Dự thảo Thông tư về lựa chọn đồ chơi, học liệu sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư

Dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non
Lĩnh vực: Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề Loại dự thảo:Thông tư
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Giáo dục và Đào tạoTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Khoản 3 Điều 25 Chương trình giáo dục mầm non Luật giáo dục số 43/2019/QH ngày 14/06/2019.

Tải Thông tư

Tải dự thảo tiếng Việt (.doc)@Thông tư DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

---------

Số: /2020/TT-BGDĐT

DỰ THẢO

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

------------

Hà Nội, ngày tháng năm 2020

 

 

THÔNG TƯ

Quy định việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các

 cơ sở giáo dục mầm non

 

Căn cứ Luật giáo dục ngày 27 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

 Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non.

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Khoản 3 Điều 25 Chương trình giáo dục mầm non Luật giáo dục số 43/2019/QH ngày 14 tháng 06 năm 2019.

2. Thông tư này áp dụng đối với trường mầm non, lớp mầm non độc lập, trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập, nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập (sau đây gọi là cơ sở giáo dục mầm non); các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Đồ chơi trẻ em mầm non

a) Đồ chơi trẻ em mầm non: là sản phẩm hoặc vật liệu bất kỳ được thiết kế hoặc được nêu rõ nhằm phục vụ cho các hoạt động giáo dục trẻ mầm non (sau đây gọi là đồ chơi).

b) Đồ chơi trong cơ sở giáo dục mầm non bao gồm đồ chơi trong lớp học; đồ chơi ngoài lớp học trong phạm vi khuôn viên cơ sở giáo dục mầm non.

c) Đồ chơi tự tạo: là đồ chơi do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài cơ sở giáo dục mầm non tự làm phục vụ cho các hoạt động chăm sóc và giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non.

2. Học liệu trẻ em mầm non

a) Học liệu trẻ em mầm non: là các phương tiện vật chất lưu giữ, mang hoặc phản ánh nội dung giáo dục mầm non nhằm phục vụ cho các hoạt động giáo dục trẻ mầm non (sau đây gọi là học liệu).

b) Học liệu dạng xuất bản phẩm là học liệu được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản gồm: tài liệu in, tài liệu chữ nổi, tranh, ảnh, ảnh dạng thẻ và học liệu điện tử (là tài liệu học tập được số hóa theo một cấu trúc định dạng và kịch bản nhất định, được lưu trữ trên các thiết bị điện tử như CD, USB, máy tính, mạng máy tính nhằm phục vụ cho việc học của trẻ em mầm non. Dạng thức số hóa có thể là văn bản (text), bảng dữ liệu, âm thanh, hình ảnh, video, phim hoạt hình, bài giảng điện tử, phần mềm máy tính và hỗn hợp các dạng thức nói trên).

c) Học liệu tự tạo là học liệu do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài cơ sở giáo dục mầm non tự làm phục vụ cho các hoạt động chăm sóc và giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non.

Điều 3. Mục đích quy định việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non

1. Làm căn cứ để lựa chọn, sử dụng đồ chơi, học liệu trong cơ sở giáo dục mầm non.

2. Làm căn cứ để các cấp quản lý kiểm tra, giám sát việc đề xuất, lựa chọn, sử dụng đồ chơi, học liệu trong cơ sở giáo dục mầm non; xét duyệt các đề xuất từ cơ sở giáo dục mầm non về đồ chơi, học liệu trẻ em mầm non.

 

CHƯƠNG II

YÊU CẦU VÀ TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỒ CHƠI, HỌC LIỆU

ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG  CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON

 

Điều 4. Yêu cầu đối với đồ chơi được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non

1. Tính an toàn của đồ chơi

a) Đồ chơi đảm bảo an toàn theo các quy định hiện hành của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ về an toàn đồ chơi trẻ em.

b) Đồ chơi đảm bảo các quy định hiện hành về tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

c) Đồ chơi ghi rõ có thông tin về bản quyền (tem, nhãn mác, nơi nhập khẩu; nơi sản xuất; hạn sử dụng; cách lắp đặt; bảo quản…); có giấy chứng nhận hợp quy còn thời hạn hiệu lực; gắn dấu hợp quy theo quy định.

2. Tính thẩm mỹ của đồ chơi

a)  Đảm bảo tính thẩm mỹ, màu sắc hài hòa, chuẩn màu, sinh động.

b) Bố cục hợp lý, cân đối, hình dạng bề ngoài sinh động, hấp dẫn, kích thích hứng thú trẻ.

c) Đảm bảo kích cỡ, trọng lượng phù hợp với thể chất và khả năng sử dụng của trẻ (dễ chơi, dễ di chuyển).

d) Dễ dàng kết nối, lắp ghép, lồng, xếp các chi tiết tách rời.

3. Đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non

a) Phù hợp với nội dung Chương trình giáo dục mầm non và các hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non; giúp trẻ phát triển các lĩnh vực thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội.

b) Phù hợp với xu thế hội nhập, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp hoặc áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến trong việc phát triển Chương trình  giáo dục mầm non.

c) Đồ chơi không chứa đựng nội dung bạo lực, thông tin xuyên tạc, kì thị về chính trị, tôn giáo, sắc tộc, giới tính.

d) Đồ chơi được thiết kế có tính năng kích thích phát triển thể chất, tư duy, sáng tạo; phù hợp với nhu cầu và phát triển của từng độ tuổi. 

e) Hỗ trợ trẻ có nhu cầu đặc biệt bao gồm các nhu cầu về thể chất, giác quan và học tập.

4. Đối với đồ chơi tự tạo

a) Đồ chơi tự tạo đảm bảo các quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 4 Thông tư này.

b) Đồ chơi tự tạo nhằm mục đích phục vụ cho các hoạt động giáo dục trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non; đảm bảo tính hiệu quả giáo dục.

c) Đồ chơi tự tạo từ các nguyên liệu, vật liệu đảm bảo vệ sinh, an toàn, không gây độc hại cho người sử dụng. Không sử dụng đồ chơi tự làm từ nhựa tái chế và hạn chế sử dụng đồ chơi tự làm từ sản phẩm nhựa dùng 1 lần.

Điều 5. Yêu cầu đối với học liệu được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non

1. Tính an toàn của học liệu

a) Học liệu xuất bản phẩm được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non cần có tem, nhãn mác, ghi rõ các thông tin trên xuất bản phẩm theo quy định Luật xuất bản; không vi phạm các quy định của pháp luật.

b) Học liệu xuất bản phẩm theo hình thức dịch, xuất bản ở nước ngoài phải có giấy chứng nhận thẩm định theo Luật xuất bản.

c) Đối với học liệu xuất bản phẩm điện tử: có giải pháp quản lý thời gian sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi.

d) Đối với học liệu tự tạo: đảm bảo vệ sinh, an toàn, không gây độc hại; thân thiện với môi trường; không sử dụng các nguyên liệu, vật liệu từ nhựa tái chế và hạn chế sử dụng học liệu tự làm từ sản phẩm nhựa dùng 1 lần.

2. Tính thẩm mỹ của học liệu

a) Hình thức học liệu (kích cỡ, số lượng chữ trong từng trang, số trang, cỡ chữ, thời gian sử dụng...) phù hợp với từng độ tuổi.

a) Màu sắc tươi sáng, chuẩn màu; âm thanh và lời thoại rõ ràng, không sử dụng âm thanh có cường độ mạnh.

c) Ngôn ngữ sử dụng quen thuộc, gần gũi, phù hợp với văn hóa địa phương.

3. Đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non

a) Học liệu có nội dung phù hợp với sự phát triển của từng độ tuổi; kích thích phát triển tư duy, tưởng tượng, sáng tạo, khả năng quan sát và tham gia hoạt động của trẻ.

b) Học liệu có nội dung phù hợp với từng lĩnh vực phát triển giáo dục trong Chương trình giáo dục mầm non.

c) Nội dung đảm bảo tính chính xác, phản ánh các sự vật, hiện tượng gần gũi với cuộc sống của trẻ. Các nội dung trong một học liệu phải có sự liên quan, logic, hỗ trợ nhau.

d) Học liệu không trái với văn hóa, lịch sử, địa lý và thuần phong mĩ tục của Việt Nam; không chứa đựng nội dung bạo lực, chiến tranh, thông tin xuyên tạc, kì thị về chính trị, tôn giáo, sắc tộc, giới tính.

e) Học liệu có các yêu cầu cụ thể, dễ tổ chức hoạt động giáo dục, quan sát, đánh giá, hỗ trợ trẻ; phù hợp với phát triển Chương trình giáo dục mầm non.

f) Phù hợp với xu thế hội nhập, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp hoặc áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến trong việc phát triển Chương trình  giáo dục mầm non.

g) Đối với học liệu tự tạo: Khuyến khích tận dụng nguyên liệu, vật liệu thiên nhiên; mang tính mở, kích thích nhu cầu, hứng thú và tham gia hoạt động; phù hợp với văn hóa vùng miền. 

Điều 6. Căn cứ lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non

1. Yêu cầu đối với đồ chơi, học liệu trẻ em mầm non được quy định tại Điều 4,5 Thông tư này.

2. Nhu cầu thực tế, phát triển Chương trình giáo dục mầm non và kế hoạch năm học của cơ sở giáo dục mầm non.

Điều 7. Tiêu chí lựa chọn đồ chơi, học liệu

1. Đồ chơi có trong danh mục thiết bị dạy học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thực hiện theo các quy định hiện hành.

2. Đồ chơi không có trong danh mục thiết bị dạy học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và học liệu được lựa chọn theo các tiêu chí sau:

a) Đồ chơi, học liệu đảm bảo các yêu cầu được quy định tại Điều 4, 5 Thông tư này.

b) Đồ chơi, học liệu phù hợp với điều kiện thực tế: về vật chất (địa điểm, không gian xếp đặt…); về nguồn lực (khả năng khai thác, sử dụng, ứng dụng đồ chơi của cán bộ quản lý và giáo viên…).

c) Đồ chơi, học liệu đáp ứng việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non; phát triển Chương trình giáo dục mầm non; kế hoạch thực hiện năm học; kế hoạch thực hiện chuyên đề hằng năm.

 

CHƯƠNG III

TỔ CHỨC LỰA CHỌN  ĐỒ CHƠI, HỌC LIỆU

 

Điều 8. Hội đồng lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non

1. Hội đồng lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non (sau đây gọi là Hội đồng) do người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non tổ chức lựa chọn đồ chơi, học liệu trẻ em mầm non.

2. Hội đồng bao gồm: người đứng đầu hoặc cấp phó người đứng đầu, tổ/nhóm trưởng chuyên môn, đại diện giáo viên các nhóm/lớp, đại diện Ban đại diện cha mẹ trẻ. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 9 (chín) người. Đối với cơ sở giáo dục mầm non dưới 5 (năm) nhóm/lớp số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 5 (năm) người.

3. Hội đồng có nhiệm vụ lựa chọn, đề xuất danh mục đồ chơi, học liệu được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Thông tư.

4. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, minh bạch. Kết quả mỗi cuộc họp của Hội đồng được lập thành biên bản. Biên bản phải có chữ ký của các thành viên trong Hội đồng. 

Điều 9. Quy trình lựa chọn đồ chơi, học liệu

1. Các cơ sở giáo dục mầm non căn cứ vào yêu cầu, tiêu chí lựa chọn đồ chơi, học liệu; kế hoạch thực hiện năm học; kế hoạch thực hiện chuyên đề hằng năm; thực tiễn các hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ, tiến hành rà soát, phân loại đồ chơi, học liệu hiện có. Trên cơ sở danh mục đồ chơi, học liệu do giáo viên và cán bộ quản lý đề xuất, người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non tổ chức Hội đồng lựa chọn đồ chơi, học liệu. Danh mục đồ chơi, học liệu được đề xuất lựa chọn có chữ ký của tổ/nhóm trưởng chuyên môn và đại diện giáo viên các nhóm/lớp.

2. Hội đồng tổ chức họp, thảo luận, đánh giá đồ chơi, học liệu trên cơ sở danh mục đồ chơi, học liệu được đề xuất. Danh mục đồ chơi, học liệu được lựa chọn phải đạt trên 1/2 (một phần hai) số thành viên Hội đồng tán thành lựa chọn. Trường hợp danh mục đồ chơi, học liệu được lựa chọn không đạt trên 1/2 (một phần hai) số thành viên Hội đồng tán thành lựa chọn, Hội đồng thảo luận, phân tích các đồ chơi, học liệu và lựa chọn lại. Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non thành biên bản, có chữ ký của các thành viên trong Hội đồng.

3. Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non danh mục đồ chơi, học liệu đã được Hội đồng lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non.

4. Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non phê duyệt danh mục đồ chơi, học liệu được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non; lập kế hoạch mua sắm, đề xuất với cơ quan quản lý cấp trên; tự làm đồ chơi, học liệu.

 

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 10. Trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo

1. Hướng dẫn, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tổ chức rà soát, lựa chọn, khai thác, sử dụng có hiệu quả đồ chơi, học liệu theo quy định trong Thông tư đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý.

2. Đình chỉ việc sử dụng những đồ chơi, học liệu có nội dung không phù hợp với các quy định hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật tại cơ sở giáo dục mầm non; báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời.

3. Xử lý theo thẩm quyền đối với những cơ sở giáo dục mầm non, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Thông tư này. Tổng hợp và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo kết quả lựa chọn, khai thác, sử dụng đồ chơi, học liệu trong cơ sở giáo dục mầm non thuộc thẩm quyền quản lý.

Điều 11. Trách nhiệm của phòng giáo dục và đào tạo

1. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức rà soát, lựa chọn, khai thác, sử dụng có hiệu quả đồ chơi, học liệu trong các cơ sở giáo dục mầm non thuộc thẩm quyền quản lý.

2. Tổng hợp và báo cáo sở giáo dục và đào tạo kết quả lựa chọn, sử dụng đồ chơi, học liệu trong cơ sở giáo dục mầm non thuộc thẩm quyền quản lý.

Điều 12. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục mầm non

1. Tổ chức lựa chọn, khai thác, sử dụng đồ chơi, học liệu theo quy định tại Thông tư này; báo cáo phòng giáo dục và đào tạo kết quả lựa chọn đồ chơi, học liệu; chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý giáo dục, cha mẹ/người chăm sóc trẻ về quyết định lựa chọn, khai thác, sử dụng đồ chơi, học liệu.

2. Cán bộ quản lý và giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non khai thác, sử dụng hiệu quả đồ chơi, học liệu đã được lựa chọn trong tổ chức các hoạt động giáo dục; có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và chính xác đồ chơi, học liệu đã được lựa chọn với cha mẹ/người chăm sóc trẻ.

3. Trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non

a) Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý giáo dục, cha mẹ/người chăm sóc trẻ về quyết định lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Thông tư.

b) Báo cáo cơ quan quản lý cấp trên về quyết định lựa chọn đồ chơi, học liệu, kế hoạch mua sắm, trang bị đồ chơi, học liệu hằng năm và tình hình khai thác, sử dụng đồ chơi, học liệu của cơ sở giáo dục mầm non.

c) Theo định kỳ, người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non có trách nhiệm tổ chức rà soát, kiểm tra chất lượng đồ chơi, học liệu đang sử dụng; có biện pháp khắc phục, thay thế (nếu cần thiết). 

d) Thông báo cho cán bộ quản lý, giáo viên trong cơ sở giáo dục mầm non, cha mẹ/ người chăm sóc trẻ về danh mục và số lượng đồ chơi, học liệu. Tổ chức tư vấn cho cha mẹ/người chăm sóc trẻ lựa chọn, mua đồ chơi, học liệu nếu có nhu cầu riêng.

e) Đình chỉ việc sử dụng đồ chơi, học liệu có nội dung không phù hợp với các quy định tại Thông tư này hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật tại cơ sở giáo dục mầm non; Báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời; có biện pháp khắc phục, thay thế.

Điều 13: Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày        tháng       năm 2020.

Điều 14: Trách nhiệm thi hành

Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc sở giáo dục và đào tạo; Trưởng phòng giáo dục và đào tạo; Người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non; Tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

 Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;

- Văn phòng Quốc hội;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính Phủ;

- Bộ Khoa học và Công nghệ;

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- Như Điều 14;

- Công báo;

- Cổng TTĐT Chính phủ;

- Cổng TTĐT Bộ GDĐT;

- Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDMN (05 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG



 


Ngô Thị Minh

 

Ghi chú

văn bản tiếng việt

download Thông tư DOC (Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
×
×
×
Vui lòng đợi