1. Đề xuất ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong các ngành
Các chính sách về tiền lương của nhà giáo được quy định tại Điều 40 dự thảo Luật Nhà giáo. Theo đó, lương nhà giáo sẽ bao gồm tiền lương và phụ cấp cùng các chế độ khác nếu có.
Về tiền lương, khoản 2 Điều 40 dự thảo nêu rõ:
2. Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Đây cũng là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại Thông tin Chính phủ. Cụ thể:
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, một điểm đáng chú ý khi thực hiện cải cách tiền lương là lương viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác.
Đồng thời, nhà giáo ở các trường dân lập, tư thục, trường công tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư thì không ít hơn nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, thâm niên, cùng chức danh trong trường công đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Về phụ cấp:
- Phụ cấp đặc thù: Được áp dụng với nhà giáo làm việc trong ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù nếu đáp ứng quy định của chính sách.
- Chính sách hỗ trợ nhà giáo:
+ Chính sách này áp dụng với các đối tượng nhà giáo:
- Nhà giáo trẻ
- Nhà giáo công tác ở vùng khó khăn
- Nhà giáo dạy trường chuyên biệt, trẻ khuyết tật, dạy tiếng dân tộc thiểu số, dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy năng khiếu, nghệ thuật
+ Chính sách hỗ trợ gồm: Nhà công vụ, trợ cấp, phụ cấp, đào tạo, bồi dưỡng, khám chữa bệnh định kỳ; con nhà giáo được hỗ trợ học phí… và các chính sách đặc thù theo từng địa phương (nếu có).
- Chính sách thu hút:
- Đối tượng: Người có tài năng trở thành nhà giáo; Thu hút nhà giáo về công tác, công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển…
- Chính sách thu hút: Ưu tiên tuyển dụng, vay mua nhà ở, nhà công vụ, phụ cấp và trợ cấp thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, chế độ khác… và chính sách thu hút đặc thù của từng địa phương (khuyến khích).
2. Giáo viên mầm non sẽ được nghỉ hưu sớm 5 năm?
Theo khoản 2 Điều 46 dự thảo, giáo viên mầm non đang được đề xuất nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng chế độ nghỉ hưu theo quy định. Riêng các nhà giáo khác thì tuổi nghỉ hưu thực hiện theo quy định tại Bộ luật Lao động.
Hiện nay, tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP, năm 2024, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện thông thường với lao động nam là 61 tuổi và lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng.
Sau đó, cứ tăng thêm một năm thì tuổi nghỉ hưu của lao động nam sẽ tăng thêm 03 tháng cho đến năm 2028 đủ 62 tuổi và lao động nữ sẽ tăng thêm 04 tháng cho đến năm 2035 sẽ đủ 60 tuổi.
Và giáo viên mầm non sẽ được nghỉ hưu sớm 05 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Còn nếu có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao… thì có thể được nghỉ hưu muộn hơn không quá 05 tuổi so với tuổi quy định ở trên.
Như vậy, so với quy định hiện nay, giáo viên mầm non theo dự thảo sẽ được nghỉ hưu sớm hơn, cố định là khi 55 tuổi và vẫn được hưởng đầy đủ các chính sách, chế độ khi nghỉ hưu.
Đồng thời, 06 tháng trước khi nghỉ hưu, nhà giáo sẽ được thông báo thời điểm nghỉ hưu bằng văn bản. Và trước khi ngh hưu 03 tháng, nhà giáo sẽ được ra quyết định nghỉ hưu.
Đặc biệt, trường học có thể ký hợp đồng lao động với người đã nghỉ hưu nếu có nhu cầu và người làm việc có nguyện vọng.
3. Không phân biệt nhà giáo là giáo viên trường công, trường tư
Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật Nhà giáo, nhà giáo là người giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục, tức là không phân biệt là cơ sở giáo dục dân lập hay công lập. Như vậy, với định nghĩa này, tất cả giáo viên sẽ được gọi chung là nhà giáo.
Hiện nay, giáo viên giảng dạy theo hợp đồng làm việc trong các trường công là viên chức; giáo viên giảng dạy trong các trường tư hoặc chưa tham gia tuyển dụng viên chức thì sẽ ký hợp đồng lao động và được coi là người lao động, cơ sở giáo dục sẽ là người sử dụng lao động.
Như vậy, với cách quy định hiện nay, có thể thấy thực tế sẽ gặp khó khăn trong việc xác định hợp đồng lao động, chế độ của giáo viên tại các trường công và trường tư.
4. 4 trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề
Chứng chỉ hành nghề là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo cấp cho người đạt chuẩn nhà giáo. Căn cứ khoản 3 Điều 15 dự thảo, có 04 trường hợp được cấp chứng chỉ nhà giáo gồm các đối tượng là nhà giáo và:
- Đang giảng dạy, giáo dục trong các trường dù là công lập, dân lập hay tư thục đạt chuẩn nhà giáo.
- Người được tuyển dụng vào các trường học đạt chuẩn nhà giáo sau khi đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề với nhà giáo.
- Nhà giáo đã nghỉ hưu mà chưa được cấp chứng chỉ hành nghề và nay có nhu cầu cấp.
- Nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn và có nhu cầu.
Trong đó, chuẩn nhà giáo gồm các tiêu chí về phẩm chất, đạo đức, trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ như năng lực giảng dạy, giáo dục, cập nhật, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ… và nhiệm vụ theo chức danh, sức khỏe.
5. Nhà giáo sẽ được kéo dài thời gian làm việc thêm 10 năm
Ngoài quy định về việc giảm thời gian nghỉ hưu của giáo viên mầm non thì dự thảo Luật Nhà giáo cụ thể là Điều 47 dự thảo nêu rõ:
- Đối tượng được kéo dài thời gian sau khi đủ tuổi nghỉ hưu: Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang công tác tại các cơ sở giáo dục.
- Thời hạn kéo dài thời gian làm việc: Tiến sĩ không quá 05 năm, phó giáo sư không quá 07 năm, giáo sư thì không quá 10 năm.
- Công việc trong thời gian kéo dài thời gian làm việc: Giảng dạy, nghiên cứu khoa học (làm công tác chuyên môn), không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, không bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
Trên đây là một số quy định nổi bật tại dự thảo Luật Nhà giáo trong đó có tin vui về lương với hơn 1,6 triệu giáo viên hiện nay.