Đây là đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nằm trong Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Ngoài nhiều đề xuất liên quan đến thay đổi tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH)…, tại Tờ trình này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự kiến thay đổi chính sách BHXH một lần.
Cụ thể, Bộ khuyến khích thực hiện bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, không hưởng BHXH một lần. Theo đó:
“Điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp, trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng thấp hơn”.
Nếu đề xuất trên được đưa vào Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi và được thông qua, người lao động sẽ chỉ được nhận BHXH một lần “khi đã hết tuổi lao động” (chưa đủ điều kiện nhận lương hưu).
Về già mới được nhận BHXH một lần? - đề xuất mới của Bộ LĐTBXH (Ảnh minh họa)
Tuổi lao động được tính từ đủ 15 tuổi đến khi đủ nghỉ hưu. Theo khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu năm 2021 là 60 tuổi 03 tháng với nam; 55 tuổi 04 tháng với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ. Đến năm 2035, tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi.
Như vậy, theo đề xuất trên, người lao động ít nhất phải ngoài 55 tuổi 04 tháng với nữ và ngoài 60 tuổi 03 tháng với nam, chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và không có nhu cầu đóng tiếp BHXH mới được rút BHXH một lần.
Ngoài đề xuất “đợi hết tuổi lao động mới được rút BHXH một lần”, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đưa ra phương án “quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận BHXH một lần thì mức hưởng thấp hơn”.
Có thể thấy, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự kiến siết rất chặt điều kiện để nhận BHXH một lần, nhằm hạn chế tình trang “gặt lúa non”, “tiêu trước tiền dưỡng già” của đại bộ phận người lao động hiện nay. Trên thực tế, người lao động rút tiền BHXH một lần sẽ bị nhiều thiệt thòi.
Đề xuất nêu trên của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 28/NQ-TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó Bộ Chính trị khẳng định:
Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, số lượng người nhận BHXH một lần tiếp tục tăng nhanh, cụ thể: Cả nước có 226.503 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều người bị mất việc làm. Theo quy định hiện nay, chỉ sau một năm nghỉ việc và tiếp tục tham gia BHXH, người lao động có thể rút BHXH một lần.