Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Công văn 4466/BGDĐT-GDDT 2022 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với giáo dục dân tộc
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Công văn 4466/BGDĐT-GDDT
Cơ quan ban hành: | Bộ Giáo dục và Đào tạo | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 4466/BGDĐT-GDDT | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn | Người ký: | Ngô Thị Minh |
Ngày ban hành: | 13/09/2022 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề |
tải Công văn 4466/BGDĐT-GDDT
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4466/BGDĐT-GDDT | Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2022 |
Kính gửi: | - Các Sở Giáo dục và Đào tạo[1]; |
Căn cứ Quyết định số 2159/QĐ-BGDĐT ngày 05/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; thực hiện Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, Bộ GDĐT hướng dẫn các sở GDĐT và các trường chuyên biệt trực thuộc Bộ GDĐT thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với giáo dục dân tộc (GDDT) như sau:
A. NHIỆM VỤ CHUNG
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới và phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi[2] (DTTS, MN). Ưu tiên nguồn lực để đầu tư và phát triển giáo dục dân tộc; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện tốt chính sách đối với người dạy, người học, cơ sở giáo dục vùng DTTS, MN; tập trung triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với vùng đồng bào DTTS, MN; tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, MN, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và các trường chuyên biệt trực thuộc Bộ GDĐT; nâng cao chất lượng dạy học tiếng nói, chữ viết của DTTS và giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh vùng DTTS, MN; đổi mới và tăng cường công tác quản lý GDDT, công tác thông tin, truyền thông về GDDT.
B. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
I. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC VÙNG DTTS, MN
1. Rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, duy trì số lượng và nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh DTTS ở các cấp học
1.1. Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng DTTS, MN, nhất là các trường PTDTNT, PTDTBT, trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú đảm bảo phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương. Việc sắp xếp phải đảm bảo nguyên tắc có lộ trình cụ thể, hợp lý, thuận lợi cho việc học tập của học sinh, gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông.
1.2. Thực hiện các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ trẻ em, học sinh DTTS ở các cấp học, bậc học từ mầm non đến phổ thông đi học đúng độ tuổi, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học vào dịp lễ tết, mùa vụ; duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục các cấp học nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào DTTS lĩnh vực GDĐT.
1.3. Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm định, đánh giá các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục ở địa phương, từ đó có các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học vùng DTTS, MN.
1.4. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục vùng DTTS, MN đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, MN giai đoạn 2021-2030, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với các dự án thuộc danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục vùng DTTS, MN, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đặc biệt là các trường PTDTNT, PTDTBT, trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú. Tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất trường, lớp, công trình và lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, đặc biệt chú ý đối với các trường ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất, gần sông suối; chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn theo chỉ đạo của Bộ GDĐT.[3]
2. Nâng cao chất lượng giáo dục của trường PTDTNT, trường PTDTBT
2.1. Công tác tuyển sinh
- Thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về công tác tuyển sinh vào trường PTDTNT, đảm bảo tuyển chọn những học sinh ưu tú của các DTTS.
- Tổ chức xét duyệt học sinh bán trú trong các trường PTDTBT theo quy định, khách quan, công bằng, kịp thời.
2.2. Nâng cao chất lượng dạy và học
a) Thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục
- Thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông theo chỉ đạo, hướng dẫn hiện hành của Bộ GDĐT[4] phù hợp với điều kiện của từng nhà trường, địa phương, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
- Tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, phù hợp đối tượng học sinh DTTS. Đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn với lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới[5].
- Tổ chức khảo sát, phân loại năng lực học tập của học sinh ngay từ đầu năm học để xây dựng kế hoạch dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, đúng đối tượng học sinh.
b) Tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù
- Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức của học sinh về chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, về bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh.
- Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025” đảm bảo mục tiêu 100% các trường, lớp bán trú và dân tộc nội trú được tuyên truyền kỹ năng sống, về giới và bình đẳng giới với nội dung và thời lượng phù hợp với lứa tuổi. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục; thực hiện hiệu quả công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội cho học sinh; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh, đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh bán trú nhỏ tuổi sớm xa gia đình; tăng cường an ninh, an toàn trường học. Tổ chức tốt hoạt động lao động sản xuất cải thiện điều kiện ăn, ở, học tập của học sinh. Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, chú trọng giáo dục học sinh tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập và sinh hoạt; ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường, tham gia tuyên truyền trong gia đình, cộng đồng về xóa bỏ các hủ tục (tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bắt vợ,...).
- Tổ chức tốt công tác quản lí, chăm sóc, nuôi dưỡng và hoạt động tự học của học sinh. Công tác nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh phải đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng quy định. Phối hợp với các cơ sở y tế của địa phương chăm sóc sức khỏe cho học sinh, chủ động, tích cực phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh và các tình huống bất thường khác.
- Khuyến khích triển khai mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp cho học sinh trong các trường PTDTNT cấp THPT; huy động các nguồn lực tài chính và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ các hoạt động dạy học/giáo dục trong nhà trường theo hướng lý thuyết gắn với thực hành và thực tiễn.
- Phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn để đào tạo và công nhận kỹ năng nghề cho học sinh. Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động giáo dục hướng nghiệp - dạy nghề truyền thống phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
3. Nâng cao chất lượng giáo dục các trường dự bị đại học, Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Trường Hữu Nghị T78, Trường Hữu Nghị 80
3.1. Công tác tuyển sinh
- Tuyển sinh dự bị đại học theo quy định tại Thông tư số 44/2021/TT-BGDĐT ngày 31/12/2021 của Bộ GDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh, bồi dưỡng dự bị đại học; xét chuyển vào học trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đối với học sinh dự bị đại học.
- Tuyển sinh học sinh phổ thông dân tộc nội trú theo quy định hiện hành và kế hoạch tuyển sinh đã được Bộ GDĐT phê duyệt, đảm bảo yêu cầu đúng đối tượng, công khai, công bằng, hiệu quả.
- Tiếp tục thực hiện Đề án thí điểm tuyển sinh bổ sung học sinh dân tộc Kinh cùng học với học sinh dân tộc nội trú tại các trường Hữu nghị T78 và Hữu nghị 80 theo chỉ đạo của Bộ GDĐT[6].
3.2. Thực hiện chương trình và kế hoạch giáo dục
- Các trường dự bị đại học, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc tổ chức bồi dưỡng, xét chuyển học sinh dự bị đại học theo quy định tại Thông tư số 44/2021/TT-BGDĐT ngày 31/12/2021 và Thông tư số 48/2012/TT-BGDĐT ngày 11/12/2012 của Bộ GDĐT; tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để xây dựng các hoạt động giáo dục, rèn luyện cho học sinh dự bị đại học phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn của nhà trường.
- Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Trường Hữu Nghị T78, Trường Hữu Nghị 80 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo hướng dẫn của Bộ GDĐT và Sở GDĐT nơi trường đặt trụ sở; tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường theo quy chế tổ chức và hoạt động hiện hành của trường PTDTNT.
- Trường Hữu Nghị T78, Trường Hữu Nghị 80 căn cứ Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài ban hành theo Thông tư số 17/2015/TT-BGDĐT ngày 01/9/2015 của Bộ GDĐT để xây dựng chương trình, học liệu, tổ chức dạy học tiếng Việt cho lưu học sinh; căn cứ Thông tư số 27/2021/TT-BGDĐT ngày 7/10/2021 ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài để tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt cho lưu học sinh hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục đủ điều kiện được tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt cho lưu học sinh; căn cứ Thông tư số 30/2018/TT-BGDĐT ngày 24/12/2018 của Bộ GDĐT đề quản lý lưu học sinh của nhà trường.
4. Dạy học tiếng dân tộc thiểu số
a) Thực hiện việc dạy tiếng dân tộc thiểu số trong trường phổ thông
Tiếp tục triển khai dạy học tiếng DTTS trong các trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ và Thông tư số 32/2021/TT-BGDĐT ngày 21/11/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với nhu cầu và thực tiễn của địa phương.
- Thực hiện dạy học các tiếng Bahnar, Chăm, Êđê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái theo chương trình và sách giáo khoa mới đối với lớp 1, lớp 2.
- Đối với các tiếng Khmer, Chăm, Êđê, Mông, Bahnar, Jrai triển khai dạy học từ lớp 3 đến lớp 9 theo các chương trình và sách giáo khoa hiện hành.
- Ngoài 8 chương trình, sách giáo khoa tiếng DTTS đã ban hành, đối với các địa phương có nhiều người DTTS sinh sống, Sở GDĐT cần chủ động, tích cực tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch, đề án dạy học tiếng DTTS và thực hiện thủ tục đưa tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh vào dạy học trong trường phổ thông theo quy định.
- Tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan như Ban Dân tộc, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình, các báo địa phương để xây dựng các ấn phẩm sách, báo bằng tiếng nói, chữ viết DTTS nhằm cung cấp nhiều tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh trong dạy và học tiếng DTTS ở trường phổ thông.
b) Triển khai Chương trình "Nâng cao chất lượng các môn học tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030"[7]
- Các địa phương rà soát đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS, phối hợp với các trường đại học có phương án thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng DTTS đáp ứng yêu cầu dạy học tiếng DTTS. Đẩy mạnh việc bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý dạy học tiếng DTTS cho đội ngũ cán bộ quản lí có liên quan.
- Các địa phương chủ động bố trí đủ kinh phí mua sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng DTTS, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng DTTS; đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị dạy học tiếng DTTS; xây dựng cơ sở dữ liệu về dạy học tiếng DTTS.
- Thực hiện nghiêm túc chế độ chính sách đối với người dạy, người học tiếng DTTS theo quy định. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dạy học tiếng DTTS, về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc dạy học tiếng DTTS.
c) Dạy tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng DTTS, MN
- Tiếp tục thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng DTTS, MN theo Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 29/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 36/2012/TT-BGDĐT ngày 24/10/2012 của Bộ GDĐT ban hành quy định về tổ chức dạy học, kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số.
- Thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức DTTS học tiếng DTTS tại trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
5. Tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS
Tiếp tục tổ chức thực hiện Kế hoạch số 2805/QĐ-BGDĐT ngày 05/8/2016 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025; Quyết định số 5006/QĐ-BGDĐT ngày 31/12/2021 của Bộ GDĐT ban hành Kế hoạch Giai đoạn 2 thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTPS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ; Công văn số 1949/BGDĐT-GDTH ngày 13/5/2021 về việc triển khai các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS. Trong đó, chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp, giao lưu tiếng Việt cho trẻ em, học sinh và bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ (người DTTS) về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh DTTS.
II. THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS, MN
1. Thực hiện các chế độ, chính sách hiện hành
- Tiếp tục thực hiện đúng, đủ kịp thời các chế độ, chính sách đối với người dạy, người học và các cơ sở giáo dục ở vùng DTTS, MN, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn[8].
- Thực hiện nghiêm túc chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên DTTS, đảm bảo cử tuyển đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch. Chú trọng công tác xây dựng kế hoạch cử tuyển của địa phương gắn với quy hoạch nguồn nhân lực của địa phương, của vùng để đảm bảo người đi học theo chế độ cử tuyển được xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp quản lý giữa địa phương với cơ sở đào tạo.
2. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025
- Tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây gọi chung là Quyết định số 1719/QĐ-TTg) theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Căn cứ Công văn số 2184/BGDĐT-GDDT ngày 26/5/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5 thuộc Quyết định số 1719/QĐ-TTg và các Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo[9] và tình hình thực tế, các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Tiêu dự án 1 - Dự án 5 thuộc Quyết định số 1719/QĐ-TTg của địa phương.
- Các địa phương cần tập trung rà soát các trường chưa có cơ sở vật chất hoặc có nhưng còn phải thuê, mượn hoặc xuống cấp; những điểm nóng, bức xúc, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị bàn ghế, đồ dùng... cho học sinh nội trú, bán trú để xây dựng kế hoạch bố trí vốn đầu tư theo thứ tự ưu tiên, đúng đối tượng thụ hưởng. Triển khai đầu tư theo định hướng tập trung, cuốn chiếu, dứt điểm, ưu tiên địa bàn, cơ sở giáo dục khó khăn, không dàn trải nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ của Tiểu dự án 1 - Dự án 5 thuộc Quyết định số 1719/QĐ-TTg một cách bền vững.
3. Thực hiện công tác tham mưu ban hành chính sách phát triển giáo dục dân tộc của địa phương
- Rà soát, đánh giá tác động của chính sách mới ban hành[10], ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh đến người dạy, người học ở vùng DTTS, MN, vùng đặc biệt khó khăn để tham mưu đề xuất với cấp có thẩm quyền của địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời.
- Tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn bản quy định về chế độ, chính sách phát triển giáo dục dân tộc của Trung ương.
III. TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ GIÁO DỤC DÂN TỘC
1. Các sở GDĐT tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về phát triển GDDT; thực hiện nghiêm túc phân cấp quản lí về GDDT theo các quy định hiện hành; đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm nâng cao chất lượng GDDT.
2. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lí, chỉ đạo GDDT ở các tỉnh/thành phố có đông học sinh DTTS, đảm bảo mỗi sở GDĐT có bộ phận đầu mối quản lí, chỉ đạo về giáo dục dân tộc của địa phương theo tinh thần Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới”.
3. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng và quản lí cơ sở dữ liệu về GDDT của địa phương theo các cấp học và theo từng DTTS. Thực hiện tốt công tác thông tin, báo cáo, đáp ứng có chất lượng, kịp thời các văn bản chỉ đạo về giáo dục dân tộc của Bộ GDĐT.
4. Tăng cường công tác kiểm tra đánh giá các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục vùng DTTS, MN: về số lượng, chất lượng cơ cấu đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất thiết bị của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông vùng DTTS, MN, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; việc dạy học tiếng Việt cho trẻ em, học sinh DTTS; dạy học tiếng dân tộc cho học sinh DTTS trong trường phổ thông và dạy tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục công tác ở vùng DTTS, MN; dạy học ngoại ngữ và giáo dục văn hóa dân tộc trong các cơ sở giáo dục vùng DTTS, MN, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
5. Kiểm tra, đánh giá các trường PTDTNT, PTDTBT và 07 trường chuyên biệt trực thuộc Bộ GDĐT về quản lý các hoạt động giáo dục, thực hiện quy chế dân chủ, trách nhiệm giải trình, đảm bảo sự tham gia của học sinh, gia đình và xã hội trong quản lý các hoạt động giáo dục theo quy định tại Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 của Chính phủ.
IV. ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC DÂN TỘC
1. Tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Giáo dục Đào tạo về đổi mới giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; các chủ trương, chính sách mới về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, MN, trong đó có các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp về đổi mới GDDT.
2. Chủ động, kịp thời xử lý các vấn đề truyền thông liên quan đến giáo dục dân tộc của các địa phương.
3. Phối hợp cung cấp thông tin với cơ quan báo chí địa phương về các nội dung mang tính thời sự, đột xuất nhằm định hướng tốt dư luận.
4. Tăng cường truyền thông rộng rãi những tấm gương người tốt, việc tốt, biểu dương những nỗ lực của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh nhằm khích lệ, động viên, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong ngành giáo dục và xã hội.
5. Nâng cao nhận thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền cho cán bộ quản lý, giáo viên về những kết quả đã đạt được để tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội về các chính sách, chủ trương đổi mới GDDT.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giám đốc các sở GDĐT, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với giáo dục dân tộc cụ thể, phù hợp.
2. Hiệu trưởng các trường dự bị đại học, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Trường Hữu Nghị 80, Trường Hữu Nghị T78 xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 phù hợp chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn của nhà trường.
3. Các đơn vị chấp hành chế độ báo cáo, thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định tại Kế hoạch thời gian năm học và các văn bản hướng dẫn sơ kết, tổng kết nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với giáo dục dân tộc của Bộ GDĐT.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị báo cáo về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục dân tộc) để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo xử lí.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
[1] Bao gồm: Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu
[2] Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới”; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14; Quyết định số 1205/QĐ-BGDĐT ngày 15/5/2020 của Bộ GDĐT ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS và MN giai đoạn 2019-2025; Kế hoạch số 29/KH-BGDĐT ngày 11/01/2021 về việc kết nối nguồn lực xây dựng trường học an loàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021-2025.
[3] Công văn số 64/BGDĐT-CSVC ngày 09/01/2018 về việc cải tạo và bảo trì cơ sở vật chất trường học đảm bảo an toàn cho học sinh; Công văn số 3455/BGDĐT-CSVC ngày 08/9/2020 kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất trường học đảm bảo an toàn cho học sinh; Công văn số 3782/BGDĐT-CSVC ngày 01/9/2021 về việc chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
[4] Công văn số 4088/BGDĐT-GDTH ngày 25/8/2021 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2022-2023; Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH ngày 07/6/2021 về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; Công văn số 3866/BGDĐT-GDTH ngày 26/8/2019 về việc hướng dẫn chuẩn bị tổ chức dạy học đối với lớp 1 năm học 2020-2021; Công văn số 3536/BGDĐT-GDTH ngày 19/8/2019 về việc biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục của địa phương cấp tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức thực hiện từ năm học 2020-2021; Công văn số 3036/BGDĐT-GDTH ngày 20/7/2021 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện nội dung giáo dục địa phương cấp tiểu học; Công văn số 3535/BGDĐT-GDTH ngày 19/8/2019 về việc hướng dẫn thực hiện nội dung Hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học; Công văn số 1315/BGDĐT-GDTH ngày 16/4/2020 về việc hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03/10/2017 hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh từ năm học 2017-2018; Công văn số 3089/BGDĐT-GDTrH ngày 14/8/2020 về triển khai thực hiện giáo dục STEM trong giáo dục trung học; Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020 về hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT; Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH ngày 22/8/2022 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023.
[5] Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ GDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
[6] Công văn số 2478/BGDĐT-GDDT ngày 16/6/2021 về việc tiếp tục thí điểm tuyển sinh bổ sung học sinh dân tộc Kinh cùng học với học sinh dân tộc nội trú.
[7] Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 27/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình "Nâng cao chất lượng các môn học tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030".
[8] Chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021; chính sách đối với học sinh các trường PTDTNT và trường DBĐH theo Thông tư số 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT; chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở thôn, xã đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016; chính sách đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017; chính sách học bổng khuyến khích học tập, học bổng chính sách cho học sinh, sinh viên theo quy định tại Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020; chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020; chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019; chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên DTTS theo Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020; chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo quy định tại Nghị định số 77/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021.
[9] Quyết định số 693/QĐ-BGDĐT ngày 14/3/2022 ban hành kế hoạch thực hiện các nội dung do Bộ GDĐT chủ trì thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025; Quyết định số 2182/QĐ-BGDĐT ngày 09/8/2022 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Quyết định số 2183/QĐ-BGDĐT ngày 09/8/2022 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
[10] Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.