Đây là một trong hai phương án được nêu tại dự thảo Bộ luật Lao động, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
Đề xuất: Người lao động có thể nghỉ việc không cần lý do (Ảnh minh họa)
Cụ thể, về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) của người lao động, dự thảo đề ra 02 phương án như sau:
Phương án 1: Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần lý do, chỉ cần thời hạn báo trước.
- Báo trước ít nhất 45 ngày, nếu là HĐLĐ không thời hạn
- Báo trước ít nhất 30 ngày, nếu là HĐLĐ thời hạn từ 01 tháng trở lên
- Báo trước 03 ngày, nếu là HĐLĐ thời hạn dưới 01 tháng.
Trong 04 trường hợp sau, người lao động được chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước:
- Không được bố trí đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc được bảo đảm điều kiện làm việc như thỏa thuận.
- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng hạn;
- Bị ngược đãi, quấy rối tình dục hoặc cưỡng bức lao động;
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của bệnh viện.
Phương án 2: Giữ nguyên như hiện hành (Người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ phải có lý do và đảm bảo thời hạn báo trước).
Có thể thấy rằng, nếu phương án 1 được thông qua, quyền lợi của người lao động được mở rộng hơn rất nhiều so với hiện nay.
Hiện nay, để được đơn phương chấm dứt HĐLĐ, người lao động phải có một số lý do như: Không được trả lương, trả lương không đúng hạn; Bị ngược đãi, quấy rối; Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc; Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục công việc…
Với bất cứ lý do nào, dù là bị ngược đãi, quấy rối; không được trả lương… thì người lao động vẫn phải báo trước cho người sử dụng lao động, ít nhất là 03 ngày làm việc.
Ngoài ra, dự thảo này cũng đưa ra phương án lao động nữ nghỉ 30 phút ngày hành kinh phải báo trước.
>> Tra cứu toàn bộ Dự thảo mới nhất tại đây
>> Đọc toàn bộ bài viết về các Dự thảo tại đây
Lan Vũ