Công văn 4718/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2010 - 2011

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
Ghi chú

thuộc tính Công văn 4718/BGDĐT-GDTrH

Công văn 4718/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2010 - 2011
Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạoSố công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:4718/BGDĐT-GDTrHNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Công vănNgười ký:Nguyễn Vinh Hiển
Ngày ban hành:11/08/2010Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
----------------------
Số: 4718/BGDĐT-GDTrH
V/v: Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ GDTrH năm học 2010-2011
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------
Hà Nội, ngày 11tháng 8 năm 2010
 
 
Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo
 
 
Căn cứ Chỉ thị của Bộ trư­ởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2010-2011, Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2010-2011 như sau:
A. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Phát huy kết quả 4 năm thực hiện cuộc vận động "Hai không", đưa hoạt động này trở thành hoạt động thường xuyên trong các cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục trung học.
2. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục:
2.1. Tiếp tục tập trung chỉ đạo và thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, dạy học phân hoá trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông; tạo ra sự chuyển biến cơ bản về đổi mới kiểm tra đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.
2.2. Tổ chức đánh giá một năm triển khai thực hiện chủ trương “Mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện một đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý. Mỗi trường có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học. Mỗi tỉnh có một chương trình đổi mới phương pháp dạy học” đối với từng cấp học; Xây dựng và nhân rộng mô hình nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá tích cực và hiệu quả ở từng cấp học, từng địa phương.
2.3. Tiếp tục tăng cường kỷ cương, nền nếp trong quản lý dạy học, kiểm tra đánh giá, thi cử. Tăng cường vai trò của các sở GDĐT, phòng GDĐT, trường THCS, THPT trong việc quản lý việc thực hiện chương trình giáo dục, chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá.
2.4. Tiếp tục đổi mới phương thức giáo dục đạo đức, giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp theo tinh thần lồng ghép và tích hợp; chú trọng giáo dục giá trị, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
3. Triển khai có hiệu quả việc đánh giá cán bộ quản lý các trường học theo chuẩn hiệu trưởng; đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Xây dựng kế hoạch và lộ trình bồi dưỡng ở mỗi cấp quản lý và mỗi cơ sở trường học để cán bộ quản lý, giáo viên trung học phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao.
4. Tích cực triển khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2015, tạo sự chuyển biến nhận thức về mục đích phát triển trường chuyên, chuyển biến về kết quả phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu, tạo nguồn bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
B. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ
I. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và các phong trào thi đua của Ngành
- Các cấp quản lý và các cơ sở giáo dục trung học tiếp tục triển khai tích cực và hiệu quả cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” theo hướng dẫn tại Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GDĐT về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2010-2011 bằng những nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của cấp học và điều kiện từng địa phương, từng cơ sở trường học với phương châm lồng ghép và tích hợp nội dung, giải pháp các cuộc vận động và các phong trào thi đua nhằm huy động nhiều nguồn lực, nâng cao hiệu quả các hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường. 
- Tổ chức đánh giá kết quả 4 năm thực hiện cuộc vận động “Hai Không”; đưa hoạt động này thành hoạt động thường xuyên trong các cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục trung học.
- Gắn việc thực hiện các cuộc vận động và các phong trào thi đua với việc rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh tại mỗi cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục trung học, tạo sự chuyển biến tích cực và rõ nét về chất lượng giáo dục trung học.
- Đánh giá kết quả cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử (e-Learning) của giáo viên; tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian và các hội thi năng khiếu văn nghệ, thể dục – thể thao, tin học, ngoại ngữ... Tiếp tục cải tiến công tác tổ chức các cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay, Giải toán trên Internet (Violympic), tổ chức cuộc thi Olympic Tiếng Anh trên Internet ... theo hướng phát huy sự chủ động và sáng tạo của các địa phương, cơ sở; tăng cường tính giao lưu, hợp tác nhằm thúc đẩy học sinh hứng thú học tập, rèn luyện kỹ năng sống, bổ sung hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống và tinh hoa văn hóa thế giới.
- Chủ động phối hợp với chính quyền, đoàn thể và các tổ chức ở địa phương để đảm bảo học sinh được “an toàn đến trường”; chỉ đạo các trường THCS, THPT chủ động xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa, củng cố kỷ cương nền nếp, tăng cường giáo dục kỷ luật tích cực, bài trừ các hành vi đối xử không thân thiện trong các cơ sở giáo dục trung học.
- Tiếp tục thí điểm mô hình "Trường trung học cơ sở thân thiện" tại 50 trường THCS của 8 tỉnh, thành phố trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy sự phát triển và tham gia của thanh thiếu niên do Bộ GDĐT phối hợp với UNICEF tổ chức thực hiện, lồng ghép với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
- Tiếp tục phối hợp với các đối tác thực hiện tốt các dự án khác như: Dự án Đối thoại Châu Á - Kết nối lớp học, Dự án Access English …  
II. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trung học
1. Tổ chức thực hiện tốt chương trình và kế hoạch giáo dục
1.1. Thực hiện Khung phân phối chương trình:
Trên cơ sở Khung phân phối chương trình của Bộ GDĐT ban hành năm học 2009-2010, các địa phương và các cơ sở xây dựng phân phối chương trình chi tiết phù hợp với điều kiện của địa phương, thực hiện trong 37 tuần thực học mỗi năm học đối với trường THCS, THPT công lập với thời gian: học kỳ I: 19 tuần, học kỳ II: 18 tuần. Trong việc thực hiện Khung phân phối chương trình, các Sở GDĐT, Phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục trung học cần lưu ý các vấn đề sau đây:
a) Khung phân phối chương trình quy định nội dung dạy học trong từng phần của chương trình. Các Sở GDĐT, phòng GDĐT cụ thể hoá thành chương trình chi tiết; cũng có thể giao việc này cho những trường đủ năng lực chủ động thực hiện trên cơ sở đảm bảo thời gian kết thúc học kì I, kết thúc năm học thống nhất cả nước, có đủ thời lượng dành cho luyện tập, bài tập, ôn tập, thí nghiệm, thực hành và kiểm tra định kì, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, của trường.
Các trường có đủ điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất có thể bố trí dạy học hơn 6 buổi/tuần, với các giải pháp tăng thời gian dạy học các nội dung khó, học sinh tự học có hướng dẫn của giáo viên, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, văn nghệ, thể thao, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi phù hợp từng đối tượng học sinh, không gây “quá tải”; có thể huy động sự hỗ trợ của ngân sách, sự đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh để tăng cường cơ sở vật chất hoặc trả tiền dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng; không được ép buộc học sinh học trên 6 buổi/tuần dưới bất kỳ hình thức nào. Nhà trường quản lý nội dung và chất lượng dạy học trên 6 buổi/tuần; các Sở GDĐT, Phòng GDĐT cần tăng cường theo dõi để rút kinh nghiệm; đồng thời không để xảy ra tình trạng lạm thu trong hoạt động này.
b) Về phân phối chương trình dạy học tự chọn
(1) Môn học tự chọn nâng cao của ban Cơ bản có thể thực hiện bằng 1 trong 2 cách: Sử dụng sách giáo khoa nâng cao hoặc sử dụng sách giáo khoa biên soạn theo chương trình chuẩn kết hợp với chủ đề tự chọn nâng cao của môn học đó. Các Sở GDĐT quy định cụ thể phân phối chương trình các chủ đề tự chọn nâng cao cho phù hợp với mạch kiến thức của sách giáo khoa nâng cao môn học đó. Tài liệu chủ đề tự chọn nâng cao sử dụng cho cả giáo viên và học sinh.
(2) Dạy học chủ đề tự chọn bám sát là để ôn tập, hệ thống hóa, khắc sâu kiến thức, kĩ năng, không bổ sung kiến thức nâng cao mới. Hiệu trưởng các trường THPT, THCS lập kế hoạch dạy học chủ đề tự chọn bám sát (chọn môn học, ấn định số tiết/tuần cho từng môn, tên bài dạy) cho từng lớp, ổn định trong từng học kì trên cơ sở đề nghị của các tổ trưởng chuyên môn và giáo viên chủ nhiệm lớp.
c) Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập chủ đề tự chọn nâng cao, chủ đề tự chọn bám sát các môn học thực hiện theo quy định tại Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT của Bộ GDĐT.
d) Việc tổ chức dạy học ngoại ngữ:
(1) Đối với môn tiếng Anh:
- Tiếp tục thực hiện như hướng dẫn cho năm học 2008-2009 về dạy học ngoại ngữ trong trường THCS, THPT.
- Tích cực hướng dẫn giáo viên tự bồi dưỡng, đón đầu việc khảo sát giáo viên tiếng Anh trên phạm vi toàn quốc phục vụ cho việc triển khai Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020".
(2) Đối với môn tiếng Pháp: Triển khai thực hiện Quyết định 4113/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2009 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc phê duyệt Kế hoạch giáo dục áp dụng cho Chương trình song ngữ tiếng Pháp và môn tiếng Pháp ngoại ngữ 2 và Công văn số 3034/BGDĐT-GDTrH ngày 01/6/2010 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc Hướng dẫn thực hiện Chương trình song ngữ tiếng Pháp.
(3) Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện dạy thí điểm tiếng Nhật, tiếng Đức: thực hiện dạy học theo kế hoạch của các dự án thí điểm.
1.2. Về việc thực hiện các hoạt động giáo dục:
a) Việc phân công giáo viên thực hiện các Hoạt động giáo dục:
Trong kế hoạch dạy học quy định tại Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GDĐT ban hành, các hoạt động giáo dục đã được quy định thời lượng với số tiết học cụ thể như các môn học. Đối với giáo viên được phân công thực hiện Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và Hoạt động giáo dục hướng nghiệp được tính giờ dạy học như các môn học; việc tham gia điều hành các hoạt động giáo dục tập thể (chào cờ đầu tuần và sinh hoạt lớp cuối tuần) thuộc nhiệm vụ quản lý của Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm lớp, không tính là giờ dạy học.
b) Việc thực hiện tích hợp giữa Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, Hoạt động giáo dục hướng nghiệp, môn Công nghệ:
- Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp: Thực hiện đủ các chủ đề quy định cho mỗi tháng, với thời lượng 2 tiết/tháng và tích hợp nội dung Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp vào môn Giáo dục công dân như sau:
+ Cấp THCS: (các lớp 6, 7, 8, 9) ở các chủ đề về đạo đức và pháp luật.
+ Cấp THPT: Lớp 10, ở chủ đề về đạo đức; lớp 11, các chủ đề về kinh tế và chính trị - xã hội; lớp 12, ở các chủ đề về pháp luật.
Đưa nội dung giáo dục về Công ước Quyền trẻ em của Liên Hợp quốc vào Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở lớp 9, 10 và các hoạt động hưởng ứng phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ GDĐT phát động.
- Hoạt động giáo dục hướng nghiệp: Thời lượng Hoạt động giáo dục hướng nghiệp được bố trí 9 tiết/năm học.
+ Lớp 9: Tích hợp vào Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở 2 chủ điểm sau đây:
(1) "Truyền thống nhà trường", chủ điểm tháng 9;
(2) "Tiến bước lên Đoàn", chủ điểm tháng 3.
+ Các lớp 10, 11, 12: Tích hợp vào Hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở môn Công nghệ (phần “Tạo lập doanh nghiệp” lớp 10) và tích hợp vào Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (do giáo viên môn Công nghệ, giáo viên Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp thực hiện) ở 3 chủ đề sau đây:
(1) “Thanh niên với vấn đề lập nghiệp”, chủ đề tháng 3;
(2) "Thanh niên với học tập, rèn luyện vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước", chủ đề tháng 9;
(3) "Thanh niên với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", chủ đề tháng 12.
Nội dung tích hợp do Sở GDĐT hướng dẫn hoặc uỷ quyền cho các Phòng GDĐT, các trường THPT, THCS hướng dẫn giáo viên thực hiện cho sát thực tiễn địa phương. Cần hướng dẫn học sinh lựa chọn con đường học lên sau THCS (THPT, GDTX, TCCN, học nghề...) và sau THPT (ĐH, CĐ, TCCN...) hoặc đi vào cuộc sống lao động. Về phương pháp tổ chức thực hiện Hoạt động giáo dục hướng nghiệp, có thể riêng theo lớp hoặc theo khối lớp; có thể giao cho giáo viên hoặc mời các chuyên gia, nhà quản lý kinh tế, quản lý doanh nghiệp giảng dạy.
c) Về Hoạt động giáo dục nghề phổ thông:
Tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 8608/BGDĐT-GDTrH ngày 16/8/2007 của Bộ GDĐT.
d) Tăng cường vai trò của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp trong việc giáo dục đạo đức, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục giá trị và kỹ năng sống, tư vấn học đường… cho học sinh; thiết lập và duy trì có hiệu quả mối quan hệ giữa giáo viên chủ nhiệm lớp với giáo viên bộ môn, các đoàn thể xã hội và gia đình học sinh trong việc phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi, nắm chắc tình hình, khắc phục nguyên nhân học sinh bỏ học; giáo dục toàn diện cho học sinh... Nghiên cứu xây dựng và triển khai chương trình bồi dưỡng giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp.
e) Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục học sinh khuyết tật; tăng cường huy động các nguồn lực hỗ trợ học sinh và giáo viên trong dạy học hòa nhập. Các Sở GDĐT, Phòng GDĐT chỉ đạo các trường THCS, THPT vận dụng Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh theo hướng tạo điều kiện tối đa để học sinh khuyết tật được tham gia học hoà nhập và có thể học lên sau THCS, THPT; chú trọng đánh giá sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập. Đối với học sinh khuyết tật nặng, cần có sự hỗ trợ riêng và lập hồ sơ y tế. Việc đánh giá xếp loại học sinh khuyết tật nặng sẽ được xem xét theo từng trường hợp cụ thể, không coi là học sinh “ngồi sai lớp”. 
1.3. Việc thực hiện các nội dung giáo dục địa phương: Tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 5977/BGDĐT-GDTrH ngày 07/7/2008.
1.4. Thực hiện giáo dục đạo đức, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên trong một số môn học theo hướng dẫn riêng của Bộ.
 2. Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá
2.1. Chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học:
a) Căn cứ vào những yêu cầu của việc đổi mới phương pháp dạy học, các cấp quản lý và các cơ sở giáo dục trung học chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các giải pháp:
- Tổ chức dạy học phân hoá theo năng lực của học sinh dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT. Thiết kế bài giảng khoa học, sắp xếp hợp lý hoạt động của giáo viên và học sinh; thiết kế hệ thống câu hỏi hợp lý, tập trung vào trọng tâm, tránh nặng nề quá tải (nhất là đối với bài dài, bài khó, nhiều kiến thức mới); bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ, vận dụng sáng tạo kiến thức đã học, tránh thiên về ghi nhớ máy móc không nắm vững bản chất;
- Giáo viên sử dụng hợp lý sách giáo khoa khi giảng bài trên lớp, tránh tình trạng yêu cầu học sinh ghi chép quá nhiều, dạy học thuần tuý theo lối "đọc - chép"; chú trọng phát huy tính tích cực, hứng thú trong học tập của học sinh và vai trò chủ đạo của giáo viên trong tổ chức quá trình dạy học.
- Giáo viên sử dụng ngôn ngữ chuẩn xác, trong sáng, sinh động, dễ hiểu, tác phong thân thiện, khuyến khích, động viên học sinh học tập; chú trọng tổ chức hợp lý cho học sinh làm việc cá nhân và theo nhóm; rèn luyện kỹ năng tự học, tạo điều kiện cho học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo.
- Tăng cường sử dụng hợp lý công nghệ thông tin trong các bài giảng; khai thác tối đa hiệu năng các thiết bị dạy học, phương tiện nghe nhìn, phòng học bộ môn; coi trọng thực hành, thí nghiệm; bảo đảm cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh theo chuẩn kiến thức và kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông; chú trọng liên hệ thực tế trong giảng dạy phù hợp với nội dung từng bài học.
b) Tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo nội dung của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhằm đảm bảo tính linh hoạt về hình thức dạy học, hình thức kiểm tra, đánh giá, rèn luyện kỹ năng sống và kỹ năng hoạt động xã hội cho học sinh.
c) Tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học thông qua công tác bồi dưỡng giáo viên và dự giờ thăm lớp của giáo viên; tổ chức rút kinh nghiệm giảng dạy ở các tổ chuyên môn, hội thảo cấp trường, cụm trường, địa phương, hội thi giáo viên giỏi các cấp.
d) Chú trọng tổ chức cho giáo viên nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, sáng kiến cải tiến; quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán trong mỗi bộ môn, mỗi cơ sở giáo dục, mỗi cấp học ở địa phương; xây dựng mạng lưới đội ngũ giáo viên cốt cán toàn quốc. 
2.2. Chỉ đạo tích cực đổi mới kiểm tra, đánh giá:
a) Căn cứ vào những yêu cầu của việc đổi mới kiểm tra đánh giá, các cấp quản lý và các cơ sở giáo dục trung học chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các giải pháp:
- Trong quá trình kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, cần kết hợp một cách hợp lý hình thức tự luận với hình thức trắc nghiệm khách quan; dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng, hướng dẫn học sinh biết tự đánh giá năng lực của mình;
- Thực hiện đúng quy định của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, học sinh THPT do Bộ GDĐT ban hành; tổ chức đủ số lần kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ cả lý thuyết và thực hành.
b) Tiếp tục đổi mới đánh giá các môn Mĩ thuật, Âm nhạc (THCS), Thể dục (THCS, THPT): Khuyến khích đánh giá bằng nhận xét kết quả học tập theo quy định tại Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, học sinh THPT của Bộ GDĐT.
c) Đối với một số môn khoa học xã hội và nhân văn như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, cần coi trọng đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng hạn chế yêu cầu học sinh chỉ ghi nhớ máy móc, không nắm vững kiến thức, kỹ năng môn học. Trong quá trình dạy học, cần từng bước đổi mới kiểm tra đánh giá bằng cách nêu vấn đề mở, đòi hỏi học sinh phải vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng và biểu đạt chính kiến của bản thân.
d) Tăng cường tổ chức bồi dưỡng giáo viên về kĩ năng ra đề, soạn đáp án và chấm bài thi, kiểm tra bằng hình thức tự luận, trắc nghiệm theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông với các cấp độ: Biết, Thông hiểu, Vận dụng sáng tạo; với các bài kiểm tra cuối học kì, cuối năm, thi tốt nghiệp THPT dành tối thiểu 50% làm bài cho các nội dung thông hiểu, vận dụng sáng tạo. Sở GDĐT, phòng GDĐT tập huấn, hướng dẫn để giáo viên có thể thực hiện được yêu cầu này; từ đó bảo đảm dạy học sát đối tượng học sinh, khuyến khích tư duy độc lập, sáng tạo.
 e) Tiếp tục tích cực triển khai chủ trương xây dựng "Nguồn học liệu mở" (thư viện) câu hỏi, bài tập, đề thi, giáo án, tài liệu tham khảo có chất lượng trên Website của Bộ, Sở GDĐT, Phòng GDĐT và các trường học để giáo viên và học sinh có thể tham khảo.
g) Tích cực triển khai các bước chuẩn bị để Việt Nam tham gia Chương trình quốc tế đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông (Programme for International Student Assessment - viết tắt là PISA) vào năm 2012.
2.3. Tăng cường quản lý công tác đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá:
a) Tổ chức đánh giá một năm triển khai thực hiện chủ trương “Mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện một đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý. Mỗi trường có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học. Mỗi tỉnh có một chương trình đổi mới phương pháp dạy học” đối với từng cấp học; xây dựng và nhân rộng mô hình nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá tích cực và hiệu quả ở từng cấp học, từng địa phương.
b) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các kết luận của lãnh đạo Bộ GDĐT tại các Hội thảo: Hội thảo “Chỉ đạo, quản lý hoạt động đổi mới phương pháp ở các trường phổ thông” tại Nghệ An; Hội thảo "Đổi mới kiểm tra đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí” tại Cần Thơ; Hội nghị "Đánh giá sâu về chương trình–sách giáo khoa môn Giáo dục công dân”  tại Đà Lạt. Tổ chức hội thảo về đổi mới kiểm tra đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học đối với các môn: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ từ cấp trường đến Phòng GDĐT, Sở GDĐT và Bộ GDĐT.
2.4. Chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc công tác thi, kiểm tra ở tất cả các khâu ra đề, coi, chấm thi và nhận xét đánh giá; thực hiện các biện pháp phù hợp để khắc phục hiện tượng “ngồi sai lớp”, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học; chú trọng phụ đạo học sinh yếu; cần nắm chắc tình hình, khắc phục nguyên nhân học sinh bỏ học; vận động nhiều lực lượng tham gia nhằm duy trì sĩ số, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học.
 III. Phát triển mạng lưới trường lớp
1. Các cấp quản lý giáo dục tích cực tham mưu với UBND lập quy hoạch mạng lưới trường lớp THCS, THPT giai đoạn 2011-2015, trong đó có các trường THCS liên xã, trường THPT chuyên, trường nội trú, bán trú cho HS ở xa; đề xuất biện pháp giải quyết quĩ đất cho trường học theo quy định đối với trường chuẩn quốc gia.
2. Quan tâm việc tổ chức dạy học 6 buổi đến 12 buổi/tuần ở những địa bàn thuận lợi để từng bước nâng dần chất lượng giáo dục.
3. Hoàn thành việc xây dựng kế hoạch và thực hiện việc chuyển đổi loại hình trường THCS, THPT bán công, dân lập theo hướng dẫn tại Thông tư số 11/2009/TT-BGDĐT ngày 08/05/2009 của Bộ GDĐT và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
 IV. Xây dựng cơ sở vật chất trường học, thiết bị dạy học; chú trọng đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia; phát triển hệ thống trường THPT chuyên
1. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trường học
1.1. Kết hợp nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước với các nguồn huy động hợp pháp khác tổ chức tốt phong trào giáo viên tự làm đồ dùng dạy học để đảm bảo thiết bị dạy học theo danh mục tối thiểu, xây dựng phòng học bộ môn, thư viện điện tử, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; ưu tiên hiện đại hóa thiết bị dạy học, nhất là thiết bị dạy Tin học, Ngoại ngữ. Phấn đấu tăng số trường lớp THCS, THPT dạy học trên 6 buổi/tuần.
1.2. Phát huy hiệu quả của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”,  tạo một bước chuyển biến rõ rệt của các trường trong việc xây dựng, cải tạo cảnh quan, nhà vệ sinh... để thực sự đạt tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp, an toàn theo Quy định về vệ sinh trường học ban hành kèm theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18/4/2000 của Bộ Y tế và các tiêu chí cụ thể đã xác định tại công văn hướng dẫn đánh giá phong trào.
1.3. Xây dựng và triển khai đề án củng cố, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú.
2. Tiếp tục đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
Tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố tổ chức tổng kết công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của địa phương giai đoạn 2001-2010; đối chiếu với các quy định mới tại Thông tư số 06/2010/TT-BGDĐT ngày 26/2/2010 Về việc ban hành Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia để khẳng định những mặt mạnh, chỉ ra những hạn chế cần quan tâm giải quyết; xác định kế hoạch, lộ trình thực hiện công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn sau năm 2015.
3. Triển khai Đề án phát triển trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2015 ban hành theo Quyết định số 959/QĐ-TTg ngày 24/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ
Phổ biến, tuyên truyền nhằm quán triệt mục tiêu đào tạo và phát triển hệ thống các trường THPT chuyên trong ngành và toàn xã hội. Nhanh chóng triển khai các giải pháp nhằm xây dựng và phát triển các trường THPT chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục trung học có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia; có trang thiết bị dạy học đồng bộ, tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu tạo nguồn bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Các trường THPT khác trong điều kiện có thể thực hiện những mục tiêu, giải pháp nhất định như trường THPT chuyên.
V. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý
1. Đánh giá 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 01/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005-2010”. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 16/2008/BGDĐT ngày 16/4/2008 của Bộ GDĐT về Quy định đạo đức nhà giáo và cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. 
2. Triển khai có hiệu quả việc đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo các thông tư và công văn hướng dẫn của Bộ. Xây dựng kế hoạch và lộ trình bồi dưỡng ở mỗi cấp quản lý và mỗi trường học để cán bộ quản lý, giáo viên trung học phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao.
3. Căn cứ Thông tư liên tịch số 35/TTLT-BGD&ĐT-BNV về biên chế của trường phổ thông công lập, các trường được chủ động bố trí sắp xếp đội ngũ để đảm bảo về số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu giáo viên, nhân viên cho các môn học, nhất là các môn Tin học, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Mỹ thuật, Âm nhạc, Công nghệ, Thể dục, Giáo dục quốc phòng - an ninh, viên chức phụ trách thư viện, thiết bị dạy học. Kiểm tra đôn đốc, chấn chỉnh các yếu kém để có đủ đội ngũ giáo viên cơ hữu, giáo viên thỉnh giảng theo yêu cầu dạy học các môn trong các trường ngoài công lập.
4. Triển khai thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên trung học giai đoạn 2010-2015; chương trình đổi mới phương pháp dạy, đổi mới kiểm tra, đánh giá cho tất cả giáo viên trung học; chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng trường trung học.
VI. Thực hiện phổ cập giáo dục
1. Tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục THCS; Xây dựng kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục THCS, phổ cập giáo dục bậc trung học (ở những nơi có điều kiện) giai đoạn 2011 – 2020.
2. Kiện toàn, củng cố Ban Chỉ đạo PCGD, đội ngũ cán bộ giáo viên chuyên trách, hồ sơ PCGD các cấp; coi trọng công tác điều tra cơ bản, rà soát đánh giá kết quả và báo cáo hằng năm về thực trạng tình hình PCGD; tích cực huy động các đối tượng diện phổ cập giáo dục THCS ra lớp; chống bỏ học; phấn đấu 100% số xã trên phạm vi toàn quốc đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS vào năm 2012.
3. Triển khai xây dựng Đề án xây dựng hệ thống thông tin điện tử quản lý phổ cập giáo dục - chống mù chữ; triển khai áp dụng phần mềm quản lý dữ liệu phổ cập giáo dục - chống mù chữ trên phạm vi cả nước
VII. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục trung học
1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến giáo dục trung học
- Nhằm thực hiện Luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục, trong năm học 2010 – 2011 Bộ GDĐT sẽ xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật sau:
+ Thông tư ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
+ Thông tư ban hành Qui chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông tư thục.
+ Thông tư ban hành Qui chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên.
+ Thông tư ban hành Qui chế tổ chức và hoạt động của trung tâm KTTH - HN.
+ Thông tư hướng dẫn triển khai Đề án phát triển trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2015 ban hành theo Quyết định số 959/QĐ-TTg ngày 24/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tiếp tục rà soát lại hệ thống các văn bản liên quan đến quản lý chuyên môn của giáo dục trung học để hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu mới.
2. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng; đồng thời tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự kiểm tra, đánh giá của các cơ sở giáo dục trung học
2.1. Tiếp tục thực hiện Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 về Quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, theo đó các cơ sở giáo dục thực hiện 3 công khai để người học và xã hội giám sát, đánh giá: (1) công khai cam kết và kết quả chất lượng đào tạo, (2) công khai các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, (3) công khai thu, chi tài chính.
2.2. Tăng cường quản lý việc thực hiện chương trình và kế hoạch giáo dục; tiếp tục củng cố kỷ cương, nền nếp trong dạy học, kiểm tra đánh giá, thi cử, bảo đảm khách quan, chính xác, công bằng; quản lý chặt chẽ dạy thêm, học thêm theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/01/2007 của Bộ GDĐT.
2.3. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Qui định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường THPT ban hành kèm theo Quyết định số 80/2008/QDD-BGDĐT ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Chú trọng việc triển khai công tác kiểm định chất lượng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của nhà trường.
2.4. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước và quản lý chuyên môn đối với các trường THCS, THPT có yếu tố nước ngoài và các cơ sở giáo dục ngoài công lập; chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục để các cơ sở này bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện theo quy định của pháp luật về giáo dục.
3. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục
3.1. Tích cực tuyên truyền và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xã hội hoá giáo dục, đặc biệt là Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 về xã hội hoá giáo dục và Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường.
3.2. Tổ chức đánh giá 2 năm thực hiện Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Quyết định số 11/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/3/2008 của Bộ GDĐT. Tăng cường vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong việc tổ chức cho học sinh tự rèn luyện; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng để thực hiện tốt công tác giáo dục học sinh.
4. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý
- Tích cực áp dụng hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, họp, trao đổi công tác qua mạng Internet, video, qua website, đặc biệt trong công tác đào tạo và tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, thanh tra viên, cán bộ quản lý giáo dục.
- Ở những nơi có đủ điều kiện, cần tăng cường sử dụng phần mềm máy tính trong việc quản lý giảng dạy của giáo viên, quản lý kết quả học tập của học sinh, sắp xếp thời khoá biểu, quản lý thư viện trường học,...
VIII. Công tác thi đua, khen thưởng
Các cơ quan quản lý giáo dục cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học phấn đấu hoàn thành và hoàn thành các chỉ tiêu công tác một cách thực chất; kiên quyết khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Các Sở GDĐT chấp hành chế độ báo cáo, thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định tại Kế hoạch thời gian năm học của Bộ GDĐT.
Trong công tác thi đua, khen thưởng năm học 2010-2011, ngoài những yêu cầu chung của Bộ GDĐT về công tác thi đua, đối với công tác quản lý giáo dục trung học, Bộ chú trọng đánh giá các mặt hoạt động sau đây:
1. Kết quả việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và kế hoạch dạy học; đặc biệt là kết quả thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học; việc tuân thủ quy chế chuyên môn, thi cử, quản lý văn bằng, chứng chỉ.
2. Kết quả tổ chức thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
3. Kết quả xây dựng Nguồn học liệu mở phục vụ dạy học, kiểm tra đánh giá trên Website của trường, của Phòng GDĐT, Sở GDĐT và kết quả đóng góp nguồn dữ liệu xây dựng Nguồn học liệu mở trên Website của Bộ GDĐT.
4. Biện pháp và kết quả phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
5. Việc chấp hành quy định về chế độ thông tin, báo cáo; lưu ý các báo cáo về PCGD.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Giám đốc các Sở GDĐT căn cứ vào nội dung tại văn bản hướng dẫn này và tình hình cụ thể của địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần báo cáo kịp thời để Bộ GDĐT chỉ đạo giải quyết./.
 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng              (để b/cáo);                                 
- Các Thứ trưởng   (để ph/hợp);
- Các Sở GDĐT     (để th/hiện);
- Các CQ thuộc Bộ (để th/hiện);                                             
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ GDTrH.
KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Nguyễn Vinh Hiển
 
Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Nội dung văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

×
×
×
Vui lòng đợi