Bộ Công an cho rằng nếu sử dụng pháo hoa với số lượng nhỏ thì tính nguy hiểm sẽ hạn chế nên mới đây, cơ quan này đã xây dựng và ban hành dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng pháo.
7 trường hợp người dân được bắn pháo hoa từ năm 2021
Hiện nay, việc sử dụng pháo hoa đang được Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009. Theo đó, Điều 5 Nghị định này nêu rõ, 04 loại pháo hoa, sản phẩm pháo được sử dụng gồm:
- Pháo hoa dùng để tổ chức bắn pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu, được Thủ tướng cho phép;
- Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được cho phép và cấp giấy phép mang vào Việt Nam dự thi bắn pháo hoa;
- Pháo hiệu dùng báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự;
- Pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hoá, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.
Như vậy, theo quy định hiện nay, không phải loại pháo hoa nào cũng như không phải bất cứ người dân nào cũng được bắn pháo hoa. Thậm chí, nếu sử dụng pháo hoa trái phép, người vi phạm còn có thể bị xử phạt hành chính đến 02 triệu đồng hoặc chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt đến 02 năm tù giam.
Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị đinh 36, Chính phủ đã nêu:
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm
Như vậy, nếu dự thảo này được thông qua, người dân chỉ cần có “năng lực hành vi dân sự đầy đủ” thì sẽ được sử dụng pháo hóa trong dịp Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm mà không cần phải xin phép.
Đáng chú ý: Người dân phải mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và pháo hoa phải là sản phẩm tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ (hiện nay tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ).
Đề xuất cho phép người dân được bắn pháo hoa từ năm 2021 (Ảnh minh họa)
Những trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ
Nghị định này cũng quy định cụ thể các trường hợp được bắn và thời điểm bắn pháo hoa nổ gồm:
STT | Trường hợp | Thời gian, thời lượng, địa điểm bắn |
1 | Tết Nguyên đán | Thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán - TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và tỉnh Thừa Thiên Huế: Bắn tầm cao và tầm thấp, không quá 15 phút; - Các tỉnh còn lại: Bắn tầm thấp, không quá 15 phút. |
2 | Giỗ Tổ Hùng Vương | 21 giờ ngày 09/3 Âm lịch; Tỉnh Phú Thọ bắn pháo hoa nổ tầm thấp tại Đền Hùng, không quá 15 phút. |
3 | Ngày Quốc khánh | 21 giờ ngày 02/9 - TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và tỉnh Thừa Thiên Huế: Bắn tầm cao và tầm thấp, không quá 15 phút; - Các tỉnh còn lại: Bắn tầm thấp, không quá 15 phút. |
4 | Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ | Bắn pháo hoa nổ tầm thấp, không quá 15 phút tại TP. Điện Biên Phủ vào 21 giờ ngày 07/5 |
5 | Ngày Chiến thắng Giải phóng hoàn toàn miền Nam | 21 giờ ngày 30/4 TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh: Bắn tầm cao và tầm thấp không quá 15 phút |
6 | Ngày kỷ niệm giải phóng, thành lập các tỉnh, thành phố | 21 giờ ngày giải phóng địa phương - TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và tỉnh Thừa Thiên Huế: Bắn tầm cao và tầm thấp, không quá 15 phút; - Các tỉnh còn lại: Bắn tầm thấp, không quá 15 phút. |
7 | Ngày hội văn hoá, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế | |
8 | Trường hợp khác do Thủ tướng quyết định |
Như vậy, nếu dự thảo này được thông qua thì từ ngày 01/01/2021, người dân sẽ được bắn pháo hoa trong một số trường hợp nêu trên mà không cần phải xin phép.
Nếu còn băn khoăn về các quy định khác liên quan đến vấn đề sử dụng pháo hoa, bạn đọc có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.