Công văn 7752/BGDĐT-CSVCTBTH của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn mua sắm, tự làm, sử dụng và bảo quản thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho giáo dục mầm non
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Công văn 7752/BGDĐT-CSVCTBTH
Cơ quan ban hành: | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 7752/BGDĐT-CSVCTBTH |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn |
Người ký: | Nguyễn Thị Nghĩa |
Ngày ban hành: | 15/11/2012 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề |
tải Công văn 7752/BGDĐT-CSVCTBTH
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số 7752/BGDĐT-CSVCTBTH | Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2012 |
Kính gửi: Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015 và Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình Giáo dục mầm non; để việc mua sắm, sử dụng và bảo quản đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học cho Giáo dục mầm non ở các nhóm, lớp, đặc biệt là ở lớp mẫu giáo 5 tuổi có hiệu quả,
Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo mua sắm, sử dụng và bảo quản đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học, cụ thể như sau:
I/ CÁC CĂN CỨ
1. Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015;
2. Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình Giáo dục mầm non;
3. Thông số 02/2010/TT-BGDĐT ngày 11/02/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Danh mục Đồ dùng - Đồ chơi - Thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho Giáo dục mầm non;
4. Quyết định số 3141/QĐ-BGDĐT ngày 30/7/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật Đồ dùng - Đồ chơi - Thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho Giáo dục mầm non.
5. Thông tư số 16/2011/TT-BGDĐT ngày 13/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về trang bị, quản lý, sử dụng đồ chơi trẻ em trong nhà trường;
6. Thông tư số 32/2012/TT-BGDĐT ngày 14/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Danh mục thiết bị và đồ chơi ngoài trời cho Giáo dục mầm non;
7. Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN ngày 26/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành và thực hiện “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em”;
8. Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn mác hàng hoá; Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN ngày 06/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hoá;
9. Công văn số 2923/BGDĐT-KHTC ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn nội dung triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo năm 2012.
II/ LẬP KẾ HOẠCH VÀ TỔ CHỨC MUA SẮM
1. Sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức rà soát, phân loại các đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học hiện có; căn cứ Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT ngày 11/02/2010 về việc ban hành Danh mục Đồ dùng - Đồ chơi - Thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho Giáo dục mầm non; số nhóm lớp nhà trẻ, mẫu giáo; số trẻ và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện có để lập kế hoạch mua sắm, tự làm, sưu tầm đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học.
2. Danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho Giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chỉ đặt ra yêu cầu tối thiểu; trên cơ sở kế hoạch mua sắm đã được lập, các cơ sở giáo dục mầm non đề xuất việc mua sắm, tự làm, sưu tầm đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học, đảm bảo số lượng, chất lượng, sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí, cụ thể như sau:
2.1. Về số lượng:
- Về đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học (theo Thông tư số 02/2010/TT- BGDĐT ngày 11/02/2010): Đảm bảo mỗi nhóm lớp đủ số lượng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu; ưu tiên mỗi lớp mẫu giáo 5 tuổi có đủ 01 bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu;
- Về thiết bị, đồ chơi ngoài trời (theo Thông tư số 32/2012/TT-BGDĐT ngày 14/9/2012): Căn cứ thực trạng cơ sở vật chất của mỗi cơ sở giáo dục mầm non và Danh mục Thiết bị - Đồ chơi ngoài trời đã ban hành để lựa chọn chủng loại, số lượng phù hợp, chuẩn bị đủ các điều kiện lắp đặt (diện tích mặt bằng, hố cát, đệm mềm...) tùy thuộc vào từng chủng loại thiết bị, đồ chơi để đáp ứng nhu cầu vui chơi, rèn luyện, đảm bảo an toàn cho trẻ;
2.2. Về chất lượng: Việc mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học phải đảm bảo các qui định hiện hành của Nhà nước, trong đó cần lưu ý:
+ Việc nghiệm thu chất lượng thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trẻ em phải thực hiện theo yêu cầu tại Quyết định số 3141/QĐ-BGDĐT ngày 30/7/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật Đồ dùng - Đồ chơi - Thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho Giáo dục mầm non; Thông số 16/2011/TT-BGDĐT ngày 13/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về trang bị, quản lý, sử dụng đồ chơi trẻ em trong nhà trường; Thông tư số 32/2012/TT-BGDĐT ngày 14/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Danh mục thiết bị và đồ chơi ngoài trời cho Giáo dục mầm non;
+ Đối với các đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học sản xuất trong nước: trên sản phẩm phải ghi rõ xuất xứ (địa chỉ nơi sản xuất; hạn sử dụng; hướng dẫn lắp đặt, sử dụng; cảnh báo...) và chứng nhận hợp qui, công bố hợp qui và gắn dấu hợp qui theo Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em của sản phẩm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận;
+ Đối với các đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học nhập khẩu: trên sản phẩm phải nêu rõ nguồn gốc, xuất xứ (địa chỉ nơi sản xuất; hạn sử dụng; hướng dẫn lắp đặt, sử dụng; cảnh báo... bằng tiếng Việt); đơn vị nhập khẩu và chứng nhận hợp qui, công bố hợp qui và gắn dấu hợp qui theo Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
3. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non đã được trang bị đủ yêu cầu tối thiểu, căn cứ số lượng trẻ và tình hình thực tế về điều kiện của cơ sở giáo dục mầm non như: cơ sở vật chất, kinh phí và đội ngũ giáo viên, có thể mua sắm thêm các đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học tiên tiến khác; các thiết bị giúp trẻ làm quen với tin học (ngoài Danh mục Đồ dùng - Đồ chơi - Thiết bị dạy học tối thiểu) nhưng phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng (tại mục 2.2.); hiệu quả sử dụng và tránh lãng phí. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục mầm non, cần tổ chức tự làm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học để bổ sung, cải tiến, sửa chữa đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục.
4. Việc tổ chức mua sắm thiết bị dạy học cần thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đấu thầu xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 16/6/2009 của Quốc hội và Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng; Thông tư số 68/2012/TT-BTC ngày 26/4/2012 của Bộ Tài chính Quy định việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
5. Hiệu trưởng các trường mầm non phải tổ chức nghiệm thu, bàn giao và chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng, hiệu quả và an toàn cho trẻ khi sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tại đơn vị mình.
6. Giám đốc sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chỉ đạo xây dựng kế hoạch mua sắm, tổ chức mua sắm, nghiệm thu chất lượng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học và an toàn cho trẻ khi sử dụng; tổ chức thực hiện việc bảo quản, sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu cho các cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo số lượng, chất lượng và an toàn cho trẻ để phục vụ cho năm học.
III/ TẬP HUẤN, BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN - SỬ DỤNG VÀ BẢO QUẢN ĐỒ DÙNG, ĐỒ CHƠI VÀ THIẾT BỊ DẠY HỌC
1. Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn sử dụng và tự làm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán của sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố.
Sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo, tổ chức tập huấn việc nghiệm thu đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học và bồi dưỡng để giáo viên ở các nhóm lớp tự làm và sử dụng, bảo quản đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non và các hoạt động vui chơi của trẻ.
Trong quá trình tập huấn, nghiệm thu, cần bố trí đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu theo Danh mục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để giáo viên biết sử dụng, bảo quản đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo qui định.
2. Sử dụng và bảo quản
Để việc bảo quản và khai thác sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học có hiệu quả, các sở giáo dục và đào tạo cần tổ chức thực hiện các công việc sau:
2.1. Tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố để chỉ đạo sử dụng có hiệu quả kinh phí đầu tư từ Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; đồng thời tập trung huy động các nguồn kinh phí khác để xây mới, sửa chữa, bổ sung đủ phòng học, cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là lớp mẫu giáo 5 tuổi để bảo quản và triển khai sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học phục vụ tốt các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non.
2.2. Chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, hướng dẫn và giao trách nhiệm cho Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục mầm non xây dựng kế hoạch, tổ chức mua sắm, tự làm, bảo quản và triển khai sử dụng có hiệu quả đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học; hướng dẫn sử dụng và cảnh báo an toàn đối với thiết bị, đồ chơi ngoài trời đã trang bị, tránh lãng phí.
IV/ CÔNG TÁC KIỂM TRA, THANH TRA
Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn về danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu; các văn bản qui định về chất lượng, qui chuẩn an toàn đồ chơi trẻ em do Nhà nước ban hành và điều kiện thực tế của các cơ sở giáo dục mầm non, sở giáo dục và đào tạo cần thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo triển khai hoạt động kiểm tra, thanh tra công tác tổ chức mua sắm, tự làm, sử dụng, bảo quản đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục mầm non;
2. Chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành chức năng tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra việc mua sắm, tự làm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học về số lượng, chất lượng, tiến độ và công tác tập huấn, bảo quản, sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục mầm non.
3. Đưa nội dung kiểm tra, thanh tra vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố và Bộ Giáo dục và Đào tạo kết quả thực hiện theo quy định.
V/ KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học mầm non được cân đối từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo; nguồn ngân sách sự nghiệp giáo dục của địa phương; kinh phí hợp pháp khác và huy động từ xã hội.
Đối với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, kinh phí mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học mầm non được lấy từ nguồn thu của đơn vị và cân đối từ nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo phổ biến đến các Trưởng phòng giáo dục và đào tạo; Hiệu trưởng các trường mầm non và các đơn vị liên quan để thực hiện nghiêm túc nội dung văn bản này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các sở giáo dục và đào tạo báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và Bộ Giáo dục và Đào tạo để giải quyết kịp thời./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây