Dự thảo Thông tư về lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư

Dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông
Lĩnh vực: Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề Loại dự thảo:Thông tư
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Giáo dục và Đào tạoTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, áp dụng đối với trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông  các tổ chức và cá nhân có liên quan.

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------------

Số:         /2020/TT-BGDĐT

DỰ THẢO

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

--------------

Hà Nội, ngày     tháng    năm 2020



THÔNG TƯ

Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa

trong cơ sở giáo dục phổ thông

----------------

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

2. Thông tư này áp dụng đối với trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông), các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa

1. Lựa chọn sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông.

2. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) ở một khối lớp lựa chọn 01 (một) đầu sách giáo khoa.

3. Bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Điều 3. Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa

1. Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương hoặc từng khu vực của địa phương.

2. Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

 

Chương II

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG

LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA

 

Điều 4. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa

1. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (sau đây gọi chung là Hội đồng) do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thành lập, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi môn học của một cấp học thành lập 01 (một) Hội đồng.

2. Hội đồng bao gồm: lãnh đạo, chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo, sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ (sau đây gọi chung là Sở Giáo dục và Đào tạo), Phòng Giáo dục và Đào tạo; cán bộ quản lý và giáo viên đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 (mười lăm) người, trong đó có ít nhất 2/3 (hai phần ba) tổng số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang giảng dạy.

3. Trách nhiệm của Hội đồng:

a) Lựa chọn sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư nàytiêu chí lựa chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định;

b) Đxuất danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Giải trình trước Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về danh mục sách giáo khoa được lựa chọn, việc tiếp thu ý kiến góp ý về việc lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông.

Điều 5. Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng

1. Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Trong trường hợp Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo không được tham gia Hội đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 5 của Thông tư này hoặc các trường hợp phải vắng mặt vì lý do bất khả kháng thì Chủ tịch Hội đồng là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

2. Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc trưởng phòng chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo.

3. Thư kí Hội đồng là chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Phòng Giáo dục và Đào tạo) hoặc cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo cấp học.

4. Uỷ viên Hội đồng là lãnh đạo và chuyên viên của Phòng Giáo dục và Đào tạo; cán bộ quản lý, tổ trưởng tổ chuyên môn, giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông thuộc các khu vực khác nhau trên địa bàn tỉnh; đối với ủy viên là giáo viên phải có ít nhất 05 (năm) năm giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông.

5. Người đã tham gia biên soạn, thẩm định, chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt không được tham gia Hội đồng.

Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn các thành viên Hội đồng

1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng:

a) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về hoạt động của Hội đồng, lập kế hoạch tổ chức thực hiện các hoạt động của Hội đồng;

b) Phân công nhiệm vụ của Phó Chủ tịch Hội đồng, Thư kí Hội đồng và các ủy viên Hội đồng;

c) Xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa;

d) Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều 6 của Thông tư này.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Chủ tịch Hội đồng:

a) Chịu trách nhiệm về các nội dung công việc do Chủ tịch Hội đồng phân công;

b) Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định tại điểm a, b, d khoản 4 Điều 6 của Thông tư này.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thư kí Hội đồng:

a) Giúp Chủ tịch Hội đồng chuẩn bị nội dung, xây dựng chương trình làm việc của Hội đồng theo kế hoạch;

b) Lập biên bản tổng hợp đầy đủ ý kiến của các thành viên Hội đồng;

c) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại điểm a, b, d khoản 4 Điều 6 của Thông tư này.

4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy viên Hội đồng:

a) Nghiên cứu tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, các sách giáo khoa và tài liệu liên quan do Hội đồng cung cấp; tham gia đầy đủ các cuộc họp của Hội đồng;

b) Có văn bản nhận xét, đánh giá, lựa chọn sách giáo khoa; có ý kiến và chịu trách nhiệm về ý kiến, nhận xét, đánh giá, lựa chọn sách giáo khoa;

c) Trường hợp không thể tham gia họp Hội đồng phải báo cáo và được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng, gửi văn bản nhận xét, đánh giá, lựa chọn sách giáo khoa cho Chủ tịch Hội đồng trước thời điểm tổ chức cuộc họp; ý kiến bằng văn bản về việc lựa chọn sách giáo khoa của Ủy viên Hội đồng vắng mặt được tính vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa trong lần bỏ phiếu thứ nhất của Hội đồng;

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng phân công.

Điều 7. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng

1. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, minh bạch.

2. Cuộc họp của Hội đồng được coi là hợp lệ khi có ít nhất 3/4 (ba phần tư) tổng số thành viên tham gia, trong đó có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thư kí Hội đồng.

3. Kết quả của mỗi cuộc họp Hội đồng được lập thành biên bản, trong đó bao gồm đầy đủ các ý kiến của các thành viên và được công khai tại Hội đồng. Biên bản phải có chữ kí của tất cả thành viên của Hội đồng tham dự.

 

Chương III

TỔ CHỨC LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA

 

Điều 8. Quy trình lựa chọn sách giáo khoa

1. Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu sách giáo khoa cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn. Báo cáo với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. Danh mục sách giáo khoa được lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên trong tổ chuyên môn.

2. Cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức nghiên cứu, thảo luận kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa; tham khảo ý kiến của học sinh, cha mẹ học sinh về việc lựa chọn sách giáo khoa; đề xuất danh mục sách giáo khoa các môn học được lựa chọn, xếp theo thứ tự từ cao đến thấp; báo cáo danh mục sách giáo khoa được cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất về Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông), Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở).

3. Chậm nhất 07 (bảy) ngày trước phiên họp lần thứ nhất của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng nghiên cứu, nhận xét, đánh giá sách giáo khoa theo các tiêu chí lựa chọn.

4. Tổ chức họp Hội đồng, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất theo các nguyên tắc quy định tại Điều 2 Thông tư này và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa. Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn sách giáo khoa. Sách giáo khoa được lựa chọn phải đạt 2/3 (hai phần ba) số phiếu đồng ý lựa chọn trở lên. Trường hợp sách giáo khoa không đạt 2/3 (hai phần ba) số phiếu đồng ý lựa chọn trở lên, Hội đồng thảo luận, phân tích các sách giáo khoa với tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa và bỏ phiếu lựa chọn lại. Sau lần bỏ phiếu thứ hai nếu vẫn không đạt 2/3 số phiếu đồng ý lựa chọn trở lên thì Hội đồng quyết định lựa chọn sách giáo khoa có số lượng cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn nhiều nhất trong danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục phổ thông báo cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư này. Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa thành biên bản, có chữ ký của các thành viên Hội đồng tham dự.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp kết quả lựa chọn của các Hội đồng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

6. Căn cứ vào kết quả lựa chọn của các Hội đồng và hồ sơ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Điều 9. Công bố danh mục sách giáo khoa được phê duyệt

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đăng tải danh mục sách giáo khoa được phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo danh mục sách giáo khoa được phê duyệt đến Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn tỉnh; đồng thời báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước thời điểm bắt đầu năm học mới là 06 (sáu) tháng.

 

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Quyết định thành lập Hội đồng; hằng năm thành lập mới Hội đồng, đảm bảo có ít nhất 1/3 số thành viên đã tham gia trong Hội đồng những năm trước đó.

2. Căn cứ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa quy định tại Điều 3 của Thông tư này, quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm của các cơ sở giáo dục phổ thông và tình hình phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

3. Phê duyệt định mức, dự toán chi và bảo đảm nguồn kinh phí để Hội đồng và các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý lựa chọn sách giáo khoa. Thực hiện các nội dung chi, định mức chi theo quy định hiện hành của Nhà nước trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí.

4. Hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện lựa chọn sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư này. Chỉ đạo cơ quan quản lý giáo dục hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông tham gia đề xuất danh mục sách giáo khoa và sử dụng sách giáo khoa theo quy định của pháp luật.

5. Công khai minh bạch các thông tin lựa chọn sách giáo khoa và giải trình trước dư luận về quyết định lựa chọn.

6. Báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về danh mục sách giáo khoa được lựa chọn; có văn bản cung cấp thông tin cho các nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn về danh mục, số lượng sách giáo khoa mỗi nhà xuất bản cần cung ứng, bao gồm cả số lượng dự phòng ngay sau khi quyết định danh mục, để bảo đảm có đầy đủ sách giáo khoa trước khi bắt đầu mỗi năm học mới.

7. Căn cứ vào đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét và quyết định việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa. Việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa được thực hiện như việc lựa chọn sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư này.

Điều 11. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo

1. Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa, bao gồm các nhiệm vụ sau:

a) Căn cứ vào quy định tại Điều 3 của Thông tư này, tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm của các cơ sở giáo dục phổ thông và tình hình phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

b) Đề xuất danh sách các thành viên các Hội đồng;

c) Đề xuất kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho việc lựa chọn của Hội đồng và các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý;

d) Tổ chức các hoạt động của Hội đồng.

2. Chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý hướng dẫn giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh tham gia lựa chọn, đề xuất danh mục sách giáo khoa. Tổng hợp danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý và Phòng Giáo dục và Đào tạo đề xuất, báo cáo với Hội đồng.

3. Thông báo đến Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục phổ thông theo phân cấp quản lý danh mục sách giáo khoa được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa theo quy định của pháp luật.

4. Tổng hợp các kiến nghị điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa từ các cơ sở giáo dục phổ thông theo thẩm quyền quản lý và Phòng Giáo dục và Đào tạo, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh

1. Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý đề xuất danh mục sách giáo khoa, tổng hợp các kiến nghị điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa từ các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý.

2. Phê duyệt định mức, dự toán chi và bảo đảm nguồn kinh phí để các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý lựa chọn sách giáo khoa. Thực hiện các nội dung chi, định mức chi theo quy định hiện hành của Nhà nước trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí.

Điều 13. Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo

1. Chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý hướng dẫn giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh tham gia lựa chọn, đề xuất danh mục sách giáo khoa. Tổng hợp danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý đề xuất, báo cáo với Sở Giáo dục và Đào tạo.

2. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông theo thẩm quyền quản lý thông báo danh mục sách giáo khoa đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh; hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa theo quy định của pháp luật.

3. Tổng hợp các kiến nghị điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa từ các cơ sở giáo dục phổ thông theo thẩm quyền quản lý, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo.

Điều 14. Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ph thông

1. Cử người tham gia Hội đồng theo yêu cầu.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chuyên môn, giáo viên, học sinh, đại diện cha mẹ học sinh tham gia lựa chọn, đề xuất danh mục sách giáo khoa được lựa chọn theo môn học và theo thứ tự lựa chọn từ cao đến thấp với đầy đủ chữ kí của các thành viên tham gia lựa chọn.

3. Thông báo danh mục sách giáo khoa được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh.

4. Sử dụng sách giáo khoa đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt trong quá trình dạy và học; hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa theo quy định của pháp luật.

5. Tổng hợp các kiến nghị của giáo viên, học sinh về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

 

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Thông tư này thay thế Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 01 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và có hiệu lực thi hành kể từ ngày     tháng    năm 2020.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, người đứng đầu các cơ sở giáo dục phổ thông, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

Nơi nhận:

- Ban Tuyên giáo TƯ;

- Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng Chính phủ;                                                            

- Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội;

- Bộ Thông tin và Truyền thông;

- Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL);

- Công báo;

- Như Điều 16;

- Website Chính phủ;

- Website Bộ GDĐT;

- Lưu: VT, Vụ GDTrH, Vụ GDTH, Vụ PC.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Hữu Độ

 

 

Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi