Dự thảo Nghị định chính sách cho trẻ em, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Nghị định

Dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách
Lĩnh vực: Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Chính sách Loại dự thảo:Nghị định
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Giáo dục và Đào tạoTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục mầm non có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

      

CHÍNH PHỦ

 

 

 

Số:       /NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 

Hà Nội, ngày      tháng     năm 2023

 

Dự thảo 2

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách

 

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Trẻ em ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Nghị quyết số 41/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục mầm non có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách, bao gồm: điều kiện, mức hưởng, quy trình xét duyệt hưởng chính sách, cấp phát gạo và kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em nhà trẻ, học sinh cơ sở giáo dục phổ thông, học sinh trường dự bị đại học, học viên cơ sở giáo dục thường xuyên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; chính sách đối với cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đối tượng trẻ em, học sinh, học viên bao gồm:

a) Trẻ em nhà trẻ bán trú học tại cơ sở giáo dục mầm non;

b) Học sinh bán trú học tại cơ sở giáo dục phổ thông; 

c) Học viên bán trú học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông;

d) Học sinh dân tộc nội trú học tại trường phổ thông dân tộc nội trú;

e) Học sinh dự bị đại học học tại trường dự bị đại học.

2. Đối tượng cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh được hưởng chính sách bao gồm: Nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập, trường hoặc điểm trường mầm non, lớp mầm non độc lập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non) có tổ chức ăn cho trẻ em nhà trẻ bán trú; trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trẻ em nhà trẻ bán trú là trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ học tại các cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này.

2. Học sinh bán trú là học sinh đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này, được cấp có thẩm quyền cho phép ở lại trường hoặc khu vực gần trường để học tập trong tuần, do không thể tự đi đến trường và trở về nhà trong ngày.

3. Học viên bán trú là học viên đang học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này, được cấp có thẩm quyền cho phép ở lại nơi học tập trong tuần do không thể về nhà trong ngày.

4. Các xã, thôn đặc biệt khó khăn bao gồm: Các xã khu vực III, các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo theo quy định của cấp có thẩm quyền.

5. Cơ sở giáo dục thường xuyên, bao gồm: Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

6. Trường dự bị đại học, hữu nghị, phổ thông vùng cao trực thuộc bộ, ngành trung ương, bao gồm: Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương Việt Trì, Trường Dự bị đại học dân tộc Sầm Sơn, Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương Nha Trang, Trường Dự bị đại học Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Hữu nghị 80, Trường Hữu nghị T78, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.

 

Chương II

ĐIỀU KIỆN, NGUYÊN TẮC, MỨC HƯỞNG CHÍNH SÁCH

Điều 4. Điều kiện trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên được hưởng chính sách

1. Trẻ em nhà trẻ được hưởng chính sách trẻ em bán trú phải đảm bảo một trong các điều kiện sau:

a) Trẻ em nhà trẻ thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo;

b) Trẻ em nhà trẻ người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo thường trú tại xã khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang học tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

2. Học sinh được hưởng chính sách học sinh bán trú phải đảm bảo một trong các điều kiện sau:

a) Học sinh tiểu học và học sinh trung học cơ sở mà bản thân và bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại trường phổ thông thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, nhà ở xa trường từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở, hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: phải qua biển, hồ, sông, suối; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá;

b) Học sinh tiểu học và học sinh trung học cơ sở người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo mà bản thân và bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang học tại trường phổ thông thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, nhà ở xa trường từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: phải qua biển, hồ, sông, suối; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá;

c) Học sinh trung học phổ thông là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo và người dân tộc thiểu số mà bản thân và bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường trung học, nhà ở xa trường từ 10 km trở lên hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: phải qua biển, hồ, sông, suối; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá;

d) Học sinh trung học phổ thông người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo mà bản thân và bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang học tại trường trung học, nhà ở xa trường từ 10 km trở lên hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: phải qua biển, hồ, sông, suối; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá.

3. Học viên trong độ tuổi của học sinh trung học được hưởng chính sách học viên bán trú phải đảm bảo một trong các điều kiện sau:

a) Học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở mà bản thân và bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại cơ sở giáo dục thường xuyên, nhà ở xa nơi học tập từ 7 km trở lên hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: phải qua biển, hồ, sông, suối; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá;

b) Học viên người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo và người dân tộc thiểu số học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông mà bản thân và bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại cơ sở giáo dục thường xuyên, nhà ở xa nơi học tập từ 10 km trở lên hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: phải qua biển, hồ, sông, suối; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá.

4. Học sinh dân tộc nội trú đang học tại trường phổ thông dân tộc nội trú, hoặc đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông được cấp có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc nội trú.

5. Học sinh dự bị đại học đang học tại trường dự bị đại học, hoặc đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng dự bị đại học.

Điều 5. Nguyên tắc hưởng chính sách

1. Học sinh, học viên có sự trùng lặp về nội dung hỗ trợ quy định tại Nghị định này với các văn bản quy phạm pháp luật khác đang thực hiện có mức hỗ trợ cao hơn thì được hưởng theo mức hỗ trợ cao hơn quy định tại văn bản pháp luật khác.

2. Học sinh, học viên là đối tượng được hưởng chính sách trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội, học bổng khuyến khích học tập thì vẫn được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định này.

3. Học sinh, học viên lưu ban được hưởng chính sách quy định tại Nghị định này. Học sinh, học viên phải nghỉ học vì lý do chính đáng (ốm đau, tai nạn) thì vẫn được hưởng chính sách trong thời gian nghỉ học.

4. Học sinh, học viên không được hưởng chính sách quy định tại Nghị định này trong thời gian bị kỷ luật ngừng học hoặc buộc thôi học.

Điều 6. Mức hưởng chính sách đối với trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên

1. Chính sách đối với trẻ em nhà trẻ bán trú

Hỗ trợ tiền ăn bữa chính, bữa phụ: Mỗi trẻ em nhà trẻ được hỗ trợ mỗi tháng là 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

2. Chính sách đối với học sinh bán trú và học viên bán trú

a) Hỗ trợ tiền ăn: Mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng là 900.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;

b) Hỗ trợ tiền nhà ở: Mỗi học sinh, học viên phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí chỗ ở trong trường, hoặc do cần có sự hỗ trợ, chăm sóc  đặc biệt của người thân (sức khỏe yếu, khuyết tật, nhỏ tuổi) thì mỗi tháng được hỗ trợ là 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;

c) Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;

d) Học sinh, học viên năm cuối cấp trung học phổ thông được hưởng  chính sách quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều này đến tháng thi tốt nghiệp nhưng không quá 10 tháng/năm học; học sinh bán trú có học tăng cường tiếng Việt trước khi vào học lớp 1 thì được hưởng thêm 01 tháng.

3. Chính sách đối với học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học

a) Học bổng chính sách: Quy định tại Điều 9 Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục;

b) Khen thưởng: Trong năm học, học sinh đạt danh hiệu "Học sinh Xuất sắc" được thưởng 800.000 đồng/học sinh; học sinh đạt danh hiệu "Học sinh Giỏi" được thưởng 600.000 đồng/học sinh;

c) Trang cấp đồ dùng cá nhân và học phẩm

- Mỗi cấp học, học sinh được cấp một lần bằng hiện vật: Chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh;

- Mỗi năm học, học sinh được cấp 02 bộ quần áo đồng phục và học phẩm gồm: Vở, giấy, bút và các dụng cụ học tập khác với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh;

d) Tiền tàu xe: Học sinh được cấp tiền tàu xe hai lần mỗi năm học vào dịp tết nguyên đán và dịp nghỉ hè (cả lượt đi và lượt về) theo giá vé thông thường của phương tiện giao thông công cộng (trường hợp không có phương tiện giao thông công cộng thì được tính theo quãng đường và giá vé thông thường của phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh);

đ) Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh được hỗ trợ 15 kg gạo/tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Học sinh năm cuối cấp trung học phổ thông được hưởng đến tháng thi tốt nghiệp nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Điều 7. Mức hưởng chính sách đối với cơ sở giáo dục

1. Cơ sở giáo dục mầm non có trẻ em nhà trẻ bán trú được hưởng các chính sách sau:

a) Được hỗ trợ tiền để mua giấy, truyện tranh, sáp màu, bút chì, đồ dùng đồ chơi và các đồ dùng học tập khác; chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác cho trẻ em nhà trẻ bán trú với mức kinh phí là 1.350.000 đồng/trẻ em/năm học;

b) Được hỗ trợ tiền điện, nước phục vụ học tập và sinh hoạt của trẻ em nhà trẻ bán trú với mức 5KW điện/tháng/trẻ em và 1m3 nước/tháng/trẻ em theo giá quy định tại địa phương và được hưởng 9 tháng/năm học. Nơi chưa có điều kiện cung cấp các dịch vụ điện, nước hoặc bị mất điện, nước thì được sử dụng kinh phí để mua thiết bị thắp sáng và nước sạch cho trẻ em;

c) Được hỗ trợ kinh phí để thực hiện quản lý trẻ em nhà trẻ bán trú buổi trưa theo định mức là 700.000 đồng/tháng/nhóm trẻ em nhà trẻ và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

2. Trường phổ thông dân tộc bán trú được hưởng các sách sau:

a) Được đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;

b) Được hỗ trợ kinh phí để mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình, phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao và các vật dụng khác cho học sinh bán trú với mức hỗ trợ là 180.000 đồng/học sinh bán trú/năm học;

c) Được hỗ trợ kinh phí để tổ chức khám sức khỏe hằng năm cho học sinh, lập tủ thuốc dùng chung cho khu nội trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu ban đầu với mức hỗ trợ là 180.000 đồng /học sinh bán trú/năm học;

d) Được hỗ trợ tiền điện, nước phục vụ học tập và sinh hoạt của học sinh bán trú với mức 15KW điện/tháng/học sinh và 3m3 nước/tháng/học sinh theo giá quy định tại địa phương và được hưởng 9 tháng/năm học. Nơi chưa có điều kiện cung cấp các dịch vụ điện, nước hoặc bị mất điện, nước thì được sử dụng kinh phí để mua thiết bị thắp sáng và nước sạch cho học sinh;

đ) Được hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú theo định mức là 2.700.000 đồng/tháng/30 học sinh, số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức và được hưởng 9 tháng/năm học. Trường hợp cơ sở giáo dục có số lượng dưới 30 học sinh thì được tính bằng một định mức.

3. Trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú (không bao gồm trường phổ thông dân tộc bán trú) được hưởng các chính sách sau:

a) Được hưởng các chính sách quy định tại điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản 2 Điều này;

b) Được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ ăn, ở và sinh hoạt cho học sinh bán trú;

c) Được hỗ trợ kinh phí thực hiện quản lý học sinh bán trú ngoài giờ lên lớp theo định mức là là 1.350.000 đồng/tháng/30 học sinh bán trú và được hưởng không quá 9 tháng/năm học, số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức và được hưởng 9 tháng/năm học.

4. Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học được hưởng các chính sách sau:

a) Được đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;

 b) Được cấp kinh phí để tổ chức hoạt động giáo dục đặc thù, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và mua sắm bổ sung dụng cụ, thiết bị phục vụ cho các hoạt động của học sinh với mức kinh phí bằng 5% quỹ học bổng của học sinh;

c) Được cấp kinh phí để tổ chức khám sức khỏe hằng năm cho học sinh, lập tủ thuốc dùng chung cho khu nội trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu ban đầu với mức là 270.000 đồng/học sinh/năm học; mua bảo hiểm y tế cho học sinh theo quy định;

d) Được cấp kinh phí để tổ chức tết nguyên đán, tết dân tộc (nếu có) cho học sinh ở lại trường không về nhà với định mức là 180.000 đồng/học sinh/lần ở lại trường;

đ) Được cấp kinh phí để mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ nhà ăn, nhà bếp là 180.000 đồng/học sinh/năm học;

e) Được cấp kinh phí mua sách giáo khoa để cho mỗi học sinh được mượn một bộ sách giáo khoa theo lớp học. Hằng năm, trường được mua bổ sung 10% tổng số sách giáo khoa tại thư viện của nhà trường;

f) Được hỗ trợ kinh phí làm thẻ học sinh và phù hiệu cá nhân, công tác tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp, thi cuối khóa với định mức là 180.000 đồng /học sinh/năm học;

g) Được hỗ trợ tiền điện, nước phục vụ học tập và sinh hoạt của học sinh nội trú với mức 25KW điện/tháng/học sinh và 4m3 nước/tháng/học sinh theo giá quy định tại địa phương và được hưởng 9 tháng/năm học.

 

Chương III

QUY TRÌNH XÉT DUYỆT HƯỞNG CHÍNH SÁCH,

CẤP PHÁT GẠO CHO HỌC SINH, HỌC VIÊN

Điều 8. Quy trình xét duyệt trẻ em nhà trẻ bán trú, học sinh bán trú, học viên bán trú

1. Thông báo xét duyệt hưởng chính sách

Vào thời điểm làm thủ tục nhập học đầu năm học, các cơ sở giáo dục mầm non, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và cơ sở giáo dục thường xuyên có học viên bán trú tổ chức phổ biến, thông báo rộng rãi, hướng dẫn cho bố, mẹ (hoặc người giám hộ) và học sinh, học viên thuộc đối tượng được hưởng chính sách chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Hồ sơ đề nghị được hưởng chính sách

a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày cơ sở giáo dục tổ chức phổ biến, thông báo, mỗi đối tượng đề nghị được hưởng chính sách nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc trực tuyến cho nhà trường (nộp 01 bộ hồ sơ cho 01 lần đầu đề nghị xét hưởng chính sách cho cả cấp học; riêng trường hợp thuộc hộ nghèo phải nộp bổ sung giấy tờ chứng minh hộ nghèo theo từng năm), hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị được hưởng chính sách (trẻ em nhà trẻ bán trú theo Phụ lục số 01, học sinh bán trú theo Phụ lục số 02, học viên bán trú theo Phụ lục số 03 Nghị định này);

- Trường hợp trẻ em nhà trẻ bán trú, học sinh bán trú, học viên bán trú thuộc hộ nghèo phải nộp Giấy chứng nhận hộ nghèo (bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu), hoặc bản sao từ sổ gốc giấy tờ chứng minh thuộc hộ nghèo.

b) Chậm nhất là 05 ngày làm việc trước ngày xét duyệt, cơ sở giáo dục lập danh sách đối tượng đề nghị được hưởng chính sách và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của nhà trường.

3. Hội đồng xét duyệt

a) Thành lập Hội đồng xét duyệt

- Mỗi cơ sở giáo dục có đối tượng đề nghị được hưởng chính sách có 01 Hội đồng xét duyệt trẻ em nhà trẻ bán trú, học sinh bán trú, học viên bán trú. Số lượng thành viên Hội đồng không quá 09 người.

- Đối với cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường phổ thông có cấp học cao nhất là trung học cơ sở, Hội đồng xét duyệt do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) thành lập. Đối với trường phổ thông có cấp học cao nhất là trung học phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, Hội đồng xét duyệt do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) thành lập.

b) Thành phần hội đồng xét duyệt

- Đối với Hội đồng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập, thành phần gồm: Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở; 01 Phó Chủ tịch là hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục; Thư ký là giáo viên hoặc nhân viên của cơ sở giáo dục; các uỷ viên là đại diện công an xã, một số ban của xã, ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Đối với trường liên xã, thành phần Hội đồng có thêm các ủy viên là đại diện Ủy ban nhân dân xã có trẻ em nhà trẻ, học sinh thuộc đối tượng xét duyệt.

- Đối với Hội đồng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập, thành phần gồm: Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện; 01 Phó Chủ tịch là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ sở giáo dục; Thư ký là giáo viên hoặc nhân viên của cơ sở giáo dục; các uỷ viên là đại diện công an huyện, một số ban, ngành của huyện, Ủy ban nhân dân xã có học sinh, học viên thuộc đối tượng xét duyệt, ban đại diện cha mẹ học sinh.

c) Nhiệm vụ của Hội đồng: Thẩm định hồ sơ, xét duyệt đối tượng trẻ em  nhà trẻ, học sinh, học viên lần đầu đề nghị xét hưởng chính sách và rà soát các đối tượng học sinh, học viên đang học đủ điều kiện tiếp tục được hưởng chính sách; phê duyệt danh sách học sinh bán trú, học viên bán trú; thông báo công khai kết quả xét duyệt tại trụ sở làm việc của cơ sở giáo dục.

d) Giải quyết khiếu nại: Hội đồng xét duyệt có trách nhiệm giải quyết khiếu nại về kết quả xét duyệt trẻ em nhà trẻ bán trú, học sinh bán trú, học viên bán trú (nếu có) trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi công bố kết quả.

Điều 9. Trình tự, thủ tục cấp kinh phí và hỗ trợ gạo

1. Lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí và hỗ trợ gạo

a) Đối với trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và cơ sở giáo dục thường xuyên có học viên bán trú, hồ sơ gồm:

- Dự toán đề nghị cấp kinh phí và hỗ trợ gạo;

- Danh sách học sinh bán trú, học viên bán trú đang học tại cơ sở giáo dục được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Danh sách học sinh bán trú, học viên bán trú phải tự lo chỗ ở (nếu có).

b) Đối với trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, hồ sơ gồm:

- Dự toán đề nghị cấp kinh phí và hỗ trợ gạo;

- Danh sách học sinh dân tộc nội trú, học sinh dự bị đại học đang học tại trường.

2. Trình tự, thủ tục cấp kinh phí và hỗ trợ gạo

a) Cơ sở giáo dục lập hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Các trường dự bị đại học, hữu nghị, phổ thông vùng cao trực thuộc bộ, ngành trung ương gửi về cơ quan quản lý trực tiếp.

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của các cơ sở giáo dục có đối tượng được hưởng chính sách tại Nghị định này, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định phê duyệt, Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định phê duyệt; bộ, ngành trung ương quản lý trực tiếp các trường dự bị đại học, hữu nghị, phổ thông vùng cao ra quyết định phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

c) Sau khi có quyết định phê duyệt, các cơ sở giáo dục có học sinh, học viên được hưởng chính sách có trách nhiệm thông báo công khai và tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 10. Quy trình tổ chức cấp phát gạo cho học sinh, học viên

1. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ gạo

Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch về nhu cầu hỗ trợ gạo cho học sinh, học viên của tỉnh; bộ, ngành trung ương quản lý trực tiếp các trường dự bị đại học, hữu nghị, phổ thông vùng cao xây dựng kế hoạch về nhu cầu hỗ trợ gạo cho học sinh của trường, với nội dung gồm:

a) Tổng hợp số lượng học sinh, học viên được hỗ trợ gạo theo từng đối tượng, từng trường;

b) Tổng hợp số lượng gạo cần hỗ trợ (tính cho cả năm học);

c) Thời gian dự kiến tiếp nhận gạo trong năm học cần ghi rõ ngày, tháng nhận gạo (theo số đợt tiếp nhận gạo từng học kỳ của năm học).

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và bộ, ngành trung ương quản lý trực tiếp các trường dự bị đại học, hữu nghị, phổ thông vùng cao báo cáo kế hoạch về nhu cầu hỗ trợ gạo cho học sinh, học viên gửi Bộ Tài chính trước ngày 30 tháng 6 hằng năm.

3. Căn cứ báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh và báo cáo của bộ, ngành trung ương quản lý trực tiếp các trường dự bị đại học, hữu nghị, phổ thông vùng cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định xuất hỗ trợ gạo cho học sinh, học viên theo quy định; thời gian ban hành Quyết định hỗ trợ gạo trước ngày 31 tháng 7 hằng năm.

4. Phương thức vận chuyển, giao nhận

a) Các đơn vị dự trữ quốc gia tự tổ chức vận chuyển gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho học sinh, học viên và giao cho đơn vị tiếp nhận gạo của tỉnh tại trung tâm quận, huyện, thị xã, thành phố của các tỉnh được hỗ trợ;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho một đơn vị tiếp nhận gạo dự trữ quốc gia. Đơn vị tiếp nhận gạo của tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận gạo trên phương tiện vận chuyển của bên giao, tổ chức vận chuyển từ trung tâm quận, huyện, thị xã, thành phố đến các cơ sở giáo dục để cấp phát cho các đối tượng được hỗ trợ;

c) Đối với các trường dự bị đại học, hữu nghị, phổ thông vùng cao trực thuộc bộ, ngành trung ương thì đơn vị dự trữ quốc gia tổ chức vận chuyển gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho học sinh trực tiếp đến các nhà trường (gạo được giao trên phương tiện vận chuyển của bên giao).

5. Thời gian giao nhận gạo: Các đơn vị dự trữ quốc gia tổ chức giao nhận gạo theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và bộ, ngành trung ương quản lý trực tiếp các trường dự bị đại học, hữu nghị, phổ thông vùng cao không quá 02 lần/học kỳ (04 lần/năm học); lần đầu trước ngày 01 tháng 9 hằng năm.

6. Quy trình xuất cấp gạo

a) Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc xuất cấp gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho học sinh, học viên;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các trường dự bị đại học, hữu nghị, phổ thông vùng cao trực thuộc bộ, ngành trung ương tổ chức tiếp nhận gạo và cấp phát cho các đối tượng được hỗ trợ theo quy định.

7. Quản lý và sử dụng gạo hỗ trợ học sinh, học viên

a) Gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh, học viên khi xuất cấp, tiếp nhận phải được quản lý chặt chẽ; sử dụng đúng mục đích, đối tượng thụ hưởng;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo đơn vị tiếp nhận gạo của tỉnh chủ động phối hợp với các ban, ngành, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương để triển khai thực hiện việc giao nhận, phân phối kịp thời gạo dự trữ quốc gia cho các cơ sở giáo dục. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, cấp phát gạo của địa phương;

c) Hiệu trưởng các trường dự bị đại học, hữu nghị, phổ thông vùng cao trực thuộc bộ, ngành trung ương chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc quản lý,  sử dụng số gạo được cấp;

d) Định kỳ kết thúc năm học, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và bộ, ngành trung ương quản lý trực tiếp các trường dự bị đại học, hữu nghị, phổ thông vùng cao gửi báo cáo kết quả việc tiếp nhận, sử dụng, cấp phát gạo cho học sinh, học viên đến Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

8. Về xử lý gạo dự trữ quốc gia được xuất cấp

a) Trường hợp địa phương hoặc các trường dự bị đại học, hữu nghị, phổ thông vùng cao trực thuộc bộ, ngành trung ương có nhu cầu thực tế tiếp nhận số lượng gạo thấp hơn so với Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành, đơn vị dự trữ quốc gia thực hiện xuất cấp theo nhu cầu thực tế;

b) Trường hợp địa phương hoặc các trường dự bị đại học, hữu nghị, phổ thông vùng cao trực thuộc bộ, ngành trung ương trong năm học (theo từng học kỳ năm học) có phát sinh nhu cầu hỗ trợ gạo lớn hơn so với Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu bộ, ngành trung ương quản lý các các trường dự bị đại học, hữu nghị, phổ thông vùng cao rà soát, có văn bản gửi về Bộ Tài chính đề nghị xuất cấp bổ sung gạo trước khi kết thúc năm học 30 ngày (theo khung kế hoạch thời gian của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành hằng năm). Bộ Tài chính xuất cấp bổ sung gạo hỗ trợ cho học sinh, học viên trong phạm vi của năm học, không xuất cấp bổ sung gạo khi năm học đã kết thúc.

9. Về chất lượng gạo xuất cấp và công tác quản lý chất lượng gạo dự trữ quốc gia xuất cấp

a) Chất lượng gạo dự trữ quốc gia xuất cấp phải đáp ứng tiêu chuẩn gạo dự trữ quốc gia xuất kho theo quy định của quy chuẩn gạo dự trữ quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;

b) Trong quá trình giao, nhận gạo dự trữ quốc gia được hỗ trợ, các bên (đơn vị dự trữ nhà nước giao gạo và đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận gạo) lập biên bản giao nhận gạo; tổ chức lấy mẫu gạo (có xác nhận của các bên), thống nhất niêm phong mẫu gạo, lưu giữ tại bên giao, bên nhận; mẫu gạo phải được lưu giữ cẩn thận để đối chứng (nếu có) trong trường hợp có phản ánh về chất lượng;

c) Cơ sở giáo dục trực tiếp tiếp nhận gạo hỗ trợ có trách nhiệm bảo quản an toàn về số lượng, chất lượng đối với số gạo được tiếp nhận; chịu mọi trách nhiệm trong việc quản lý, bảo quản không an toàn dẫn đến gạo bị hư hỏng, giảm chất lượng, không đảm bảo đủ số lượng gạo đã tiếp nhận.

 

Chương IV

LẬP, PHÂN BỔ DỰ TOÁN, QUẢN LÝ VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ, NGUỒN KINH PHÍ

Điều 11. Quy trình lập dự toán, phân bổ, quyết toán kinh phí

1. Lập dự toán: Hằng năm, vào thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước, các cơ sở giáo dục căn cứ số lượng trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên được hưởng chính sách để lập danh sách, xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên và hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục (không bao gồm hỗ trợ gạo).

a) Các cơ sở giáo dục trực thuộc cấp huyện gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo thẩm định, tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí dự toán kinh phí thực hiện;

b) Các cơ sở giáo dục trực thuộc cấp tỉnh gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định, tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí dự toán kinh phí thực hiện;

c) Trường dự bị đại học, hữu nghị, phổ thông vùng cao trực thuộc bộ, ngành trung ương gửi về cơ quan quản lý trực tiếp thẩm định, tổng hợp gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí dự toán kinh phí thực hiện.

2. Phân bổ dự toán

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ kinh phí thực hiện chính sách trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục đào tạo địa phương theo quy định;

b) Bộ, ngành trung ương quản lý trực tiếp các trường dự bị đại học, hữu nghị, phổ thông vùng cao quyết định phân bổ kinh phí thực hiện chính sách trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục đào tạo trung ương theo quy định.

3. Quản lý và quyết toán kinh phí

a) Các cơ sở giáo dục được giao kinh phí thực hiện chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên có trách nhiệm quản lý và sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước và gửi báo cáo quyết toán kinh phí thực hiện chính sách quy định tại Nghị định này về cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp, gửi cơ quan tài chính cùng cấp trước ngày 20 tháng 7 hằng năm làm căn cứ xác định, bố trí dự toán kinh phí của năm kế hoạch;

b) Số liệu quyết toán kinh phí chi trả chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên được tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán chi ngân sách nhà nước hằng năm của đơn vị theo đúng quy định hiện hành của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành;

c) Kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em nhà trẻ quy định tại khoản 1 Điều 6 và kinh phí hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở cho học sinh bán trú, học viên bán trú quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định này được chi trả, cấp phát hằng tháng;

d) Căn cứ điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục chủ động quyết định phương án tổ chức nấu ăn tập trung hoặc trực tiếp phát tiền ăn cho trẻ em nhà trẻ, phát tiền ăn và gạo cho học sinh, học viên.

đ) Việc lập dự toán, phân bổ, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Điều 12. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách

1. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước: Bao gồm ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

a) Các chính sách quy định tại khoản 1, các điểm a, b, d khoản 2 Điều 6; khoản 1, các điểm b, c, d, đ khoản 2, các điểm a, c khoản 3 Điều 7 Nghị định này được thực hiện từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Thủ tướng Chính phủ quyết định;

b) Chính sách hỗ trợ gạo quy định tại điểm c khoản 2, điểm đ khoản 3 Điều 6 Nghị định này do ngân sách Trung ương thực hiện. Riêng kinh phí vận chuyển gạo từ trung tâm quận, huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đến các cơ sở giáo dục được cân đối trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo hằng năm của địa phương;

c) Các chính sách quy định tại các điểm b, c, d khoản 3 Điều 6 và các điểm b, c, d, đ, e, f, g khoản 3 Điều 7 Nghị định này đối với trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc địa phương được thực hiện từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo hằng năm của địa phương;

d) Các chính sách quy định tại khoản 3 Điều 6 và các điểm b, c, d, đ, e, f, g khoản 4 Điều 7 Nghị định này đối với trường dự bị đại học, hữu nghị, phổ thông vùng cao trực thuộc bộ, ngành trung ương được thực hiện từ nguồn chi sự nghiệp ngân sách Trung ương;

đ) Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 7 Nghị định này đối với cơ sở giáo dục thuộc địa phương được bố trí từ nguồn ngân sách xây dựng cơ bản hằng năm của địa phương, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án theo quy định của cấp có thẩm quyền;

e) Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị quy định tại điểm a khoản 4 Điều 7 Nghị định này đối với trường dự bị đại học, hữu nghị, phổ thông vùng cao trực thuộc bộ, ngành trung ương được bố trí từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án theo quy định của cấp có thẩm quyền. 

2. Nguồn kinh phí từ nguồn vốn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác (nếu có).

 

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện các nội dung quy định tại Nghị định này.

b) Tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Nghị định này theo quy định.

2. Bộ Tài chính

a) Bảo đảm kinh phí thực hiện chính sách quy định tại Nghị định này theo quy định về phân cấp ngân sách hiện hành;

b) Ban hành quyết định xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh, học viên trên cơ sở đề nghị của địa phương và bộ, ngành trung ương quản lý trực tiếp các trường dự bị đại học, hữu nghị, phổ thông vùng cao, bảo đảm phù hợp với thời gian và sự tăng, giảm số lượng học sinh, học viên thụ hưởng chính sách trong mỗi học kỳ của năm học; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả xuất cấp gạo dự trữ quốc gia theo quy định;

c) Trình cấp có thẩm quyền bảo đảm kinh phí để mua bù số lượng gạo dự trữ quốc gia đã xuất cấp và cung ứng đủ gạo cho các địa phương thực hiện chính sách theo quy định tại Nghị định này;

d) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí và gạo hỗ trợ cho các đối tượng được hưởng chính sách quy định tại Nghị định này.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì tổng hợp, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm để thực hiện các chương trình, dự án tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục có đối tượng được hưởng chính sách tại Nghị định này được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục có đối tượng được hưởng chính sách tại Nghị định này.

4. Ủy ban dân tộc

a) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tại các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định này;

b) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, các địa phương chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách quy định tại Nghị định này.

5. Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh)

a) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

 Quyết định nội dung và mức hỗ trợ thêm cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên và cơ sở giáo dục từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

- Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chính sách tại địa phương theo quy định tại Nghị định này; kiểm tra, giám sát việc thực hiện và báo cáo tình hình thực hiện định kỳ hằng năm với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan;

- Bảo đảm kinh phí thực hiện chính sách theo quy định tại Nghị định này;

- Căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 của Nghị định này và điều kiện thực tế của địa phương để quy định cụ thể về khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh, học viên không thể tự đi đến trường và trở về nhà trong ngày;

-  Quy định cụ thể danh mục, tiêu chuẩn, định mức sử dụng thiết bị, đồ dùng phục vụ các hoạt động ăn ở, sinh hoạt, giáo dục đặc thù của trẻ em nhà trẻ, học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú sau khi có ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp; bổ sung danh mục trang cấp đồ dùng cá nhân, học phẩm cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú phù hợp đặc thù của mỗi vùng, miền, từng cấp học và chương trình giáo dục phổ thông hiện hành;

- Xây dựng dự toán ngân sách hằng năm, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để quyết định các giải pháp bảo đảm cân đối nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách tại địa phương; tổ chức kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với quá trình chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách của các đơn vị dự toán trực thuộc theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn hiện hành;

- Căn cứ cân đối ngân sách nhà nước hàng năm, xây dựng nội dung, mức hỗ trợ thêm cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên và cơ sở giáo dục trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định và bố trí ngân sách địa phương để thực hiện.

Điều 14. Hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày    tháng   năm 2023

2. Các chính sách quy định tại Nghị định này được thực hiện bắt đầu từ năm học 2024-2025.

3. Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2016 về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29 tháng 5 năm 2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Điều 15. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện các chính sách quy định tại Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

 

 

 

 

 

 

Phạm Minh Chính

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC

(Kèm theo Nghị định số    /2023/NĐ-CP ngày   tháng  năm 2023 của Chính phủ)

Phụ lục số 01

Đơn đề nghị được hưởng chính sách trẻ em nhà trẻ bán trú

Phụ lục số 02

Đơn đề nghị được hưởng chính sách học sinh bán trú (dùng cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông).

Phụ lục số 03

Đơn đề nghị được hưởng chính sách học viên bán trú (dùng cho học viên đang học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phụ lục số 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN ĐỀ NGHỊ ĐƯỢC HƯỞNG CHÍNH SÁCH

TRẺ EM NHÀ TRẺ BÁN TRÚ

(Dùng cho trẻ em nhà trẻ)

 

Kính gửi: Trường.......................................................................

Tôi là……………………………………………………………………………

Số định danh cá nhân/số căn cước công dân/số chứng minh nhân dân:…………

Là cha/mẹ/người chăm sóc trẻ (ghi rõ họ và tên trẻ em): ...................................

Số định danh cá nhân của trẻ em:………….………………………………….

Năm học…………; là trẻ em nhóm/lớp:………; Trường Mầm non.................

Tôi làm đơn này đề nghị các cấp quản lý xem xét, để em ………….…………được hưởng tiền ăn cho trẻ em nhà trẻ bán trú theo quy định tại Nghị định số ………/2023/NĐ-CP ngày …… tháng…… năm 2023 của Chính phủ.

 

 

……, ngày…… tháng…… năm 20....
Người làm đơn

(cha/mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em  ký, ghi rõ học tên hoặc điểm chỉ)

 

 

 

 

 

 

Phụ lục số 02

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN ĐỀ NGHỊ ĐƯỢC HƯỞNG CHÍNH SÁCH HỌC SINH BÁN TRÚ

(Dùng cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông)

 

Kính gửi: Trường................ ........................................................

Họ và tên cha/mẹ/người giám hộ ……………………..........................................

Số định danh cá nhân/số căn cước công dân/số chứng minh nhân dân:…………….

Họ và tên học sinh:.................................................................................................

Số định danh cá nhân/số căn cước công dân/số chứng minh nhân dân của học sinh:…………….

Thuộc hộ nghèo □ (đánh dấu X vào ô vuông nếu thuộc hộ nghèo).

Năm học…………; là học sinh lớp:……….., Trường ..........................................

Vì lý do (chọn 1 trong 2 lý do sau):

- Nhà ở xa trường (ghi rõ cách nơi học tập bao nhiêu km): .......................................

- Địa hình giao thông khó khăn: □

Nên em không thể tự đi đến trường và trở về nhà trong ngày.

Vì vậy, em làm đơn này đề nghị các cấp quản lý xem xét, để em được hưởng chính sách học sinh bán trú theo quy định tại Nghị định số ………/2023/NĐ-CP ngày …… tháng…… năm 2023 của Chính phủ, gồm:

1. Tiền ăn □

2. Tiền nhà ở (đối với trường hợp học sinh phải tự lo chỗ ở) □

3. Gạo: □  

 

………, ngày…… tháng…… năm 20....
Người làm đơn

(học sinh hoặc cha/mẹ/người giám hộ của học sinh khai ký, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ)

 

 

Phụ lục số 03

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN ĐỀ NGHỊ ĐƯỢC HƯỞNG CHÍNH SÁCH HỌC VIÊN BÁN TRÚ

(Dùng cho học viên đang học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên)

Kính gửi: Trung tâm.......................................................................

Họ và tên cha/mẹ/người giám hộ ……………………..................................

Số định danh cá nhân/số căn cước công dân/số chứng minh nhân dân:…………….

Họ và tên học viên:..............................................................................................

Số định danh cá nhân/số căn cước công dân/số chứng minh nhân dân của học viên:…………

Thuộc hộ nghèo □ (đánh dấu X vào ô vuông nếu thuộc hộ nghèo).

Năm học……………; là học viên lớp:……….., Trung tâm ................................

Vì lý do (chọn 1 trong 2 lý do sau):

- Nhà ở xa nơi học (ghi rõ cách nơi học tập bao nhiêu km): ...................................

- Địa hình giao thông khó khăn: □

Nên em không thể tự đi đến nơi học và trở về nhà trong ngày.

Vì vậy, em làm đơn này đề nghị các cấp quản lý xem xét, để em được hưởng chính sách học viên bán trú theo quy định tại Nghị định số ………/2023/NĐ-CP ngày …… tháng…… năm 2023 của Chính phủ, gồm:

1. Tiền ăn □

2. Tiền nhà ở □

  3. Gạo: □  

 

………, ngày…… tháng…… năm 20....
Người làm đơn

(học viên hoặc cha/mẹ/người giám hộ của học viên khai ký, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ)

 

 

Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi