động công ích, tình nguyện
Phối hợp tổ chức cho học sinh tham gia các đội, nhóm thanh niên tình nguyện trên địa bàn dân cư do Đoàn Thanh niên địa phương quản lý trong đó tập trung vào Chương trình “Tiếp sức mùa thi”, chiến dịch “Mùa hè xanh”, chiến dịch “Hoa phượng đỏ”.
Phối hợp tổ chức cho học sinh tham gia giữ gìn thủ đô Xanh - Sạch - Đẹp tích cực tham gia phong trào vệ sinh môi trường tại địa phương, tham gia vệ sinh, tu sửa trường, lớp chuẩn bị cho năm học mới.
II. Đối với cấp học mầm non
1. Cơ sở Giáo dục mầm non (CSGDMN) xây dựng kế hoạch hoạt động hè báo cáo phòng GDĐT phê duyệt. Xây dựng kế hoạch hoạt động hè và tổ chức thực hiện cần chú trọng một số nội dung sau:
- Đảm bảo công tác quản lý, quản trị nhà trường của Ban giám hiệu, duy trì số trực hè (thời gian, người trực, chất lượng công việc, ...). Đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi; không để xảy ra bất kỳ vụ việc vi phạm quy định tại các CSGDMN, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
- Quan tâm chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên. Phân công giáo viên, nhân viên thực hiện tốt công tác chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ.
- Thực hiện chế độ thu, chi thỏa thuận với phụ huynh và được sự đồng ý của các cấp quản lý.
- Đảm bảo sĩ số trẻ/lớp theo qui định. Tuyệt đối không nhận trẻ khi trường, lớp chưa đảm bảo các điều kiện an toàn cho trẻ.
- Phụ huynh có con đang học ở trường, có nhu cầu gửi con trong hè phải có đơn xin học hè.
2. Chăm sóc nuôi dưỡng, đảm bảo an toàn cho trẻ
- Phối hợp với y tế xã, phường, trung tâm y tế các quận, huyện, phụ huynh học sinh trong công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, tăng cường chế biến theo đúng quy định, quy trình, đảm bảo theo chế độ dinh dưỡng, chăm sóc phù hợp thời tiết, đủ nước uống, chống nóng cho trẻ.
- Các CSGDMN rà soát toàn bộ các yếu tố gây nguy cơ mất an toàn để kịp thời khắc phục. Chủ động cải tạo chống xuống cấp cơ sở vật chất, bổ sung, bảo dưỡng hệ thống điện, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, cây xanh, cây cảnh... đảm bảo an toàn, chuẩn bị tốt các điều kiện cho hoạt động hè và năm học mới. Trong quá trình thi công cần an toàn tuyệt đối, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ.
3. Tổ chức các hoạt động giáo dục
Xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp, không dạy trước chương trình ở các độ tuổi, đối với trẻ 5 tuổi không dạy trước chương trình lớp 1.
Tổ chức thực hiện chế độ sinh hoạt một ngày đảm bảo an toàn với các nội dung ôn luyện phù hợp, chú trọng giáo dục thể chất, vui chơi, kỹ năng tự phục vụ. Đảm bảo đủ đồ dùng, đồ chơi, phương tiện phục vụ các hoạt động.
Khuyến khích tổ chức các trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi mầm non trong dịp hè.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. Phân công nhiệm vụ
1. Sở GDĐT Hà Nội
- Giao Phòng Chính trị, tư tưởng là thường trực trong công tác triển khai kế hoạch.
- Phối hợp cùng các phòng chuyên môn của Sở và ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo tổ chức hoạt động hè cho học sinh và trẻ mầm non.
- Phối hợp với cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền về các hoạt động hè của Ngành.
- Thành lập đoàn kiểm tra có báo trước, kiểm tra đột xuất các đơn vị về công tác triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động hè.
- Tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin có liên quan đến hoạt động hè của các đơn vị từ các cơ sở giáo dục, từ phía người học, cán bộ, nhà giáo và nhân dân.
2. Các phòng GDĐT quận, huyện, thị xã
Tham mưu với UBND quận, huyện, thị xã thành lập Ban Chỉ đạo hè và xây dựng kế hoạch hoạt động của đơn vị theo chỉ đạo của UBND quận, huyện, thị xã và Sở GDĐT.
Báo cáo với UBND quận, huyện, thị xã chủ trương của Ngành về việc sử dụng trường học làm nơi tổ chức sinh hoạt cho học sinh trong dịp hè và xây dựng quy chế quản lý phù hợp.
Tổ chức quán triệt nội dung kế hoạch của Sở và địa phương tới hiệu trưởng, cán bộ, giáo viên nhà trường và cha mẹ học sinh trước khi nghỉ hè. Tổ chức kiểm tra nắm bắt tình hình hoạt động của các đơn vị.
Phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động hè cho học sinh và trẻ mầm non.
Phân công cán bộ phụ trách theo dõi, kiểm tra hoạt động hè của các đơn vị.
Tổ chức tổng kết hoạt động hè của của đơn vị.
3. Các trường trực thuộc Sở, các trung tâm GDNN-GDTX
Thành lập Ban Chỉ đạo hè của cụm trường (cụm trưởng là trưởng Ban), của trường, của trung tâm. Ban Chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động hè của đơn vị tới cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Chịu trách nhiệm quản lý tổ chức hoạt động hè an toàn, lành mạnh, hiệu quả.
Tổ chức sinh hoạt, giao lưu trong cụm về các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian ...
Tổ chức tổng kết hoạt động hè của cụm.
II. Thời gian thực hiện và chế độ báo cáo
- Thời gian thực hiện tổ chức hoạt động hè: Từ khi học sinh nghỉ hè đến khi học sinh tựu trường.
- Chế độ báo cáo:
+ Phòng GDĐT: Tổng hợp báo cáo hoạt động hè năm 2020 của các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn gửi về Sở GDĐT.
+ Cụm trưởng các trường trung học phổ thông: Tổng hợp báo cáo hoạt động hè năm 2020 của các trường trong cụm gửi về Sở GDĐT.
+ Các trường mầm non, phổ thông chuyên biệt trực thuộc Sở: Báo cáo trực tiếp kết quả hoạt động hè gửi về Sở GDĐT.
Các đơn vị gửi báo cáo hoạt động hè năm 2020 về Phòng Chính trị, tư tưởng Sở GDĐT trước ngày 05/9/2020 qua email: cttt@hanoiedu.vn.
III. Kinh phí hoạt động
- Trích kinh phí từ nguồn chi ngân sách nhà nước cho công tác giáo dục và đào tạo năm 2020 của đơn vị.
- Sử dụng kinh phí từ các nguồn khác đúng theo quy định hiện hành của pháp luật.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu xảy ra hiện tượng bất thường, khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo nhanh về Sở GDĐT qua Phòng Chính trị, tư tưởng theo số điện thoại 024.39411232 để phối hợp giải quyết.
Sở GDĐT đề nghị các phòng GDĐT quận, huyện, thị xã; các trung tâm GDNN-GDTX, các đơn vị trường học trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện kế hoạch./.
Nơi nhận: - Vụ GDCTHSSV Bộ GDĐT; - Văn phòng UBND Thành phố; - Ban Tuyên giáo Thành ủy; - Sở LĐTB&XH HN; - Thành Đoàn HN; - UBND các quận, huyện, thị xã; - Ban Giám đốc Sở; - Công đoàn ngành giáo dục HN; - Các phòng thuộc Sở; - Phòng GDĐT quận, huyện, thị xã; - Các trung tâm GDNN-GDTX; - Các trường trực thuộc Sở; - Lưu: VT, CTTT. | KT. GIÁM ĐỐC PHÓ GIÁM ĐỐC
Phạm Xuân Tiến |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây