Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 25/2015/TT-NHNN hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Theo đó, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung mức cho vay nêu tại khoản 4 Điều 6 Thông tư 25/2015/TT-NHNN như sau:
Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sữa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay
Theo quy định này, vẫn giữ nguyên mức % tối đa giá trị dự toán hoặc phương án vay hoặc giá trị tài sản đảm bảo tiền vay là 70% như quy định trước đây nhưng tại dự thảo, Ngân hàng Nhà nước đã áp con số cụ thể là không quá 500 triệu đồng cho người vay để xây mới, cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở của mình.
Có thể thấy, việc bổ sung quy định này đã góp phần giúp các ngân hàng, tổ chức tín dụng xác định được cụ thể số tiền vay tối đa so với trước đây.
Đề xuất mức vay tối đa để cải tạo sữa chữa nhà ở (Ảnh minh họa)
Đồng thời, theo dự thảo, người vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không thuộc đối tượng được ưu đãi hưởng các chính sách nêu tại Thông tư 25/2015/TT-NHNN. Trong khi đó, hiện nay, đối tượng này đang được cho vay với mức tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng tăng thời hạn vay tối thiểu với người vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở từ tối thiểu 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên lên không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.
Về lãi suất cho vay ưu đãi nêu tại khoản 2 và khoản 3 Điều 10 Thông tư 25/2015/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi, bổ sung như sau:
Quy định hiện nay:
Lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố trong từng thời kỳ
Đề xuất mới:
Lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở do Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố trong từng thời kỳ
Như vậy, ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nêu cụ thể hơn về mục đích cho vay ưu đãi là để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở thay vì đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như hiện nay.
Ngoài ra, hai biểu mẫu Báo cáo tình hình cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội và Báo cáo tình hình cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo địa bàn cũng được dự thảo thay thế.
Trên đây là đề xuất của Ngân hàng Nhà nước về mức vay tối đa để xây dựng mới hoặc cải tạo, sữa chữa nhà ở của mình. Nếu còn thắc mắc, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.