Người bị cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ phải đeo vòng điện tử để quản lý?
Đây là đề xuất của Bộ Công an tại Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.
Bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sư năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), trong đó, có nghĩa vụ chịu sự quản lý, theo dõi của chính quyền cấp xã hoặc đơn vị quân đội.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành quy định biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú còn phát sinh một số bất cập như:
- Chưa có trình tự, thủ tục thi hành biện pháp này kể từ khi các cơ quan có thẩm quyền ban hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú;
- Thực tế, chưa áp dụng các ứng dụng khoa học, công nghệ nên các cơ quan cũng không biết đối tượng được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đi đâu, làm gì để áp dụng các biện pháp theo dõi, quản lý;
- Thực tiễn đã xảy ra tình trạng các đối tượng được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú bỏ trốn dẫn đến việc các cơ quan có thẩm quyền phải ban hành quyết định truy nã.
Chính vì vậy, theo Bộ Công an cần thiết phải nghiên cứu để bổ sung các quy định về thiết bị giám sát điện tử (vòng đeo tay hoặc đeo chân) thông qua việc nhận dạng từ xa, theo dõi vị trí của người đó và có một hệ thống tích hợp để giám sát việc tháo, mở thiết bị trái phép, nhằm:
- Quản lý chặt chẽ, theo dõi đối tượng bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú
- Phòng ngừa đối tượng bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội, tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.
Dự kiến đổi tên Luật thành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú
Theo Bộ Công an, việc lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú là yêu cầu cấp thiết, khách quan, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác tạm giữ, tạm giam trong thời gian tới để:
- Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam để bổ sung quy định về thi hành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú
- Nâng cao hiệu quả sử dụng, vận hành cơ sở giam giữ
- Giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam
Với đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, bổ sung quy định về thi hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú nên dự kiến sẽ đổi tên Luật thành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Và để giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Bộ Công an kiến nghị sửa đổi, bổ sung về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, chế độ quản lý giam giữ và chế độ giam giữ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, cụ thể như:
(1) Bổ sung thẩm quyền của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh trong điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam từ các buồng tạm giữ của đồn Biên phòng đến các cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân;
(2) Sửa đổi quy định về chế độ quản lý giam giữ đối với người bị tạm giữ, tạm giam, theo đó bổ sung các quy định:
- Về thời hạn lập danh chỉ bản;
- Khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam cần thực hiện hoạt động thu thập sinh trắc học đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói;
- Về tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong trường hợp bị bệnh nặng cần kịp thời điều trị, cứu chữa tại cơ sở y tế;
(3) Sửa đổi, bổ sung quy định về thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam:
- Bỏ quy định về trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam phục vụ hoạt động thi hành án;
- Bổ sung quy định về trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam phục vụ công tác giam giữ;
- Sửa đổi quy định khi thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam phục vụ công tác xét xử thì không giao cho cơ quan, người có thẩm quyền ra lệnh trích xuất mà người này vẫn thuộc quản lý của cơ quan thực hiện nhiệm vụ áp giải; bổ sung quy định về chuyển giao người bị bắt theo quyết định truy nã cho cơ quan đã ra quyết định truy nã;
(4) Sửa đổi quy định về chế độ người bị tạm giữ, người bị tạm giam:
- Sửa đổi, bổ sung về định lượng quà là đồ ăn, đồ uống của người bị tạm giữ, người bị tạm giam khi nhận quà của thân nhân;
- Bổ sung quy định cụ thể về chế độ sinh hoạt tinh thần của người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
- Sửa đổi, bổ sung chế độ thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, bị tạm giam…