Báo cáo 4302/BGDĐT-VP của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình học sinh phổ thông bỏ học và các giải pháp khắc phục

thuộc tính Báo cáo 4302/BGDĐT-VP

Báo cáo 4302/BGDĐT-VP của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình học sinh phổ thông bỏ học và các giải pháp khắc phục
Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:4302/BGDĐT-VP
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Báo cáo
Người ký:Nguyễn Vinh Hiển
Ngày ban hành:16/05/2008
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
 
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

Số: 4302/BGDĐT-VP

V/v Báo cáo tình hình học sinh phổ thông bỏ học và các giải pháp khắc phục

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2008

 

 

Kính gửi: Các Đại biểu Quốc hội khoá XII

 

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm của các Đại biểu Quốc hội về tình hình học sinh phổ thông bỏ học và đề nghị Bộ nêu rõ các giải pháp khắc phục. Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo với Đại biểu Quốc hội khoá XII như sau:

1. Tình trạng bỏ học của học sinh

Việc học sinh bỏ học hàng năm là một thực tế đã diễn ra từ nhiều năm nay. Trong báo cáo (sách) thống kê giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều công bố các số liệu này. Học sinh phổ thông bỏ học được ngành giáo dục hiện nay tính là số học sinh không học tiếp lên lớp trên hoặc không học lại lớp cũ, bao gồm các học sinh nghỉ học hệ phổ thông nhưng chuyển sang học hệ bổ túc văn hoá, học nghề hay đi làm hoặc không học gì tiếp và cũng không đi làm. Với mục tiêu phổ cập tiểu học và THCS thì trong số học sinh bỏ học nói trên, ngành giáo dục phải quan tâm trước tiên đến số học sinh trong độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi bỏ học mà không học tiếp ở hệ bổ túc, và đối với học sinh ở tuổi từ 15 đến 17 bỏ học mà không học tiếp hệ bổ túc, không học nghề, TCCN, hoặc không đi làm với công việc ổn định, gọi chung là bỏ học “tiêu cực”. Tuy nhiên, trong thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay, chưa phân biệt được số học sinh bỏ học “tiêu cực” và số học sinh bỏ học nhưng lại học tiếp ở các hệ khác hoặc có việc làm ổn định. Theo đó trong các năm học 2003 - 2004, 2004 - 2005 và 2005 - 2006 bình quân hàng năm cả nước có hơn 850.000 học sinh tiểu học và trung học bỏ học, chiếm hơn 5% tổng số học sinh phổ thông (năm 2006 có 16,372 triệu học sinh). Mặc dù trong 3 năm học nói trên, các điều kiện học tập đã được cải thiện (ngành và các địa phương đã triển khai xây dựng thêm các phòng học, trường học mới, tăng cường thiết bị, thí nghiệm, đồ dùng học tập), song tỷ lệ học sinh bỏ học không giảm.

Năm học 2006 - 2007, toàn ngành triển khai cuộc vận động hai không: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Thực chất cuộc vận động này là một sự thảo luận, trao đổi rộng rãi, là cuộc vận động trong giáo viên, cha mẹ học sinh, lãnh đạo đảng và chính quyền các địa phương và trong học sinh để thống nhất nhận thức: Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp cho các em học sinh có được tri thức, kĩ năng và hành vi cần thiết để làm người công dân tốt, để có thể học lấy một nghề, làm việc có hiệu quả, nuôi lấy bản thân, giúp đỡ gia đình và có ích cho xã hội. Nếu hệ thống giáo dục của chúng ta, cùng với nỗ lực của bản thân các em học sinh và hỗ trợ của gia đình, xã hội không đem lại cho các em năng lực vào đời như vậy, thì dù các em có được những học bạ với điểm số đẹp, có những bằng tốt nghiệp THPT bởi tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, thì sau đó các em cũng không có được ý chí phấn đấu, ý thức tự vươn lên cần thiết và cũng không học được lấy một nghề đòi hỏi phải có trình độ thật của bằng cấp mà các em có. Cách dạy và học như vậy là một sự lãng phí rất lớn về thời gian, tiền bạc, sức lực của các thầy cô, cha mẹ học sinh, của các em và của xã hội. Thực tế đã chỉ ra rằng, qua một năm thực hiện cuộc vận động “Hai không”, ý thức chăm lo cho việc học tập của cha mẹ, của thầy cô giáo, của bản thân các em, của các cấp uỷ và chính quyền địa phương đã được tăng cường hơn. Thay vì quan tâm quá nhiều đến thành tích học tập loại giỏi, loại khá của học sinh thì giờ đây cả xã hội và gia đình, nhà trường quan tâm nhiều hơn tới các học sinh yếu kém.

Đây chính là một lý do căn bản có tác dụng hạn chế số học sinh bỏ học của năm học 2006 - 2007 và các năm sau.

Theo báo cáo của các tỉnh, số học sinh bỏ học (bao gồm cả những học sinh chuyển sang học BTVH, học sinh học chuyển trường, học sinh chuyển sang học nghề dài hạn hoặc TCCN, học nghề ngắn hạn để vào lao động trong các doanh nghiệp…) trong học kì I của 4 năm học gần đây như sau: Năm học 2004 - 2005 là 137.953 (chiếm 0,80%); Năm học 2005 - 2006 là 154.751 (chiếm 0,92%); Năm học 2006 - 2007 là 148.082 (chiếm 0,9%) và năm học 2007 - 2008 là 142.187 (chiếm 0,9%).

Sau đó, đến thời điểm 31/3/2008, tổng số học sinh phổ thông bỏ học là 147.005/15.710.060 học sinh, chiếm 0,94%; trong đó học sinh cấp tiểu học bỏ học là 19.217/6.863.205 học sinh, chiếm 0,28%; học sinh THCS bỏ học là 66.205/5.794.236 học sinh, chiếm 1,14%; học sinh THPT bỏ học là 61.583/3.052.620 học sinh, chiếm 2,02%.

Bảng sau cho biết số lượng và tỉ lệ học sinh bỏ học học kì I các năm (thôi học phổ thông nhưng đi học bổ túc, học nghề, học TCCN, đi làm ở các khu công nghiệp, thôi học ở nhà không có việc làm thường xuyên, ...).

 

TT

 

Chỉ tiêu

 

Năm học

2004 - 2005

(Tính đến 31/1/2005)

Năm học

2005 - 2006

(Tính đến 31/1/2006)

Năm học

2006 - 2007

(Tính đến 31/1/2007)

Năm học

2007 - 2008

(Tính đến 31/3/2008)

Tổng số học sinh

Tỷ lệ %

Tổng số học sinh

Tỷ lệ %

Tổng số học sinh

Tỷ lệ %

Tổng số học sinh

Tỷ lệ %

1

Tổng số HS đầu năm học

17.246.299

 

16.792.674

 

16.372.049

 

15.710.061

 

2

Tổng số HS bỏ học

137.953

0,80

154.751

0,92

148.082

0,90

147.005

0,94

2.1

HS tiểu học bỏ học

35.572

0,46

42.365

0,58

25.296

0,36

19.217

0,28

2.2

HS THCS bỏ học

58.442

0,88

64.626

1,00

74.487

1,20

66.205

1,14

2.3

HS THPT bỏ học

43.939

1,57

47.760

1,58

48.297

1,55

61.583

2,02

 

Như vậy, có thể nhận định rằng về tổng thể việc học sinh bỏ học năm học 2007 - 2008 không có thay đổi đáng kể (tỉ lệ bỏ học đến 31/1/2006 là 0,92%; 31/1/2007 là 0,9%; đến 31/1/2008 là 0,9%; 31/3/2008 là 0,94%. Tuy nhiên, vẫn rất cần tìm hiểu cụ thể các nguyên nhân bỏ học để khắc phục, đặc biệt là ở các tỉnh có số học sinh bỏ học năm học 2007-2008 cao hơn đáng kể so với năm học trước, nhằm giảm thiểu số học sinh bỏ học đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục trong những năm sau (Học kì I năm học 2007-2008, số học sinh bỏ học của Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 1/3 số học sinh bỏ học trong cả nước).

2. Nguyên nhân của việc học sinh bỏ học

2.1. Một số cha mẹ học sinh thiếu quan tâm động viên, hỗ trợ việc học tập của các em, nên khi học sinh học yếu kém, cộng với các điều kiện không thuận lợi khác thì các em bỏ học (đi học xa, thiếu ăn, thiếu quần áo, chương trình học nặng, thầy cô dạy chưa tốt,…).

2.2. Sự thiếu quan tâm của một số cấp uỷ, chính quyền địa phương về hỗ trợ, khắc phục khó khăn về kinh tế của gia đình (thiếu ăn, không có xe đạp đi học xa, thiếu quần áo, đồ dùng học tập), trường lớp tạm bợ, không có nhà công vụ cho giáo viên, nợ lương giáo viên.

2.3. Ngành Giáo dục và Đào tạo chưa sâu sát, chưa đánh giá đúng chất lượng giáo dục, nhiều địa phương còn chạy theo thành tích, chấp nhận tiêu cực trong thi cử để có “thành tích” phổ cập, thành tích tỉ lệ lên lớp cao, nên đã để một bộ phận học sinh không đạt chuẩn học tập của lớp đang học vẫn được lên lớp, làm các em vừa mất căn bản kéo dài, vừa thiếu ý chí phấn đấu vươn lên, từ đó chán học, bỏ học, nhất là khi việc thi, kiểm tra nghiêm túc hơn qua cuộc vận động “Hai không”.

2.4. Ở những vùng khó khăn hệ thống trường lớp chưa phát triển, các em đi học quá xa, phải qua đò, qua sông suối; có nơi học sinh vừa phải mang sách vở vừa mang cả gạo, ngô, củi đến trường để nấu ăn.

2.5. Hoàn cảnh gia đình nhiều em quá khó khăn, không đủ ăn, không đủ quần áo ấm mùa đông, không đóng được các khoản tiền thu ngoài học phí nên các em ngại đi học.

2.6. Chương trình học ở một số môn còn nặng, cách giảng dạy và kiểm tra nhiều môn còn nặng về đọc chép, học thuộc lòng để đối phó thi, kiểm tra. Trình độ giáo viên còn hạn chế, nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức hỗ trợ các em học yếu kém, nên các em học yếu ngày càng yếu hơn, chán học, bỏ học.

2.7. Do nhu cầu lao động theo mùa vụ của gia đình, một số học sinh THCS và THPT bỏ học để giúp gia đình, sau đó đi học lại, gặp khó khăn, bỏ học luôn.

2.8. Do ngày càng có nhiều khu công nghiệp, thu nhập do đi làm ở các khu công nghiệp cao hơn so với đi làm ở nông thôn, yêu cầu văn hoá, tay nghề lại không cao (các nghề giản đơn) nên một số học sinh vốn học tập không khá, bỏ học để đi làm (có thể đây là một sự phân luồng tự nhiên).

2.9. Các học sinh có học lực vừa phải, không muốn học tiếp ở hệ phổ thông, mà chuyển sang học hệ bổ túc văn hoá, hoặc học nghề hay học TCCN. Đây là một sự phân luồng cần thiết.

2.10. Khi một số địa phương gặp thiên tai (bão lụt, rét đậm kéo dài) các em phải nghỉ học tạm thời, cộng với điều kiện gia đình khó khăn hơn do thiên tai (mất nhà cửa, thiếu ăn) nên các em bỏ học luôn.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT cả nước năm học 2006 - 2007 với tỉ lệ đỗ (lần 1) là 66,7%, giảm rất nhiều so với 93% của năm học trước, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với rất nhiều địa phương. Có 11 tỉnh, tỉ lệ tốt nghiệp dưới 50%, cá biệt có tỉnh chỉ có 16% học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT (lần 1). Trước thực tế đó, ngay trong hè và cuối năm 2007, nhiều Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có nghị quyết mới về giáo dục đào tạo, đặc biệt là có các giải pháp chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Đây chính là một lý do cơ bản cho phép dự báo là xét trên phạm vi chung toàn quốc, việc học sinh bỏ học do thiếu sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền và xã hội trong năm học 2007 - 2008 sẽ có xu hướng giảm.

Bước vào năm học 2007 - 2008, qua cuộc vận động “Hai không” từ năm học trước, sự quan tâm của gia đình, của xã hội và của các em với việc học tập đã tiếp tục được nâng lên, các nhà trường, các thầy cô giáo đã tổ chức giúp đỡ học sinh yếu kém hiệu quả hơn. Đây là các yếu tố có tác dụng tích cực, làm giảm bỏ học. Tỉ lệ hộ nghèo trong cả nước ngày càng giảm (cho đến cuối năm 2007) cũng làm giảm áp lực bỏ học vì lý do đói nghèo. Hệ thống trường lớp ngày càng được phát triển tốt hơn, khoảng cách đi học bình quân giảm dần, cũng giảm áp lực gây bỏ học. Các trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ sở dạy nghề, TCCN đang ngày càng phát triển, thu hút thuận lợi hơn các học sinh tốt nghiệp THCS và đã học THPT. Một số yếu tố khác như: chương trình học tập còn nặng, phương pháp của giáo viên chưa phù hợp, nhu cầu giúp gia đình lao động thời vụ chưa được cải thiện vẫn tác động tiêu cực đến việc bỏ học. Bên cạnh đó, sự hấp dẫn vào các khu công nghiệp ngày càng tăng.

Như vậy, về tổng thể, trong 10 nguyên nhân thường xuyên ảnh hưởng đến việc bỏ học của số đông học sinh, thì 5 nguyên nhân (2.1; 2.2; 2.3; 2.4 và 2.5) đang được cải thiện theo hướng làm giảm bỏ học, 2 nguyên nhân (2.6; 2.7) chưa thể cải thiện nhanh, tiếp tục tác động tiêu cực đến việc bỏ học. Các cơ hội phân luồng từ THCS ngày càng tiến bộ hơn (học bổ túc văn hoá, học nghề, TCCN và cơ hội việc làm ở các khu công nghiệp tăng hơn) tuy gây ra bỏ học theo cách thống kê hiện nay, song không đáng lo ngại và nhìn chung là tốt. Như vậy, có thể dự báo năm học 2007 - 2008 nếu tình hình chung tương tự như năm học 2006-2007 thì về tổng thể trong cả nước, việc bỏ học “tiêu cực” sẽ có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, năm 2008 đã xuất hiện 3 yếu tố mới có tác động làm tăng việc bỏ học là: bão, lụt cuối tháng 12/2007, đầu năm 2008 ở một số tỉnh miền Trung (Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Bình,...), rét đậm kéo dài ở các tỉnh miền Bắc và lạm phát cao từ đầu năm 2008 đã làm cho đời sống của bộ phận dân cư nghèo và cận nghèo ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Ở một số huyện, tỉnh, bị ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai vừa qua, việc bỏ học đến đầu năm 2008 có thể tăng so với năm học trước. Còn ảnh hưởng của lạm phát đến đời sống của nhân dân và hậu quả của nó đối với việc bỏ học thì cần phải có thời gian mới đánh giá chính xác được, tuy nhiên xu hướng tác động tiêu cực đến việc bỏ học thì đã rõ.

Bước vào đầu năm học 2007 - 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tất cả các địa phương, các trường cần tiếp tục triển khai quyết liệt cuộc vận động “Hai không”, bổ sung 2 nội dung mới là: Nói không với việc ngồi sai lớp và nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo. Đầu năm học các trường đã  kiểm tra, đánh giá đúng trình độ học sinh để xếp lớp và có kế hoạch phụ đạo học sinh yếu kém. Trong giao ban giữa lãnh đạo Bộ và tất cả 64 tỉnh, thành tháng 01/2008, Bộ đã yêu cầu các tỉnh thống kê, rà soát chính xác số học sinh bỏ học, báo cáo lãnh đạo các tỉnh, thành để có các giải pháp phù hợp ở các trường và các tỉnh, thành nhằm khắc phục việc học sinh bỏ học.

Hiện nay năm học 2007 - 2008 chưa kết thúc nên chưa đánh giá chính xác số học sinh bỏ học và chưa phân loại việc bỏ học.

3. Giải pháp khắc phục bỏ học "tiêu cực"

3.1. Ngoài Chỉ thị số 39/2007/CT-BGDĐT ngày 31/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp và các trường, khoa sư phạm trong năm học 2007 - 2008, tháng 01/2008, Bộ đã yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo tiếp tục rà soát số học sinh bỏ học, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học trong thời gian qua, đề ra giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học trong thời gian tới. Căn cứ vào tình hình học sinh bỏ học ở từng xã, phường, thôn, bản để phối hợp với chính quyền địa phương xác định rõ trách nhiệm của nhà trường, các ban, ngành, đoàn thể và cha mẹ học sinh đối với việc học tập của học sinh, đồng thời tiếp tục vận động học sinh bỏ học trở lại trường.

3.2. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình tại 19 tỉnh có tỷ lệ học sinh bỏ học cao trong tháng 3 và tháng 4/2008 do Bộ trưởng và các Thứ trưởng phụ trách  (Trà Vinh, Tuyên Quang, Cà Mau, Yên Bái, Hà Giang, Kiên Giang, Kon Tum, Đắk Lắk, Lai Châu, Nghệ An, An Giang, Quảng Nam, Hậu Giang, Sóc Trăng, Hoà Bình, Điện Biên, Gia Lai, Sơn La, Bình Phước), để xác định các nguyên nhân gây bỏ học và cùng phối hợp triển khai các biện pháp khắc phục.

3.3. Tại Công văn số 1678/BGDĐT-VP ngày 04/3/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương tổ chức đánh giá sự phù hợp của sách giáo khoa phổ thông trên cả nước. Theo đó, sau khi đã đánh giá sách giáo khoa ở tất cả các tỉnh thành, ngày 18/5/2008, Bộ sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về sách giáo khoa năm 2008. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những hướng dẫn mới về việc sử dụng sách giáo khoa và tổ chức giảng dạy. Đây là một giải pháp rất quan trọng để giảm tải và nâng cao hiệu quả việc dạy và học, có tác dụng làm giảm nguy cơ bỏ học.

3.4. Ngay từ đầu năm học 2007 - 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các nhà trường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, dạy học linh hoạt, sát đối tượng, đổi mới kiểm tra đánh giá, thực hiện phân loại học sinh một cách đúng thực chất; lựa chọn giáo viên có trách nhiệm, trình độ chuyên môn tốt phụ đạo cho học sinh yếu kém trong năm học và trong hè, đặc biệt là quan tâm đến học sinh lớp 5, lớp 9 và học sinh thi trượt tốt nghiệp THPT lần 1 để có đủ kiến thức tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2. Thực tế, học kì I và đầu học kì II của năm học này, hầu hết các tỉnh, thành phố đã triển khai đồng bộ hơn, cụ thể hơn, hiệu quả hơn việc bồi dưỡng học sinh yếu kém.

3.5. Tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình kiến cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 (ngày 02/4/2008) và hoàn thành việc phân bổ kinh phí 4.000 tỉ đồng của năm 2008 cho các địa phương cùng với văn bản hướng dẫn, nhằm mục tiêu xóa bỏ các phòng học 3 ca, phòng học tạm thời các loại, giải quyết nhà công vụ cho giáo viên ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn....

3.6. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về giáo dục dân tộc ngày 18/4/2008, nhằm đánh giá tình hình giáo dục ở các vùng đông đồng bào dân tộc, xác định các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô của giáo dục ở vùng có đông đồng bào dân tộc. Các giải pháp đã được xác định và đang triển khai là: xây dựng và triển khai đề án thực hiện phổ cập mầm non 5 tuổi, mở rộng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, ưu tiên đầu tư thực hiện kiên cố hoá trường học, lớp học, xây nhà công vụ cho các vùng khó khăn, nghiên cứu đề xuất phương án dạy tiếng Việt và dạy học bậc Tiểu học một cách phù hợp, có hiệu quả đối với thực tế khác nhau ở các vùng có đông đồng bào dân tộc.

3.7. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam và Hội khuyến học Việt Nam từ 17/3/2008 thực hiện chương trình “Thắp sáng tương lai” để giới thiệu gương các học sinh nghèo vượt khó học giái, điển hình nhà trường, xã hội, các địa phương quan tâm phát triển giáo dục ở vùng khó khăn, phát sóng vào 21giờ 35 phút, thứ Hai hàng tuần trên kênh VTV1.

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội phổ biến rộng rãi, áp dụng triệt để các chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo và học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn đã được ban hành, hỗ trợ thực hiện phổ cập giáo dục THCS; phối hợp với Hội Khuyến học, Cựu giáo chức, Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCSHCM triển khai các hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn có thêm cơ hội đến trường như: Tổ chức cuộc vận động "Giúp bạn đến trường" nhằm quyên góp áo ấm, sách vở; phổ biến, nhân rộng các mô hình khu dân cư khắc phục tình trạng trẻ em bỏ học được Hội khuyến học, Hội Phụ nữ thực hiện thành công ở một số địa phương;

3.8. Nhằm làm cho việc đi học đến trường đem lại niềm vui cho học sinh ở các cấp học khác nhau và nâng cao hiệu quả giáo dục đối với học sinh, ngày 15/5/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động cuộc vận động xây dựng mô hình “Trường học thân thiện”. Mục đích chủ yếu và ý nghĩa quan trọng nhất của việc xây dựng "Trường học thân thiện" là nhằm tạo ra một môi trường giáo dục (cả về tinh thần và vật chất) để cho học sinh phấn khởi, hứng thú khi đến trường học tập, trong đó có việc tổ chức các hoạt động vui chơi tích cực, phù hợp với lứa tuổi của học sinh và tổ chức các hoạt động xã hội gắn với cuộc sống văn hóa tinh thần ở địa phương.

Trong dịp tổng kết năm học 2007 - 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các tỉnh, cùng các tổ chức đoàn thể xã hội sẽ có tổng kết, đánh giá sâu về việc bỏ học "tiêu cực" của học sinh để tiếp tục phát huy sức mạnh của toàn xã hội, toàn ngành khắc phục trong các năm học tới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng cảm ơn sự quan tâm và đóng góp của các Đại biểu Quốc hội nhằm hạn chế, giảm đến mức thấp nhất hiện tượng học sinh bỏ học “tiêu cực” trong thời gian tới./.

           

Nơi nhận:

- Như trên;

- VPTW Đảng, Ban tổ chức TW, Ban Tuyên giáo TW;

- VP Chủ tịch nước, VP Quốc hội, VP Chính phủ;

- Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội;

- Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH;

- Ban công tác đại biểu thuộc UBTVQH;

- Hội Khuyến học VN, Hội Cựu giáo chức;

- Bộ trưởng và các Thứ trưởng;

- Website Bộ GD&ĐT;

- Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ;

- Lưu: VT, TH.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

(Đã ký)

 

 

 

Nguyễn Vinh Hiển

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất