Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Thông tư về liên kết đào tạo với nước ngoài hình thức trực tuyến
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Thông tư
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề | Loại dự thảo: | Thông tư |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Giáo dục và Đào tạo | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học, viện hàn lâm, viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ...
Tải Thông tư
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO------------ Số: /2020/TT-BGDĐT DỰ THẢO 2 | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAMĐộc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------ Hà Nội, ngày tháng năm 2020 |
THÔNG TƯ
Quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ
đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức
trực tiếp kết hợp trực tuyến
-------------
Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học, viện hàn lâm, viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam, cơ sở giáo dục đại học nước ngoài (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo), các tổ chức và cá nhân có liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Liên kết đào tạo trực tuyến (online) là việc hợp tác giữa cơ sở đào tạo nước ngoài và cơ sở đào tạo của Việt Nam nhằm thực hiện chương trình đào tạo thông qua môi trường internet và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện để cấp văn bằng giáo dục đại học cho người học.
2. Hình thức liên kết đào tạo trực tuyến là hình thức đào tạo khi thực hiện chương trình liên kết đào tạo có thời lượng giảng dạy theo phương thức trực tuyến từ 50% trở lên trong tổng thời lượng giảng dạy của chương trình.
3. Hình thức liên kết đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến là hình thức đào tạo khi thực hiện chương trình liên kết đào tạo có thời lượng giảng dạy theo phương thức trực tuyến dưới 50% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình.
Điều 3. Thực hiện chương trình liên kết đào tạo trực tuyến và trực tiếp kết hợp trực tuyến
1. Cơ sở đào tạo Việt Nam và cơ sở đào tạo nước ngoài thực hiện chương trình liên kết đào tạo theo hình thức trực tuyến hoặc hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến theo các quy định tại Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 27 của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2019 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và các quy định tại Thông tư này.
2. Việc thực hiện chương trình liên kết đào tạo tại phân hiệu phải bảo đảm đúng quy trình, thẩm quyền và các điều kiện như đối với chương trình liên kết đào tạo tại trụ sở chính quy định tại Thông tư này.
Điều 4. Chương trình đào tạo
1. Chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo nước ngoài ở nước sở tại và chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo Việt Nam đều đã và đang được triển khai theo hình thức trực tuyến ở cùng ngành, cùng trình độ dự định liên kết đào tạo và đều đã có sinh viên tốt nghiệp.
2. Sử dụng chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo nước ngoài:
a) Đối với hình thức liên kết đào tạo trực tuyến, chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng giáo dục ở nước sở tại hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận về chất lượng giáo dục theo hình thức đào tạo trực tuyến.
b) Đối với hình thức liên kết đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến, chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng giáo dục ở nước sở tại hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận về chất lượng giáo dục theo hình thức đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến.
3. Chương trình đào tạo do hai bên cùng xây dựng được thực hiện một trong các trường hợp sau:
a) Trường hợp cấp văn bằng của nước ngoài thì chương trình đào tạo phải bảo đảm thực hiện theo quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo của nước ngoài;
b) Trường hợp cấp văn bằng của Việt Nam thì chương trình đào tạo phải bảo đảm thực hiện theo quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo của Việt Nam;
c) Trường hợp cấp văn bằng của cả nước ngoài và của Việt Nam thì chương trình đào tạo phải bảo đảm thực hiện theo quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo của nước ngoài và của Việt Nam.
Điều 5. Quy mô đào tạo
1. Quy mô đào tạo trình độ đại học được xác định bảo đảm mỗi một lớp học không quá 25 người học/ 01 giảng viên và phải có ít nhất một trợ giảng.
2. Quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ được xác định bảo đảm như sau:
a) Trường hợp chương trình liên kết đào tạo có luận văn, quy định về người hướng dẫn luận văn không thấp hơn các quy định của quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành của Việt Nam;
b) Mỗi một lớp học không quá 25 người học/ 01 giảng viên và có ít nhất một trợ giảng.
3. Quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ được xác định bảo đảm quy định về người hướng dẫn không thấp hơn các quy định của quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam.
Điều 6. Cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm
1. Cơ sở vật chất, thiết bị phải đáp ứng yêu cầu của việc đào tạo trực tuyến đối với các học phần thực hiện theo hình thức liên kết đào tạo trực tuyến; có các phương tiện nghe nhìn bao gồm: máy tính, màn hình, màn chiếu, máy chiếu có độ lớn phù hợp với phòng học; đường truyền kết nối ổn định, thông suốt; học liệu trực tuyến có nội dung phù hợp với ngành học và có thể truy cập liên tục với tốc độ cao; phương tiện thu âm, ghi hình lưu trữ quá trình tổ chức đào tạo phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra.
2. Cung cấp đầy đủ giáo trình, tài liệu, thư viện điện tử, phần mềm học tập, hướng dẫn sử dụng các bước truy cập hệ thống quản lý học tập trực tuyến, cung cấp tài khoản người dùng và mật khẩu, các hướng dẫn ban đầu về khóa học cũng như việc kiểm tra đánh giá toàn khóa học, đồng thời phải có quy định về lưu trữ và bảo mật thông tin cho chương trình liên kết đào tạo.
3. Có hệ thống và cơ chế kiểm tra, xác thực, giám sát và đánh giá được sự tham gia của người học; hệ thống quản lý đào tạo chặt chẽ, đáp ứng được khả năng xử lý thông tin nhanh, có độ chính xác cao.
4. Tổ chức đào tạo trực tiếp tại cơ sở đào tạo.
5. Trường hợp đào tạo trình độ tiến sĩ văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp:
a) Đối với liên kết đào tạo trực tuyến, nghiên cứu sinh phải có tổng thời gian học tập và nghiên cứu trực tiếp tại cơ sở đào tạo nước ngoài tối thiểu 01 năm;
b) Đối với liên kết đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến, nghiên cứu sinh phải có tổng thời gian học tập và nghiên cứu trực tiếp 06 tháng tại cơ sở đào tạo nước ngoài và tối thiểu 06 tháng tại cơ sở đào tạo Việt Nam.
Điều 7. Đội ngũ giảng viên, hỗ trợ kĩ thuật
1. Đối với môn học giảng dạy trực tuyến, ngoài giảng viên giữ vai trò giảng dạy chính còn có giảng viên giữ vai trò trợ giảng hỗ trợ chuyên môn và người hỗ trợ kĩ thuật. Cơ sở đào tạo phải xây dựng quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của mỗi vị trí nêu trên.
2. Giảng viên, trợ giảng giảng dạy trực tuyến phải được tập huấn về phương pháp giảng dạy trực tuyến, kĩ năng sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin trong giảng dạy trực tuyến, thiết kế bài giảng trực tuyến và các kĩ năng tương tác, quản lí, theo dõi người học.
Điều 8. Các yêu cầu đối với liên kết đào tạo trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến
1. Hồ sơ đăng kí thực hiện liên kết đào tạo trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
2. Có các minh chứng về: Quy định pháp lý của nước sở tại về việc cho phép cung cấp chương trình đào tạo và cấp văn bằng ở ngoài biên giới; tình hình hoạt động và điều kiện bảo đảm chất lượng của chương trình đào tạo tại nước sở tại, đánh giá kết quả đầu ra của người học; việc thực hiện quy định về xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trong trường hợp hai bên cùng xây dựng; việc đáp ứng đầy đủ các quy định đối với giảng viên tham gia thực hiện chương trình liên kết; quy định về bảo đảm chất lượng để người học tốt nghiệp chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam được nhận văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp như đối với văn bằng cấp cho người học tốt nghiệp tại cơ sở đào tạo ở nước sở tại.
3. Có quy định về phương án xử lý rủi ro khi thực hiện chương trình liên kết đào tạo, đặc biệt là khi chương trình bị gián đoạn hoặc kết thúc trước thời hạn.
Điều 9. Trách nhiệm của các bên liên kết trong việc tổ chức hoạt động liên kết đào tạo
1. Xây dựng và ban hành các quy định cụ thể đối với chương trình liên kết đào tạo; cung cấp đầy đủ và rõ ràng các thông tin liên quan đến chương trình liên kết đào tạo trên trang thông tin điện tử của các bên liên kết và chịu trách nhiệm về sự chính xác của những thông tin này; có chính sách và phương thức tuyển sinh rõ ràng, minh bạch; tổ chức thực hiện đúng các quy định về liên kết; quy định về lưu trữ và bảo mật thông tin cho chương trình liên kết đào tạo; chịu trách nhiệm về giá trị pháp lý của văn bằng cho người học.
2. Triển khai các hoạt động bảo đảm chất lượng chương trình liên kết đào tạo và thực hiện kiểm định chương trình theo quy định.
3. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp và kĩ năng cần thiết cho đội ngũ giảng viên, cán bộ hỗ trợ chuyên môn và kĩ thuật tham gia triển khai chương trình liên kết đào tạo.
4. Đánh giá kết quả học tập của người học trung thực, rõ ràng, nhất quán, hiệu quả, tin cậy và phù hợp với thực tiễn, bảo đảm đạt chuẩn đầu ra.
5. Tổ chức kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập, bảo vệ luận văn, luận án của người học có sự giám sát bằng camera và hình ảnh được lưu trữ và có thể trích xuất phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra khi được yêu cầu trong thời gian tối thiểu 05 năm kể từ khi tốt nghiệp.
6. Tổ chức triển khai thực hiện chương trình liên kết đào tạo theo đúng nội dung trong hồ sơ đã được phê duyệt và quy định pháp luật có liên quan; bồi hoàn học phí cho người học nếu cơ sở đào tạo vi phạm quy định dẫn đến người học không được cấp bằng hoặc văn bằng được cấp không được công nhận tại các quốc gia có trường liên kết.
7. Lưu trữ vĩnh viễn hồ sơ liên kết đào tạo, thông tin người học tại cơ sở đào tạo của Việt Nam và nước ngoài.
8. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Các cơ sở đào tạo không thực hiện việc báo cáo hoặc báo cáo không chính xác sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
9. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2020.
Điều 11. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; thủ trưởng các cơ sở đào tạo; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG
Phùng Xuân Nhạ |
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!