Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư về kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo đó có đề xuất cụ thể các công dân tự tra cứu thông tin của mình trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
11 thông tin của công dân được Bộ, ngành dùng chung
Khoản 4 Điều 3 Luật Căn cước công dân giải thích định nghĩa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như sau:
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo đó, những thông tin được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, tình trạng hôn nhân, nơi thường trú/tạm trú/nơi ở hiện tại, quan hệ với chủ hộ, nhóm máu...
Đây là cơ sở dữ liệu dùng chung do Bộ Công an quản lý. Và hệ thống này sẽ kết nối, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành giữa các Bộ, ngành, lĩnh vực. Được biết, hiện nay, theo thông tin của Cục Cảnh sát, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối thông tin dân cư để giải quyết thủ tục cấp thẻ bảo hiểm xã hội, xử lý vi phạm giao thông...
Và theo Điều 6 dự thảo, các Bộ, ngành, địa phương có thể sử dụng 11 dữ liệu dùng chung gồm: Nhóm máu, giới tính, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, quốc tịch, quốc gia, tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, quận huyện thị xã, xã phường thị trấn, quan hệ với chủ hộ.
Công dân tự khai thác thông tin của mình thế nào?
Điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Căn cước công dân khẳng định:
b) Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
Tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 37, Chính phủ đã quy định các hình thức khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm:
- Khai thác bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin. Thời gian giải quyết là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu. Nếu không đồng ý cho khai thác thì sẽ gửi văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
- Khai thác bằng tin nhắn.
- Khai thác qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an, Hệ thống một cửa điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh.
Tại dự thảo này, Bộ Công an đã đề xuất các thủ tục công dân tự thực hiện việc khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như sau:
* Qua tin nhắn
Căn cứ: Điều 8 dư thảo
Các bước thực hiện:
Bước 1: Vào ứng dụng nhắn tin của công dân
Bước 2: Soạn tin nhắn tới đầu số ... với cú pháp....
Bước 3: Xem kết quả hiển thị
Phí: Không mất phí nhưng phải trả phí sử dụng dịch vụ viễn thông
* Qua dịch vụ công quốc gia
Căn cứ: Điều 9 dự thảo
Các bước thực hiện:
Bước 1: Đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia
Tài khoản được cấp bởi cổng dịch vụ công quốc gia | Tài khoản được cấp bởi hệ thống định danh xác thực điện tử |
Bước 1: Truy cập vào cổng dịch vụ công quốc gia. Bước 2: Vào mục “Đăng ký” và làm theo hướng dẫn của website | Các hình thức thực hiện: - Do cán bộ Công an thực hiện qua ứng dụng VNEID dành cho cán bộ. - Công dân có Căn cước công dân (CCCD) gắn chip đăng ký tại cơ quan công an cấp xã của 05 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. - Đăng ký tại Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội của công an cấp tỉnh, cấp an cấp huyện trên cả nước. - Đăng ký online trên ứng dụng VNEID theo hướng dẫn của ứng dụng và kết quả sẽ được trả qua số điện thoại dùng để đăng ký. |
Bước 2: Đăng nhập tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia
Bước 3: Sử dụng mục "tìm kiếm thông tin công dân" để khai thác thông tin
Như vậy, nếu đề xuất cách công dân tự tra cứu thông tin dân cư của mình được thông qua sẽ tạo sự thuận tiện, đơn giản thủ tục khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã sắp bị khai tử hoàn toàn và khi Căn cước công dân gắn chip được tích hợp thêm nhiều ứng dụng của các Bộ, ngành liên quan khác.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.