Báo cáo 465/BC-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hai đợt thi Đại học, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Báo cáo 465/BC-BGDĐT
Cơ quan ban hành: | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 465/BC-BGDĐT |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Báo cáo |
Người ký: | Phạm Vũ Luận |
Ngày ban hành: | 10/07/2009 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề |
tải Báo cáo 465/BC-BGDĐT
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ------------------- Số: 465/BC-BGDĐT
| CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------------------------- Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2009 |
BÁO CÁO
VỀ HAI ĐỢT THI ĐẠI HỌC
KỲ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG NĂM 2009
Hai đợt thi đại học năm 2009 được tổ chức vào các ngày 04, 05 (thi đại học khối A và V) và 09, 10/7/2009 (thi đại học khối B, C, D và các khối năng khiếu) đã kết thúc và diễn ra trong trật tự, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Trên cơ sở báo cáo của Hội đồng tuyển sinh các đại học, học viện, các trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, báo cáo chung về kết quả, cũng như những điểm nổi bật của 2 đợt thi đại học năm nay như sau:
1. Về công tác chuẩn bị
Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009 là năm thứ 8 thực hiện Đề án cải tiến tuyển sinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 1 năm 2002; là năm thứ ba ngành giáo dục quán triệt thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về “Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục” và cuộc vận động Hai không: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
Về cơ bản, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay giữ ổn định theo giải pháp 3 chung như những năm trước. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội khoá XI về “tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn, nhẹ, hiệu quả và thiết thực”, đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực theo vùng miền, ngành nghề và chất lượng tuyển chọn đầu vào, nhất là tăng cường và siết chặt kỷ luật trường thi, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực và nâng cao chất lượng tuyển chọn đầu vào của các trường, đồng thời phù hợp với tình hình thực tiễn, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009 có một số điểm mới sau:
a) Khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh
- Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1,0 điểm, nhưng không quá 1,5 điểm, để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết (năm 2008 mức chênh lệch lên tới 2,0 điểm);
- Đối với các trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 điểm, nhưng không quá 1,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu đã được giao (năm 2008 mức chênh lệch lên tới 2,0 điểm);
b) Cấu trúc đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Đề thi được ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, đảm bảo yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng, kỹ năng thực hành, có sự sáng tạo của thí sinh và đề thi có phần mở.
- Đối với các môn: Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, đề thi mỗi môn gồm 2 phần:
+ Phần chung cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao;
+ Phần riêng ra theo từng chương trình: chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Thí sinh chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài; thí sinh nào làm cả hai phần riêng thì bài làm bị coi là phạm quy, cả 2 phần riêng đều không được chấm. Chỉ chấm điểm phần chung.
- Đối với các môn Ngoại ngữ: đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, không có phần riêng.
c) Đối với các trường ĐH, CĐ có tuyển sinh ngành năng khiếu:
- Các môn văn hoá thi theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Các môn thi năng khiếu thi theo đề thi riêng của trường. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: ra đề thi, tổ chức thi và chấm thi các môn năng khiếu.
d) Các trường xác định điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng theo quy định: điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước, bảo đảm tỷ lệ trúng tuyển hợp lí giữa các nguyện vọng;không hạ điểm trúng tuyển, trừ những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định.
e) Tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm và tước quyền dự thi tuyển sinh hai năm tiếp theo đối với những thí sinhsử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.
Nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa xã hội và tính nhạy cảm của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ và được sự ủng hộ tích cực, có hiệu quả của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các địa phương, các Tập đoàn, các Hiệp hội khẩn trương chỉ đạo các đại học, học viện, các trường đại học triển khai các mặt công tác chuẩn bị, nhằm bảo đảm cho kỳ thi tiến hành thuận lợi, đúng kế hoạch, đúng quy chế, trật tự và an toàn. Cụ thể là:
- Tháng 2 và tháng 3 năm 2009 đã ban hành rộng rãi tới các sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng và thí sinh các tài liệu hướng dẫn tuyển sinh như: Quy chế tuyển sinh; báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh năm 2008, phương hướng nhiệm vụ công tác tuyển sinh năm 2009; Hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Danh mục mã trường trung học phổ thông và tương đương, mã đăng ký dự thi và cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng 2009”;
- Từ ngày 03/03 đến ngày 05/03/2009 đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ máy tính phục vụ tuyển sinh cho cán bộ làm công tác tuyển sinh và máy tính của 63 Sở Giáo dục và Đào tạo và 345 đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng;
- Từ ngày 10/03 đến ngày 10/04/2009 chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thí sinh khai hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh;
Từ ngày 11/04 đến ngày 17/04/2009 chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh;
Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009 là: 2.125.975 (giảm khoảng 3% so với năm 2008). Trong đó:
- Đại học: 1.565.286 hồ sơ (chiếm 73,5 %)
- Cao đẳng: 560.689 hồ sơ (chiếm 26,5 %)
- Ngày 05/05 tại Hà Nội và ngày 7/05/2009 tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cho các Sở Giáo dục và Đào tạo bàn giao hồ sơ và lệ phí tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng; chỉ đạo các trường lập danh sách phòng thi, in và gửi giấy báo dự thi cho thí sinh; tất cả các trường hợp thất lạc hồ sơ, đều đã được các Sở, các trường phối hợp xử lý kịp thời để thí sinh được dự thi.
- Tháng 5/2009 đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ban, ngành (Công An, Bưu chính viễn thông, Giao thông vận tải, Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia, Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam,…) đề nghị phối hợp và có kế hoạch hỗ trợ các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng tổ chức kỳ thi.
- Tháng 5/2009 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành một loạt các Quyết định có liên quan đến công tác chỉ đạo và tổ chức kỳ thi, như: Quyết định thành lập 3 Cụm thi liên trường Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ; Quyết định cử 4 cán bộ lãnh đạo cấp Vụ tham gia giám sát các cụm thi tại thành phố Vinh - Nghệ An, thành phố Quy Nhơn - Bình Định và thành phố Cần Thơ; Quyết định giao nhiệm vụ in sao đề thi tuyển sinh đại học cho 25 đại học, học viện, trường đại học và in sao đề thi tuyển sinh cao đẳng cho 10 đại học, học viện, trường đại học; Quyết định thành lập Ban đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009; Quyết định tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị thi tuyển sinh đại học, cao đẳng tại các Cụm thi liên trường Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ; Quyết định tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị của 25 cơ sở in sao đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng; Quyết định cử cán bộ giám sát các cơ sở in sao đề thi; …
- Tháng 6/2009 đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị phối hợp và chỉ đạo các sở y tế các địa phương, bệnh viện các tuyến hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng trong xử lý kịp thời các tình huống có đau ốm, dịch bệnh xảy ra và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tháng 6/2009 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công điện gửi các Bộ ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, các Tập đoàn đề nghị hỗ trợ mọi mặt, phối hợp chặt chẽ để tổ chức tốt kỳ thi.
- Tháng 6/2009 Thường trực Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc trực tiếp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An kiểm tra công tác chuẩn bị và sự hỗ trợ của 3 địa phương đối với Cụm thi liên trường tại Quy Nhơn, Cần Thơ và Vinh; thành lập 5 Đoàn kiểm tra của Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra công tác chuẩn bị in sao đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng của 25 cơ sở in sao đề thi. Công tác kiểm tra tập trung trọng tâm vào việc chuẩn bị in sao đề thi của tất cả 25 cơ sở in sao đề thi dùng chung. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục các tồn tại, thiếu sót. Nhờ đó, cả 25 cơ sở in sao đề thi đều hoàn thành nhiệm vụ, đề thi được bảo mật tốt, chất lượng in sao đảm bảo.
- Tháng 6/2009 đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra cho các cán bộ giám sát cơ sở in sao đề thi và thanh tra thi tuyển sinh.
- Ngay sau Hội nghị thi và tuyển sinh tổ chức tháng 01/2009, Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học, cao đẳng đã phối hợp với các báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Đất Việt, Vietnamnet, Sài gòn giải phóng, các báo điện tử,… tổ chức các ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và nhiều cuộc giao lưu trực tuyến tại nhiều địa phương, các vùng miền, đặc biệt là các địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa để hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho thí sinh. Các hoạt động này có ý nghĩa xã hội sâu sắc và có tác dụng tích cực, được phụ huynh và học sinh hoan nghênh.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam trên kênh VTV2, Chương trình Tư vấn mùa thi và ôn thi đại học, giải đáp thắc mắc, hướng nghiệp cho thí sinh; kịp thời phản ánh, đưa tin mọi mặt về công tác chuẩn bị, công tác tổ chức thi của các Hội đồng tuyển sinh, được dư luận đánh giá tốt, thật sự có hiệu quả.
Có thể khẳng định rằng, công tác chuẩn bị của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng, cũng như sự phối hợp, hỗ trợ của các Bộ, Ban, ngành, các địa phương và các cơ quan thông tấn báo chí cho kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009 đã được triển khai sớm, kỹ lưỡng, đảm bảo tiến độ, đúng kế hoạch. Vì vậy, hai đợt thi đại học vừa qua đã diễn ra trong trật tự, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, được dư luận xã hội hoan nghênh và đánh giá tốt.
2. Về Công tác đề thi
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định thành lập Ban đề thi do Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục làm Trưởng ban. Trực tiếp tham gia biên soạn và phản biện đề thi có 60 người là giáo viên các trường THPT và 48 người là giảng viên các trường đại học của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Ban Đề thi đã làm việc từ ngày 16 tháng 6 năm 2009 và sẽ kết thúc nhiệm vụ vào ngày 16 tháng 7 năm 2009. Mọi điều kiện về ăn, ở, làm việc của cán bộ, trang thiết bị kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm an toàn bí mật của nơi làm đề đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Công an kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo bí mật tuyệt đối của công tác ra đề thi.
Đề thi đại học của cả hai đợt thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu biên soạn, vận chuyển, in sao, phân phối và sử dụng. Không có hiện tượng tung tin thất thiệt về đề thi.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, các nhà khoa học, các bậc phụ huynh và thí sinh, đề thi đại học năm nay của tất cả các khối thi nằm trong chương trình, không quá dài, quá khó, phù hợp với thời gian làm bài theo từng bộ môn và phân loại được thí sinh. Đề thi không có sai sót cả về nội dung và hình thức.
Tuy nhiên, trong đợt I thi đại học khối A, Cơ sở in sao đề thi của trường đại học Quy Nhơn đã in sai 01 câu của đề thi môn Vật lý so với đề thi của Bộ. Mặc dù sai sót của cơ sở in sao đề thi của trường đại học Quy Nhơn chỉ mang tính cục bộ, nhưng Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ đã kịp thời đề xuất phương án khắc phục sai sót theo hướng đảm bảo quyền lợi, đảm bảo công bằng cho các thí sinh dự thi đại học khối A tại cụm thi Quy Nhơn, trường đại học Phạm Văn Đồng, trường đại học Phú Yên và thí sinh dự thi vào tất cả các trường đại học khác trong cả nước, đồng thời trường đại học Quy Nhơn phải nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm và đề xuất hình thức xử lý đối với từng cá nhân, tập thể có liên quan.
3. Công tác tổ chức thi
Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay sau khi có các văn bản hướng dẫn và lịch công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009, các đại học, học viện; các trường đại học có tổ chức thi tuyển sinh đã khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị sớm, kỹ lưỡng về điểm thi, phòng thi, cơ sở vật chất, thiết bị, cán bộ tham gia công tác tuyển sinh,… đảm bảo đầy đủ mọi mặt và sẵn sàng cho việc tổ chức thi.
Ngay sau khi kết thúc thi đại học đợt I, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công điện gửi các đại học, học viện và các trường đại học yêu cầu tổ chức ngay việc sơ kết, đánh giá và rút kinh nghiệm nghiêm túc về những mặt được và chưa được trong công tác chuẩn bị và tổ chức thi đại học đợt I, triển khai ngay các biện pháp khắc phục những hạn chế, bất cập, sai sót đã gặp phải ở đợt thi thứ nhất; đồng thời cần rà soát lại toàn bộ công tác chuẩn bị cho thi đại học đợt II trong tất cả các khâu, kể cả việc chuẩn bị phương án dự phòng về phòng thi, cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực, các phương án bảo đảm an toàn, bí mật tuyệt đối trong quản lý, sử dụng, phân phối đề thi.
Cả hai đợt thi đại học năm 2009 có 191 lượt trường tổ chức thi (tăng 10 trường so với năm 2008), trong đó:
- Đợt I: Thi đại học khối A và V có 93 đại học, học viện, trường đại học tổ chức thi.
- Đợt II: Thi đại học khối B, C, D và các khối năng khiếu có 98 đại học, học viện và trường đại học tổ chức thi.
Cả hai đợt thi, đã chuẩn bị 1.978 điểm thi (tăng 21 điểm thi so với năm 2008); 49.008 phòng thi (tăng 840 phòng thi so với năm 2008); huy động trên 125.000 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh.
- Số thí sinh đến dự thi đại học cả 2 đợt năm 2009 là 1.261.941, đạt tỷ lệ 70,07% so với số hồ sơ đăng ký dự thi (tăng 0,45% so với năm 2008), cụ thể là:
| NĂM 2008 | NĂM 2009 | ||||
| Số hồ sơ ĐKDT | Số thí sinh đến dự thi | Tỷ lệ (%) | Số hồ sơ ĐKDT | Số thí sinh đến dự thi | Tỷ lệ (%) |
Đợt I | 915.010 | 618.994 | 67,65 | 930.255 | 638.192 | 68,61 |
Đợt II | 876.806 | 628.582 | 71,69 | 870.756 | 623.749 | 71,63 |
Tổng | 1.791.816 | 1.247.576 | 69,62 | 1.801.011 | 1.261.941 | 70.07 |
- Về xử lý kỉ luật đối với cán bộ và thí sinh vi phạm qui chế.
Do công tác chuẩn bị được triển khai sớm, tổ chức tập huấn kỹ cho các cán bộ tham gia công tác tuyển sinh, nhất là cán bộ coi thi; phổ biến rộng rãi đến các thí sinh trong ngày làm thủ tục dự thi về nội quy, quy chế tuyển sinh, vì thế hai đợt thi đại học năm 2009 số lượng cán bộ tham gia công tác tuyển sinh và thí sinh vi phạm quy chế giảm về số lượng và mức độ vi phạm so với năm 2008.
Hình thức kỉ luật | Cán bộ | Thí sinh | ||
Năm 2008 | Năm 2009 | Năm 2008 | Năm 2009 | |
Khiển trách | 15 | 7 | 71 | 51 |
Cảnh cáo | 4 | 0 | 35 | 20 |
Đình chỉ | 14 | 9 | 258 | 204 |
Thi hộ | - | - | 1 | - |
Tổng cộng | 33 | 16 | 365 | 275 |
Kết quả thống kê trên cho thấy: so với hai đợt thi đại học năm 2008, hai đợt thi đại học năm 2009 có số lượng thí sinh đến dự thi tăng 14.365 người (tăng 0,45%), nhưng số cán bộ vi phạm qui chế thi bị xử lý giảm 17 người (bằng 48% ); số thí sinh vi phạm qui chế thi bị xử lý giảm 90 người (bằng 75% ).
4. Công tác thanh tra, kiểm tra
Trong cả 2 đợt thi tuyển sinh đại học, Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập 04 đoàn kiểm tra đột xuất tại các hội đồng tuyển sinh trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh
Ngoài ra, Bộ còn thành lập 10 đoàn thanh tra lưu động; cử 4 cán bộ lãnh đạo cấp Vụ tham gia giám sát 3 cụm thi liên trường tại thành phố Vinh, thành phố Quy Nhơn và thành phố Cần Thơ; đồng thời cử 8 cán bộ giám sát tại chỗ các trường đại học có tổ chức thi trên toàn quốc.
Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai sót của một số hội đồng tuyển sinh như: Cán bộ coi thi chưa thực hiện đúng quy định về kí giấy thi, giấy nháp; cán bộ coi thi cho phép thí sinh bắt đầu làm bài thi sớm hơn hoặc muộn hơn thời gian quy địnhchưa niêm phong túi đựng đề thi thừa tại phòng thi; chưa có phương án xử lí tình huống nghi bị cúm A(H1N1); ..
5. Nhận xét chung
Hai đợt thi đại học - kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2009 đã kết thúc, thắng lợi và đạt được một số kết quả cơ bản sau:
- Công tác chuẩn bị thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đại học, học viện, các trường đại học được triển khai sớm, kỹ lưỡng, đảm bảo đúng lịch công tác tuyển sinh và sẵn sàng cho việc tổ chức kỳ thi;
- Sự phối hợp đồng bộ, sự giúp đỡ tích cực, có hiệu quả của các Bộ, ban, ngành, các địa phương và các lực lượng xã hội đã góp phần cho thành công của kì thi. Đặc biệt là vai trò của lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện;
- Các cán bộ biên soạn, phản biện đề thi là giáo viên các trường THPT ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; giảng viên các trường đại học, có trình độ chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm và có tinh thần trách nhiệm cao. Đề thi được dư luận đánh giá tốt, không quá dài, quá khó, không đánh đố, vừa sức, phù hợp với trình độ chung, thời gian làm bài của thí sinh và có khả năng phân loại cao. Đề thi được bảo mật, an toàn tuyệt đối; không có sai sót cả về nội dung và hình thức; không có hiên tượng tung tin thất thiệt về đề thi;
- Nhận thức của các cán bộ làm công tác tuyển sinh và thí sinh về chấp hành kỷ luật thi đã nâng cao, nên kỷ luật phòng thi được siết chặt, không khí trường thi nghiêm túc, trật tự. Các hiện tượng vi phạm quy chế thi đều được phát hiện, xử lý kịp thời, kiên quyết và dứt điểm; số lượng và mức độ vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật giảm hẳn so với năm 2008;
- Ban chỉ đạo tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ đã chỉ đạo kịp thời, kiên quyết và thống nhất đối với các Hội đồng thi; có văn bản hướng dẫn kịp thời;
- Có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội đồng tuyển sinh các trường với các sở, ban ngành chức năng, các cơ quan thông tấn báo trí ở địa phương nơi trường đặt trụ sở, vì vậy, Hội đồng tuyển sinh các trường đã thực hiện tốt các khâu trong công tác tuyển sinh, tổ chức chỉ đạo thống nhất theo sự điều hành chung của Bộ. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh chỉnh sửa các sai sót và dự thi.
- Trong điều kiện nhu cầu học tập của thanh niên còn rất lớn, năng lực đáp ứng của các trường có hạn, giải pháp “3 chung” tiếp tục phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả rõ rệt, góp phần phân luồng học sinh sau THPT; đảm bảo mặt bằng chất lượng tuyển chọn đầu vào; công bằng xã hội và cơ cấu vùng miền; tình trạng luyện thi tràn lan, luyện thi cấp tốc, mua bán, in ấn phao thi giảm hẳn so với những năm trước; hạn chế các hiện tượng học tủ, học lệch;
- Các cơ quan thông tấn báo chí đã kịp thời đưa tin về những tấm gương tốt, những tấm lòng hảo tâm cùng chung lòng, góp sức, hỗ trợ cho các thí sinh, các gia đình cả về vật chất và tinh thần, góp phần không nhỏ cho sự thành công của 2 đợt thi vừa qua.
Tuy nhiên, 2 đợt thi tuyển sinh đại học vừa qua vẫn còn một số mặt hạn chế và thiếu sót, cụ thể là:
- Vẫn còn sai sót trong việc in sao đề thi tại Cơ sở in sao đề thi của trường đại học Quy Nhơn, đã in sai 01 câu trong tổng số 50 câu của đề thi trắc nghiệm môn Vật lý so với đề thi của Bộ trong đợt thi đại học khối A.
- Công tác tập huấn của một số trường chưa kĩ, một số cán bộ coi thi còn chủ quan, có hiện tượng cán bộ coi thi chưa nắm vững các quy định của Quy chế, nghiệp vụ coi thi yếu, dẫn đến sai sót và bị xử lý kỷ luật;
- Mặc dù số thí sinh bị xử lý kỷ lụât do vi phạm quy chế thi giảm so với năm 2008, nhưng hình thức đình chỉ thi vẫn chiếm 74%, chủ yếu do mang điện thoại di động vào phòng thi, nguyên nhân một phần do thí sinh cố tình vi phạm kỉ luật thi, một phần do Hội đồng tuyển sinh các trường thiếu nơi trông giữ đồ đạc cho thí sinh hoặc cán bộ coi thi chưa nhắc nhở, kiểm tra kĩ thí sinh trước khi vào phòng thi.
Rút kinh nghiệm những hạn chế trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung chỉ đạo các trường cao đẳng thi đợt III vào 2 ngày 15 và 16 tháng 7 năm 2009 để đạt kết quả tốt.
Công tác tuyển sinh đại học luôn là một trong những vấn đề được cả xã hội quan tâm và luôn được đánh giá là kì thi nghiêm túc nhất. Có được những kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự cố gắng của các đại học, học viện, các trường đại học trên phạm vi cả nước, sự giúp đỡ và phối hợp của các Bộ, Ngành, địa phương, lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện đã bảo đảm các điều kiện cần thiết cho kì thi diễn ra trong trật tự, an toàn; Bên cạnh đó là sự đóng góp rất lớn của đội ngũ đông đảo phóng viên, biên tập viên các đài, báo và các cơ quan thông tấn Trung ương và địa phương đã phản ánh trung thực, kịp thời những thông tin liên quan đến hai đợt thi tuyển sinh đại học vừa qua; cũng như việc tuyên truyền, tư vấn và những đánh giá khách quan, công bằng đã góp phần tạo nên thành công của hai đợt thi đại học vừa qua.
Nơi nhận: - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân (để báo cáo); - VPCP (để báo cáo); - Uỷ ban VHGDTTNNĐ của QH (Để báo cáo); - Ban Tuyên giáo TW (để báo cáo); - Các Thứ trưởng; - Ban chỉ đạo TS ĐH, CĐ 2008 (để th/h); - Các báo, đài; - Lưu: VT, Vụ GDĐH.
| KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG (Đã ký)
Phạm Vũ Luận |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây