Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo lần này là sửa đổi, bổ sung về việc kéo dài thời gian làm việc của giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu.
Hiện nay, Điều 9 Nghị định 141/2013/NĐ-CP đang quy định điều kiện để giảng viên có chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư và có trình độ tiến sĩ được kéo dài thời gian làm việc với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu như sau:
- Có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc.
- Cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu và chấp thuận.
Trong khi đó, về điều kiện kéo dài thời gian làm việc của giảng viên chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư và có trình độ tiến sĩ, khoản 1 Điều 3 dự thảo quy định:
Giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định trong điều kiện lao động bình thường để giảng dạy, nghiên cứu khoa học nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện xin kéo dài thời gian làm việc và được cơ sở giáo dục đại học chấp nhận
Như vậy, so với quy định hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cụ thể hơn là “trong điều kiện lao động bình thường” và chỉ cần cơ sở giáo dục đại học chấp nhận mà không cần điều kiện “cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu”.
Có thể thấy, khi cơ sở giáo dục đại học chấp nhận thì đã bao gồm cả điều kiện cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu.
Khi kéo dài thời gian làm việc, giảng viên được xác định là giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học, hưởng lương, chính sách, chế độ như với giảng viên và được đề nghị nghỉ hưu nếu có nhu cầu.
Đề xuất mới về kéo dài thời gian làm việc của giảng viên đại học (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, một trong những quy định mới tại dự thảo là về thời gian kéo dài làm việc của giảng viên có chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư và có trình độ tiến sĩ.
Hiện nay, khoản 2 Điều 9 Nghị định 141 nêu cụ thể thời gian được kéo dài thời gian làm việc sau khi nghỉ hưu của các đối tượng này như sau:
- Giảng viên có trình độ tiến sĩ: Không quá 05 năm.
- Giảng viên có chức danh Phó Giáo sư: Không quá 07 năm.
- Giảng viên có chức danh giáo sư: Không quá 10 năm.
Đến dự thảo này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không còn quy định cụ thể thời gian được kéo dài thời gian làm việc sau khi đủ tuổi nghỉ hưu mà thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, Nghị định hướng dẫn Bộ luật Lao động và các văn bản pháp luật có liên quan.
Theo đó, khoản 4 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo quy định này, nếu dự thảo được thông qua thì có thể giảng viên có chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, có trình độ tiến sĩ chỉ được kéo dài thời gian làm việc không quá 05 năm so với tuổi nghỉ hưu ở điều kiện bình thường. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa cụ thể, chắc hẳn sau khi dự thảo được thông qua, quy định này sẽ còn được hướng dẫn chi tiết, cụ thể.
Dự thảo cũng sửa đổi quy trình, thủ tục xem xét, quyết định kéo dài thời gian làm việc như sau:
- Trước khi đến thời điểm nghỉ hưu 06 tháng: Giảng viên có nguyện vọng đăng ký, nộp hồ sơ để xem xét kéo dài thời điểm nghỉ hưu (hiện nay, hồ sơ của giảng viên kéo dài thêm thời gian làm việc và văn bản đề nghị của cơ quan, đơn vị gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định phải được hoàn tất chậm nhất 02 tháng trước khi đến thời điểm nghỉ hưu).
- Trước khi đến thời điểm nghỉ hưu 03 tháng: Cơ sở giáo dục đại học quyết định và thông báo cho giảng viên việc kéo dài thời gian làm việc.
Trên đây là những đề xuất mới về kéo dài thời gian làm việc của giảng viên đại học. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 .
>> Thời gian làm việc của giáo viên các cấp quy định thế nào?
Theo dõi thêm LuatVietnam tại: