Công văn 856/SGDĐT-CTTT Hà Nội hướng dẫn xử lý trường hợp bị sốt, ho tại trường học
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Công văn 856/SGDĐT-CTTT
Cơ quan ban hành: | Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 856/SGDĐT-CTTT |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn |
Người ký: | Phạm Xuân Tiến |
Ngày ban hành: | 20/03/2020 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Y tế-Sức khỏe, COVID-19 |
UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI Số: 856/SGDĐT-CTTT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2020 |
Kính gửi:
- Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã;
- Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên;
- Các đơn vị trực thuộc Sở.
Thực hiện Hướng dẫn số 1244/BYT-MT ngày 13/3/2020 của Bộ Y tế về hướng dẫn xử lý các trường hợp bị sốt, ho, khó thở tại trường học; Chỉ đạo của UBND Thành phố về phòng, chống dịch Covid-19;
Sở GDĐT đề nghị phòng GDĐT các quận, huyện, thị xã; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên; các trường trực thuộc Sở (sau đây gọi chung là đơn vị) nghiêm túc thực hiện các nội dung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong đơn vị như sau:
1. Triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, UBND Thành phố và của ngành về những việc cần làm để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học.
2. Phối hợp tổng vệ sinh khử khuẩn, vệ sinh môi trường trước khi đón học sinh đi học trở lại, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị như: nhiệt kế điện tử đo thân nhiệt, khẩu trang, bồn nước, xà phòng, nước sát khuẩn tay … phục vụ học sinh và cán bộ giáo viên khi trở lại trường học.
3. Tập huấn đến giáo viên, nhân viên thực hiện theo hướng dẫn xử lý các trường hợp bị sốt, ho, khó thở tại trường học (nội dung hướng dẫn gửi kèm).
4. Công tác kiểm tra, báo cáo khi học sinh trở lại học tập
- Phòng GDĐT đôn đốc và kiểm tra các đơn vị trực thuộc về thực hiện những nội dung chỉ đạo của ngành trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tổng hợp báo cáo từ các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, các nhóm trẻ mầm non, mẫu giáo tư thục;
- Cụm trưởng các trường trung học phổ thông năm học 2019 - 2020 tổng hợp báo cáo từ các trường trung học phổ thông trong cụm và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn;
- Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trực thuộc Sở báo cáo trực tiếp về Sở.
Báo cáo chính xác, minh bạch, kịp thời tình hình phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị gửi về Sở GDĐT qua phòng Chính trị tư tưởng, địa chỉ email: cttt@hanoiedu.vn trước 13 giờ 30 hàng ngày để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Thành phố và Bộ GDĐT./.
Nơi nhận: | KT. GIÁM ĐỐC
|
HƯỚNG DẪN
XỬ LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP CÓ BIỂU HIỆN SỐT, HO, KHÓ THỞ TẠI TRƯỜNG HỌC
( kèm theo Công văn số 856/SGDĐT-CTTT ngày 20/3/2020 của Sở GDĐT)
I. TẠI TRƯỜNG HỌC
Khi phát hiện có trẻ, học sinh, học viên, giáo viên, cán bộ công nhân viên, người lao động có một trong các triệu chứng như sốt, ho, khó thở (người nghi ngờ) tại trường học, nhà trường cần thực hiện theo các bước sau:
1. Đưa người nghi ngờ đến khu cách ly riêng trong phòng y tế hoặc khu vực do nhà trường bố trí. Hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 01 mét với những người khác.
2. Nhân viên y tế/giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học (sau đây gọi tắt là cán bộ y tế trường học) đeo khẩu trang y tế, găng tay, sử dụng trang phục y tế (trang phục y tế này phải được thay trước khi ra khỏi phòng y tế hoặc khu vực cách ly và giặt sạch với chất tẩy rửa hoặc xà phòng trước khi dùng lại, không giặt chung với các đồ vải khác). Cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách cho người nghi ngờ.
3. Khai thác tiền sử tiếp xúc của người nghi ngờ
3.1. Đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên thì hỏi trực tiếp.
3.2. Đối với trẻ em, học sinh, học viên bậc phổ thông: mời cha mẹ hoặc người đỡ đầu đến trường để phối hợp hỏi tiền sử tiếp xúc dịch tễ và thực hiện các biện pháp xử lý.
3.3. Hỏi tiền sử tiếp xúc dịch tễ và cách xử trí
- Trong vòng 14 ngày trước đó có đi về từ vùng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế (cả trong và ngoài nước), nêu địa điểm cụ thể nếu có.
- Trong vòng 14 ngày có tiếp xúc gần (sống cùng nhà, học cùng lớp, sinh hoạt chung, làm việc cùng phòng, tiếp xúc trực tiếp trong khoảng cách ≤1-2m, di chuyển trên cùng phương tiện, ...) với những người đi về từ vùng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người nghi ngờ hoặc xét nghiệm có dương tính với COVID-19.
- Nếu không có cả hai yếu tố tiếp xúc dịch tễ nêu trên thì thực hiện tiếp theo Mục 4.1.
- Nếu có một trong hai yếu tố tiếp xúc dịch tễ nêu trên thì thực hiện tiếp theo Mục 4.2.
3.4. Tham vấn ý kiến của cán bộ y tế xã, phường hoặc đơn vị y tế địa phương theo quy định để khẳng định về tiền sử tiếp xúc dịch tễ. Nếu cần thiết mời cán bộ y tế khu vực, tuyến quận, huyện, thị xã tuyến Thành phố đến hỗ trợ.
4. Xử trí sau khi hỏi tiền sử tiếp xúc dịch tễ:
4.1. Trường hợp người nghi ngờ không có yếu tố tiếp xúc dịch tễ thì xử lý như sau:
- Điều trị các triệu chứng sốt, ho, khó thở. Nếu cần thiết thì nhân viên y tế trường học đưa giáo viên, học viên hoặc phối hợp với cha mẹ đưa trẻ, học sinh đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời.
- Ghi lại các thông tin vào sổ theo dõi sức khỏe học sinh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của liên Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác y tế trường học (mẫu sổ theo dõi sức khỏe Sở đã gửi đến các đơn vị).
4.2. Trường hợp người nghi ngờ có yếu tố tiếp xúc dịch tễ
4.2.1. Vận chuyển đến cơ sở y tế để cách ly và điều trị
Cán bộ y tế trường học phối hợp với trạm y tế cấp xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan y tế có thẩm quyền tại địa phương để đưa học sinh/giáo viên đến cơ sở y tế theo quy định để cách ly và điều trị. Việc vận chuyển học sinh/giáo viên nêu trên phải thực hiện đúng theo quy định về phòng chống lây nhiễm.
4.2.2. Các biện pháp xử lý tại nhà trường
- Đối với trường hợp có tiếp xúc gần hoặc trường hợp có liên quan khác thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền tại địa phương.
- Thông báo cho toàn thể giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh cho học sinh nghỉ học ngay cho đến khi nhà trường có thông báo mới.
- Khử khuẩn môi trường: thực hiện khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
II. YÊU CẦU ĐỐI VỚI PHÒNG/KHU VỰC CÁCH LY
Phòng/khu vực cách ly (sau đây gọi chung là phòng) cần đảm bảo:
1. Ưu tiên chọn phòng cách ly có công trình vệ sinh khép kín.
2. Đảm bảo thực hiện phòng chống lây nhiễm bằng việc thực hiện vệ sinh thông khí, không dùng điều hòa; hàng ngày lau rửa nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong phòng bằng các dung dịch sát khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường. Đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ.
3. Tại cửa phòng bố trí nơi rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh để thuận tiện sử dụng.
4. Bố trí thùng đựng chất thải có nắp đậy. Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng của người cách ly vào thùng đựng chất thải. Đối với trường hợp có yếu tố tiếp xúc dịch tễ thì thu gom, vận chuyển và xử lý như chất thải lây nhiễm theo hướng dẫn của trạm y tế cấp xã; thu gom các rác thải sinh hoạt khác vào thùng đựng rác thải thông thường.
5. Đảm bảo trang thiết bị y tế cơ bản theo quy định.
6. Có nội quy khu vực cách ly: hạn chế tối đa những người không phận sự vào khu vực cách ly; đảm bảo an ninh, an toàn; không tổ chức ăn uống tập trung trong khu vực cách ly; cung cấp suất ăn cho người được cách ly và đảm bảo an toàn thực phẩm.
________________________________
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây