Dự thảo Thông tư quy định phòng học bộ môn cơ sở giáo dục phổ thông

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư

Dự thảo Thông tư ban hành Quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông lần 2
Lĩnh vực: Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề Loại dự thảo:Thông tư
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Giáo dục và Đào tạoTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm: Loại, số lượng, quy cách phòng học bộ môn; thiết bị phòng học bộ môn; yêu cầu kỹ thuật phòng học bộ môn; quản lý và sử dụng phòng học bộ môn.

Tải Thông tư

Tải dự thảo tiếng Việt (.doc)@Thông tư DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

---------

Số:       /2019/TT-BGDĐT

DỰ THẢO 2

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

--------------

Hà Nội, ngày      tháng     năm 2019

 

 

 

THÔNG TƯ

Ban hành Quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông

 

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông,

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày       tháng       năm 2019.

Thông tư này thay thế Quyết định số 37/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về phòng học bộ môn.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, sở giáo dục - khoa học và công nghệ; thủ trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

 

Nơi nhận:

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban VHGDTTNNĐ của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương các đoàn thể;
- Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);

- Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo;
- Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc Chính phủ;
- Bộ trưởng;
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Công báo;
- Cổng TTĐT của Chính phủ;
- Cổng TTĐT của Bộ GD&ĐT;
- Lưu: VT, Cục CSVC
, Vụ PC (20b).

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

 

 

Nguyễn Hữu Độ

 

 

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
------------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------

 

 

 

QUY ĐỊNH

Phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông

(Ban hành kèm theo Thông tư số           /2019/TT-BGDĐT

ngày     tháng     năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định về phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm: Loại, số lượng, quy cách phòng học bộ môn; thiết bị phòng học bộ môn; yêu cầu kỹ thuật phòng học bộ môn; quản lý và sử dụng phòng học bộ môn.

2. Văn bản này áp dụng đối với trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông) thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phòng học bộ môn là phòng học đặc thù được trang bị, lắp đặt các thiết bị dạy học chuyên dùng để tổ chức dạy học theo yêu cầu chương trình giáo dục của một hoặc một số môn học khác nhau.

2. Phòng chuẩn bị là phòng để cất giữ, bảo quản và chuẩn bị thiết bị dạy học cho các môn học có thí nghiệm, thực hành.

3. Phòng thiết bị giáo dục là phòng để cất giữ, bảo quản, chuẩn bị thiết bị dạy học cho các môn học không có phòng học bộ môn và các thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục khác.

4. Phòng đa chức năng là phòng học bộ môn được lắp đặt các thiết bị tin học, thiết bị âm thanh và thiết bị trình chiếu để học ngoại ngữ và sử dụng chung cho các môn học khác.

5. Diện tích làm việc tối thiểu là diện tích bên trong phòng, không kể diện tích hành lang, lối vào và diện tích bị chiếm bởi kết cấu tường, vách, cột trên mặt bằng.

6. Thiết bị nội thất chuyên dùng các thiết bị có cấu tạo và tính năng chuyên biệt đáp ứng yêu cầu thí nghiệm, thực hành phù hợp với nội dung chương trình giáo dục của môn học.

Điều 3. Mục đích ban hành quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông

1. Thống nhất trên phạm vi toàn quốc về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của phòng học bộ môn đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2. Làm căn cứ để cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng định mức, dự toán để lập dự án đầu tư xây mới hoặc cải tạo phòng học bộ môn đã có.

3. Làm căn cứ để kiểm định chất lượng, công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục phổ thông.

 

Chương II

QUY CÁCH PHÒNG HỌC BỘ MÔN

 

Điều 4. Phòng học bộ môn

1. Loại phòng học bộ môn

a) Trường tiểu học có các phòng học bộ môn: Khoa học - Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật, Đa chức năng;

b) Trường trung học cơ sở có các phòng học bộ môn: Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật, Đa chức năng, Khoa học xã hội (sử dụng chung cho các môn học Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lí);

c) Trường trung học phổ thông có các phòng học bộ môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật, Đa chức năng, Khoa học xã hội (sử dụng chung cho các môn học Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật);

d) Trường phổ thông có nhiều cấp học căn cứ các quy định tại điểm a, b và c, khoản 1 Điều này để xác định các phòng học bộ môn. Phòng học bộ môn của trường phổ thông có nhiều cấp học được bố trí riêng biệt cho các cấp học, ngoại trừ các phòng học bộ môn có thể sử dụng chung cho một số môn học đảm bảo đáp ứng yêu cầuvề nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học.

2. Số lượng phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông được thực hiện theo quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

3. Tên phòng học bộ môn được đặt theo tên môn học, nếu cơ sở giáo dục phổ thông có nhiều phòng học bộ môn cùng môn học thì đánh thêm số thứ tự để phân biệt.

Điều 5. Quy cách phòng học bộ môn

1. Diện tích làm việc tối thiểu phòng học bộ môn được tính trên cơ sở diện tích làm việc tối thiểu cho một học sinh.

a) Trường tiểu học

Đối với phòng học bộ môn Tin học, Đa chức năng diện tích làm việc tối thiểu cho một học sinh là 1,50 m2 và mỗi phòng có diện tích không nhỏ hơn 50 m2;

Đối với phòng học bộ môn Khoa học - Công nghệ, Âm nhạc, Mĩ thuật diện tích làm việc tối thiểu cho một học sinh là 1,85 m2 và mỗi phòng có diện tích không nhỏ hơn 50 m2.

b) Trường trung học cơ sở

Đối với phòng học bộ môn Khoa học tự nhiên, Tin học, Đa chức năng diện tích làm việc tối thiểu cho một học sinh là 1,85 m2 và mỗi phòng có diện tích không nhỏ hơn 60 m2;

Đối với phòng học bộ môn Công nghệ, Âm nhạc, Mĩ thuật diện tích làm việc tối thiểu cho một học sinh là 2,25 m2 và mỗi phòng có diện tích không nhỏ hơn 60 m2;

Phòng học bộ môn Khoa học xã hội (sử dụng chung cho các môn học Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lí), diện tích làm việc tối thiểu cho một học sinh là 1,50 m2 và mỗi phòng có diện tích không nhỏ hơn 60 m2.

c) Trường trung học phổ thông

Đối với phòng học bộ môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Đa chức năng diện tích làm việc tối thiểu cho một học sinh là 2,00 m2 và mỗi phòng có diện tích không nhỏ hơn 60 m2;

Đối với phòng học bộ môn Công nghệ, Âm nhạc, Mĩ thuật diện tích làm việc tối thiểu cho một học sinh là 2,45 m2 và mỗi phòng có diện tích không nhỏ hơn 60 m2;

Phòng học bộ môn Khoa học xã hội (sử dụng chung cho các môn học Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật), diện tích làm việc tối thiểu cho một học sinh là 1,50 m2 và mỗi phòng có diện tích không nhỏ hơn 60 m2.

d) Trường phổ thông có nhiều cấp học căn cứ các quy định tại điểm a, b và c, khoản 1 Điều này để xác định diện tích làm việc tối thiểu các phòng học bộ môn.

2. Kích thước phòng học bộ môn

a) Chiều rộng phòng học bộ môn (tính theo chiều vuông góc với hành lang tiếp giáp phòng học bộ môn): Đối với cấp tiểu học không nhỏ hơn 5,70 m; đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông không nhỏ hơn 7,20 m;

b) Chiều dài phòng học bộ môn (tính theo chiều dọc hành lang tiếp giáp phòng học bộ môn) không lớn hơn 2 lần chiều rộng;

c) Chiều cao phòng học bộ môn (tính từ nền/sàn nhà tới trần nhà) từ 3,30 m trở lên. Trong trường hợp sử dụng nền giả để bố trí ngầm hệ thống kĩ thuật, chiều cao phòng học bộ môn (tính từ nền/sàn nhà tới trần nhà) không nhỏ hơn 2,80 m.

3. Phòng học bộ môn Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Vật lí, Hoá học, Sinh học và một số môn học có nhiều thiết bị thực hành phải có phòng chuẩn bị. Phòng chuẩn bị được bố trí liền kề, có cửa liên thông với phòng học bộ môn với diện tích làm việc từ 12 m2 đến 27 m2.

Điều 6. Phòng thiết bị giáo dục

1. Cơ sở giáo dục phổ thông phải có tối thiểu 01 phòng thiết bị giáo dục để cất giữ, bảo quản và chuẩn bị thiết bị dạy học cho các môn học không có phòng học bộ môn.

2. Thiết bị dạy học trong phòng thiết bị giáo dục được bố trí, sắp xếp riêng biệt theo từng môn học, khối lớp.

3. Diện tích làm việc tối thiểu phòng thiết bị giáo dục không nhỏ hơn 48m2.

 

Chương III

THIẾT BỊ PHÒNG HỌC BỘ MÔN

 

Điều 7. Thiết bị dạy học trong phòng học bộ môn

1. Thiết bị dạy học trong phòng học bộ môn bao gồm:

a) Thiết bị dạy học có trong danh mục thiết bị dạy học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đảm bảo việc tổ chức dạy học theo yêu cầu chương trình giáo dục của môn học;

b) Thiết bị dạy học không có trong danh mục thiết bị dạy học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu thí nghiệm, thực hành nâng cao của chuyên đề dạy học, nghiên cứu khoa học phù hợp chương trình giáo dục của môn học.

2. Yêu cầu thiết bị dạy học trong phòng học bộ môn

a) Số lượng thiết bị dạy học trong phòng học bộ môn phải đảm bảo đầy đủ theo quy định tại danh mục thiết bị dạy học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

b) Thiết bị dạy học trong phòng học bộ môn được bố trí, sắp xếp hợp lý, khoa học, phù hợp về yêu cầu kỹ thuật, công năng sử dụng, nội dung môn học nhằm đảm bảo thuận tiện khi sử dụng, bảo quản và không làm giảm tính năng của từng phòng học bộ môn;

c) Các loại hóa chất được bố trí, sắp xếp, bảo quản riêng biệt không gây ảnh hưởng, phá hủy các thiết bị dạy học khác.

Điều 8. Thiết bị nội thất chuyên dùng trong phòng học bộ môn

1. Thiết bị nội thất chuyên dùng bao gồm:

a) Bàn, ghế, bảng viết, tủ, kệ, giá đỡ chuyên dùng;

b) Tủ sấy, tủ hút thoát khí thải, mùi và hơi độc;

c) Hệ thống chậu rửa, vòi nước chuyên dùng;

d) Hệ thống điện chuyên dùng;

đ) Tủ thuốc y tế;

e) Các thiết bị nội thất chuyên dùng khác.

2. Yêu cầu thiết bị nội thất chuyên dùng

a) Số lượng thiết bị nội thất chuyên dùng trong phòng học bộ môn phải đáp ứng yêu cầu thí nghiệm, thực hành theo chương trình giáo dục của môn học;

b) Phòng học bộ môn phải được thiết kế và trang bị nội thất đồng bộ, khoa học và thuận tiện khi sử dụng;

c) Bàn, ghế phòng học bộ môn được bố trí đảm bảo các quy định về góc nhìn bảng viết, khoảng cách giữa các dãy bàn, hàng bàn, bảng viết và các tường bao quanh đảm bảo tổ chức dạy học thí nghiệm, thực hành theo nhóm; Bàn, ghế phòng học bộ môn là loại chuyên dùng, có thể làm từ các vật liệu khác nhau đáp ứng yêu cầu đặc thù của môn học. Ngoài ra bàn, ghế phòng học bộ môn Khoa học - Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Vật lí, Hoá học, Sinh học có khả năng chống chịu nhiệt, hóa chất, cơ học, đảm bảo thuận lợi vệ sinh và bảo dưỡng;

d) Hệ thống tủ, kệ, giá đỡ chuyên dùng trong phòng học bộ môn, phòng chuẩn bị và phòng thiết bị giáo dục được bố trí, sắp xếp hợp lý để cất giữ, bảo quản thiết bị dạy học;

đ) Tủ thuốc y tế trong phòng học bộ môn được trang bị thuốc và dụng cụ y tế thiết yếu dùng để sơ cấp cứu khi xảy ra sự cố, được treo cố định ở nơi hợp vệ sinh, dễ quan sát, dễ dàng tiếp cận và thuận tiện sử dụng;

e) Hệ thống rèm cửa phòng học bộ môn được bố trí để có thể che ánh sáng cục bộ hoặc toàn bộ phòng học.

 

Chương IV

YÊU CẦU KỸ THUẬT PHÒNG HỌC BỘ MÔN

 

Điều 9. Nền và sàn nhà phòng học bộ môn

Nền và sàn nhà phòng học bộ môn phải phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn xây dựng hiện hành. Nền và sàn nhà phòng học bộ môn đảm bảo dễ làm vệ sinh, không trơn trượt, không có kẽ hở, không bị mài mòn, không bị biến dạng, chống được ẩm, tránh được hiện tượng nồm ướt và chịu được tác động của hoá chất.

Điều 10. Cửa ra vào và cửa sổ phòng học bộ môn

Cửa ra vào và cửa sổ phòng học bộ môn phải phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn xây dựng hiện hành. Ngoài ra, phòng học bộ môn được bố trí 02 cửa ra vào phía đầu và cuối phòng.

Điều 11. Hệ thống cấp thoát nước

1. Hệ thống thoát nước cho khu vực phòng học bộ môn được bố trí riêng, được đặt ngầm trong tường, nền nhà hoặc trong hộp kỹ thuật. Các van đặt trong hộp kỹ thuật phải có cửa kiểm tra để thuận tiện cho việc quản lý và sửa chữa.

2. Phòng học bộ môn Hóa học, Sinh học được bố trí hệ thống chậu rửa, vòi nước, đường thoát nước gắn với bàn học; Phòng học bộ môn Vật lí, Khoa học tự nhiên, Mĩ thuật có thể được bố trí hệ thống chậu rửa, vòi nước ở phía cuối phòng; Vật liệu, kích thước chiều rộng, chiều sâu của chậu rửa phải đáp ứng các yêu cầu đặc thù của môn học.

3. Các phòng học bộ môn khi hoạt động tạo ra chất thải độc hại ảnh hưởng đến môi trường phải có hệ thống xử lý chất thải.

Điều 12. Hệ thống chiếu sáng, cách âm, kỹ thuật điện

1. Chiếu sáng tự nhiên trong phòng học bộ môn phải tuân theo quy định về tiêu chuẩn chiếu sáng hiện hành. Hướng lấy ánh sáng tự nhiên từ phía tay trái khi học sinh ngồi hướng lên bảng. Các cửa phòng vừa phải đáp ứng yêu cầu chiếu sáng tự nhiên, thông gió thoáng khí cho phòng, vừa phải che chắn được gió lạnh, mưa hắt, nắng chiếu xuyên phòng, đồng thời đảm bảo thuận tiện, an toàn trong sử dụng, dễ làm sạch.

2. Chiếu sáng nhân tạo trong phòng học bộ môn

a) Hệ thống chiếu sáng nhân tạo trong phòng học bộ môn phải tuân thủ các yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn chiếu sáng hiện hành;

b) Áp dụng hệ thống chiếu sáng hỗn hợp trong phòng học bộ môn (chiếu sáng đồng đều và chiếu sáng cục bộ). Mật độ công suất chiếu sáng phải đảm bảo các yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn chiếu sáng hiện hành.

3. Phòng học bộ môn Âm nhạc được thiết kế cách âm để tránh tiếng ồn với khu vực xung quanh.

4. Phòng học bộ môn: Khoa học - Công nghệ, Công nghệ, Vật lí được trang bị hệ thống điện xoay chiều (các loại điện áp phổ biến) và một chiều (điều chỉnh 0-24V/2A). Ổ cắm điện phải có hộp hoặc lưới bảo vệ.

Điều 13. Hệ thống thông gió, điều hòa không khí

1. Phòng học bộ môn được bố trí hệ thống thông gió tự nhiên và nhân tạo. Ngoài ra, phòng học bộ môn Khoa học tự nhiên, Vật lí, Hóa học, Sinh học được lắp đặt các thiết bị như tủ sấy, tủ hút, thoát khí thải, mùi và hơi độc.

2. Phòng học bộ môn có thể được trang bị máy điều hòa không khí.

Điều 14. Hệ thống phòng cháy và chữa cháy

Phòng học bộ môn phải đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy và chữa cháy hiện hành.

 

Chương V

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÒNG HỌC BỘ MÔN

 

Điều 15. Quản lý và hoạt động của phòng học bộ môn

1. Quản lý phòng học bộ môn

a) Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm chỉ đạo quản lý và hoạt động phòng học bộ môn hoặc phân công một Phó Hiệu trưởng phụ trách;

b) Tổ trưởng chuyên môn chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch quản lý và hoạt động của phòng học bộ môn thuộc chuyên môn của tổ và thực hiện chế độ giám sát hoạt động của phòng học bộ môn theo quy định;

c) Nhân viên thiết bị, thí nghiệm chịu trách nhiệm về hoạt động của phòng học bộ môn theo phân công và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

2. Hoạt động phòng học bộ môn

a) Có hệ thống hồ sơ, sổ sách theo dõi việc quản lý và sử dụng các thiết bị dạy học của phòng học bộ môn;

b) Có kế hoạch sử dụng phòng học bộ môn hằng tuần, tháng, học kỳ, năm học;

c) Có nội quy quản lý và quy trình sử dụng đảm bảo an toàn trong quá trình thực hành, thí nghiệm tại phòng học bộ môn.

Điều 16. Nhiệm vụ của nhân viên thiết bị, thí nghiệm

1. Tổ chức quản lý, bảo quản, sử dụng thiết bị; lưu giữ, sử dụng hồ sơ thiết bị, thí nghiệm; sửa chữa những thiết bị đơn giản.

2. Lập kế hoạch sử dụng, mua sắm, sửa chữa thiết bịthanh lý, tiêu hủy thiết bị, hóa chất hỏng, hết hạn sử dụng.

3. Chuẩn bị các thiết bị, thí nghiệm cần thiết theo yêu cầu của từng môn học, bài học có sử dụng thiết bị để thực hành, thí nghiệm; hướng dẫn sử dụng thiết bị cho giáo viên và học sinh trong các bài thực hành, thí nghiệm; phối hợp với giáo viên hướng dẫn học sinh thực hành, thí nghiệm; chuẩn bị các điều kiện đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ trong quá trình thực hành, thí nghiệm.

4. Cập nhật sổ sách, phân loại, sắp xếp khoa học, hệ thống các thiết bị dạy học theo chương trình môn học.

5. Lập báo cáo định kỳ, thường xuyên về công tác thiết bị dạy học.

6. Tham gia học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

Điều 17. Sử dụng và bảo quản phòng học bộ môn

1. Phòng học bộ môn được sử dụng để tổ chức dạy học theo yêu cầu chương trình giáo dục của môn học đảm bảo thực hiện đầy đủ các tiết học thí nghiệm, thực hành của giáo viên và học sinh theo nội dung chương trình môn học.

2. Việc quản lý, kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị dạy học phòng học bộ môn được tiến hành thường xuyên; các thiết bị dạy học phòng học bộ môn hư hỏng phải được sửa chữa, thay thế; các loại hoá chất, vật liệu tiêu hao phải được bổ sung kịp thời để đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động dạy học; các loại hóa chất hết hạn sử dụng phải được xử lý, tiêu hủy theo các quy định hiện hành;

3. Hằng năm, thiết bị dạy học phòng học bộ môn được kiểm kê, thanh lý theo quy định của Nhà nước.

 

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 18. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông có phòng học bộ môn đã được chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận đạt chuẩn cơ sở vật chất trước ngày văn bản này có hiệu lực thì tiếp tục theo cấp độ, mức độ đã được công nhận; khi thực hiện công -nhận lại hoặc công nhận cấp độ, mức độ cao hơn thực hiện theo quy định tại văn bản này.

2. Đối với các dự án đầu tư xây dựng mới phòng học bộ môn đã được chấp thuận đầu tư hoặc quyết định cho phép đầu tư trước khi văn bản này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện nếu đảm bảo diện tích phòng học bộ môn không nhỏ hơn 12% so với quy định tại văn bản này.

3. Đối với các dự án đầu tư xây dựng cải tạo phòng học bộ môn được chấp nhận có diện tích phòng học bộ môn không nhỏ hơn 12% so với quy định tại văn bản này.

Điều 19. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo, sở giáo dục - khoa học và công nghệ (sau đây gọi chung là sở giáo dục và đào tạo)

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập dự án đầu tư xây mới hoặc cải tạo phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông thuộc phạm vi quản lý;

b) Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai công tác tổ chức quản lý và sử dụng phòng học bộ môn theo quy định;

c) Hằng năm báo cáo tình hình đầu tư, quản lý và sử dụng các phòng học bộ môn với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Trách nhiệm của phòng giáo dục và đào tạo

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện lập dự án đầu tư xây mới hoặc cải tạo phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông thuộc phạm vi quản lý;

b) Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai công tác tổ chức quản lý và sử dụng phòng học bộ môn theo quy định;

c) Hằng năm báo cáo tình hình đầu tư, quản lý và sử dụng các phòng học bộ môn với Ủy ban nhân dân cấp huyện, sở giáo dục và đào tạo.

3. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục phổ thông

a) Tham mưu cấp có thẩm quyền lập kế hoạch đầu tư xây mới hoặc cải tạo phòng học bộ môn đáp ứng yêu cầu theo quy định nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục;

b) Tổ chức quản lý và sử dụng các phòng học bộ môn đúng quy định;

c) Hằng năm báo cáo tình hình đầu tư, quản lý và sử dụng các phòng học bộ môn với phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào tạo./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

 
Ghi chú

văn bản tiếng việt

download Thông tư DOC (Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
×
×
×
Vui lòng đợi