Facebook sẽ trở thành sàn giao dịch thương mại điện tử từ 2021?

Tại dự thảo lần 2 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã chính thức đề xuất bổ sung mạng xã hội trở thành một trong các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử?


Từ 2021, Facebook là sàn giao dịch thương mại điện tử?

Hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, có 04 hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử gồm:

- Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;

- Website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;

- Website có chuyên mục mua bán trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;

- Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.

Riêng hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, hiện nay, theo quy định của Điều 6 Thông tư 47/2014/TT-BCT, các mạng xã hội có một trong những hình thức hoạt động nêu trên (ngoài các loại website khác do Bộ Công Thương quy định) phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử.

Để kịp thời quản lý cũng như nhằm phù hợp thực tế diễn ra các hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội, Bộ Công Thương đã đề xuất sửa đổi các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử gồm:

- Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng hoặc lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;

- Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng;

- Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;

- Mạng xã hội có một trong các đặc tính nêu trên.

Như vậy, theo dự thảo này, chỉ khi mạng xã hội Facebook có một trong những đặc tính như cho phép mở gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa; đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ… thì mới là sàn giao dịch thương mại điện tử.


Facebook sẽ trở thành sàn giao dịch thương mại điện tử từ 2021? (Ảnh minh họa)


Thêm quy định về thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài

Hiện nay, Nghị định 52 không có quy định về việc quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam.

Trong khi đó, tại Điều 9 Luật Đầu tư năm 2020, Quốc hội đã thông qua việc quy định ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài.

Bởi vậy, tại dự thảo này, Bộ Công Thương bổ sung thêm một số đề xuất về việc thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam như sau:

- Người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử là thương nhân nước ngoài thì phải cung cấp thông tin và những thông tin này phải dịch sang tiếng Việt, các tên riêng được phiên âm tiếng Việt hoặc thể hiện bằng ký tự La tinh;

- Đối với những sàn giao dịch thương mại điện tử bán lẻ có tích hợp chức năng đặt hàng và thanh toán trực tuyến, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm thay mặt thương nhân nước ngoài giải quyết khiếu nại liên quan đến hàng hóa và khai, khấu trừ, nộp thuế nhà thầu;

- Bổ sung các điều kiện tiếp cận thị trường: Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam; thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực thương mại điện tử được công bố định kỳ…

Có thể thấy, việc bổ sung các quy định về điều kiện tiếp cận thị trường và nhiều quy định khác liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài là vô cùng cần thiết và phù hợp với thực tế hiện nay.

>> Video: Cẩm nang pháp lý cho dân bán hàng online

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục