Đề xuất mới về nội dung phải có trong hợp đồng lao động từ 2021

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định chi tiết về nội dung hợp đồng lao động của Bộ luật Lao động năm 2019 dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.


Nội dung hợp đồng lao động từ 2021 gồm những gì?

Để hướng dẫn chi tiết các nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng lao động, dự thảo này quy định cụ thể như sau:

1/ Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động

- Tên: Tên doanh nghiệp, hợp tác xã... theo giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định thành lập; cá nhân thuê mướn sử dụng lao động thì ghi họ tên người sử dụng lao động theo thẻ Căn cước công dân (CCCD), Chứng minh nhân dân (CMND) hoặc Hộ chiếu (bổ sung thêm CCCD);

- Địa chỉ: Ngoài địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã… theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư, dự thảo còn bổ sung thêm số điện thoại, địa chỉ thư điện tử nếu có;

- Họ tên, chức danh người ký hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động: Họ tên, chức danh của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động; Người đại diện của hộ gia đình… (theo khoản 3 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019).

2/ Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động

- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có), số thẻ CCCD, CMND hoặc Hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động (hiện nay Bộ luật Lao động năm 2012 chỉ quy định số CMND, hộ chiếu của người lao động);

- Số giấy phép lao động nếu người lao động là người nước ngoài (bỏ yêu cầu ngày tháng năm cấp, nơi cấp giấy phép lao động);

- Họ tên, nơi cư trú, số thẻ CCCD, CMND hoặc Hộ chiếu, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 15 tuổi (bổ sung thêm số thẻ CCCD, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử nếu có).

Đồng thời, dự thảo cũng bỏ 02 loại giấy tờ nêu tại Điều 4 Nghị định 05/2012/NĐ-CP:

- Văn bản của người dưới 15 tuổi đồng ý để người đại diện theo pháp luật của mình giao kết hợp đồng lao động;

- Văn bản đồng ý việc giao kết hợp đồng lao động của người đại diện theo pháp luật đối với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi.

3/ Thời hạn của hợp đồng lao động

Thời gian thực hiện hợp đồng lao động tính theo số tháng hoặc số ngày, thời điểm bắt đầu và kết thúc thực hiện hợp đồng lao động xác định thời hạn và thời điểm bắt đầu với hợp đồng không xác định thời hạn.

Như vậy, từ 01/01/2021, để thống nhất với quy định bỏ hợp đồng lao động mùa vụ hoặc theo một công việc cụ thể, dự thảo cũng không đề cập đến thời hạn của loại hợp đồng này.

4/ Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác

- Mức lương theo công việc hoặc chức danh: Mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng;

- Phụ cấp lương: Tên và mức của các khoản tiền theo thỏa thuận của hai bên để bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương (bổ sung thêm quy định theo thỏa thuận).

- Các khoản bổ sung khác: Các khoản tiền theo thỏa thuận của hai bên ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

- Hình thức trả lương: Bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động mở tại ngân hàng.

- Kỳ hạn trả lương: Trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp nhưng không quá 15 ngày phải trả gộp 01 lần; trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần, thời điểm do hai bên thoa thuận; trả theo thỏa thuận nếu người lao động hưởng lương theo sản phẩm…

5/ Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

Thực hiện theo thỏa thuận của hai bên hoặc theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy, quy định của người sử dụng lao động về:

- Thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần; ca làm việc;

- Thời điểm bắt đầu, kết thúc của ngày, tuần hoặc ca làm việc;

- Số ngày làm việc trong tuần;

- Thời gian, thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc nghỉ trong giờ làm việc; thời gian nghỉ hằng tuần.

So với quy định hiện nay tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 148/2018/NĐ-CP, dự thảo đã quy định chi tiết hơn về các căn cứ để xác định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

6/ Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động

Dự thảo quy định, trong nội dung hợp đồng lao động về trang bị bảo hộ lao động phải được thực hiện theo thỏa thuận của hai bên. Đây là quy định mới được bổ sung so với Nghị định số 148 hiện đang được áp dụng.

Như vậy, ngoài trang bị bảo hộ lao động do hai bên thỏa thuận thì quy định này còn được thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể, theo quy định của người sử dụng lao động và theo pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Ngoài 06 nội dung nêu trên dự thảo có một số điều chỉnh thì hai nội dung bắt buộc về Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề đều được giữ nguyên như quy định hiện nay:

7/ Công việc và địa điểm làm việc

Nội dung này được giữ nguyên như quy định hiện nay:

- Công việc: Những công việc mà người lao động phải thực hiện;

- Địa điểm làm việc: Phạm vi, địa điểm theo thỏa thuận; nếu làm ở nhiều nơi thì ghi các địa điểm chính.

8/ Chế độ nâng bậc, nâng lương

Thực hiện theo thỏa thuận của hai bên về điều kiện, thời gian, mức lương sau khi nâng bậc, nâng lương hoặc thỏa thuận thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.

9/ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp: Theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.

10/ Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề: Quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong việc đảm bảo thời gian, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Đồng thời, Nghị định 05 còn quy định, hợp đồng lao động còn gồm các nội dung khác liên quan đến thực hiện nội dung mà hai bên thỏa thuận nhưng dự thảo này đã loại bỏ.

Đề xuất mới về nội dung phải có trong hợp đồng lao động từ 2021
Đề xuất mới về nội dung phải có trong hợp đồng lao động từ 2021 (Ảnh minh họa)

2 hình thức thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, công nghệ

Theo khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019, khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền và việc bồi thường khi vi phạm với người lao động.

Để hướng dẫn cụ thể quy định này, dự thảo đưa ra 02 hình thức áp dụng bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ gồm:

- Bằng văn bản ngoài hợp đồng lao động;

- Quy định thành các điều khoản trong hợp đồng lao động.

Trong đó, nội dung chủ yếu của thỏa thuận này gồm:

- Danh mục, thông tin bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ cần bảo vệ;

- Phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;

- Hình thức bảo vệ bí mật;

- Quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động;

- Hình thức xử lý, mức bồi thường đối với hành vi vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ: thực hiện theo thỏa thuận của hai bên hoặc theo nội quy lao động, quy định của pháp luật.

Dự thảo này dự kiến có hiệu lực vào ngày 01/01/2021 - cùng thời điểm Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực. Qua đó, nhiều nội dung trong hợp đồng lao động sẽ được quy định chi tiết, cụ thể hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong việc thỏa thuận và ký kết hợp đồng lao động.

>> 10 điểm mới về hợp đồng lao động từ năm 2021

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Tại dự thảo Nghị định mới đây, Bộ Quốc phòng đã đề xuất quy định mới về tiêu chí, tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn. Theo dõi bài viết dưới đây để có thông tin cụ thể.