Để hành nghề lái xe phải có Giấy chứng nhận đã hoàn thành tập huấn nghiệp vụ vận tải?
Luật Giao thông đường bộ 2008 chia bằng lái xe hạng B thành 03 loại gồm B1 số tự động, B1, và B2. Trong đó, bằng lái xe B1 số tự động và B1 dành cho người không hành nghề lái xe; bằng lái xe B2 cấp cho người hành nghề lái xe.
Tuy nhiên, từ 01/01/2025 khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thì bằng lái B1 số tự động, B1 và B2 được gộp chung thành bằng lái xe hạng B. Theo đó, quy định hành nghề lái xe kèm theo bằng lái cũng không còn.
Tại Điều 11 dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ quy định về công tác bảo đảm an toàn trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ.
Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ phải có bộ phận quản lý an toàn, xây dựng và thực hiện các quy định bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ; chỉ sử dụng lái xe điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải có:
Thứ nhất, Giấy phép lái xe phù hợp loại xe theo quy định tại Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, Điều 57 Luật An toàn giao thông đường bộ 2024 phân hạng Giấy phép lái xe thành 15 hạng gồm: Hạng A1, Hạng A, hạng B, hạng B1, hạng C, hạng C1, hạng D1, hạng D2, hạng D, hạng BE, hạng C1E, hạng DE, hạng D1E, hạng D2E, hạng DE.
Và thứ hai, lái xe đã được cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành tập huấn nghiệp vụ vận tải.
Như vậy, nếu như đề xuất này được thông qua thì từ 01/01/2025 để để hành nghề lái xe, tài xế phải có Giấy chứng nhận đã hoàn thành tập huấn nghiệp vụ vận tải.
Nội dung tập huấn nghiệp vụ vận tải cho lái xe kinh doanh vận tải
Điều 12 dự thảo Nghị định có quy định về các nội dung liên quan đến hoạt động tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải cho lái xe kinh doanh vận tải gồm:
- Đối tượng tập huấn;
- Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian tập huấn;
- Thời điểm tập huấn;
- Đơn vị tổ chức tập huấn;
- Tổ chức kiểm tra và cấp giấy chứng nhận.
Cụ thể đối tượng tập huấn là người lái xe kinh doanh vận tải
Về nội dung khung chương trình bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ vận tải, dự thảo đề xuất như sau:
- Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian tập huấn
Khối lượng kiến thức tối thiểu: 04 bài (từ bài 1 đến bài 4); thời gian tập huấn 24 giờ;
- Cấu trúc kiến thức của chương trình tập huấn:
TT | NỘI DUNG TẬP HUẤN | Phân bố thời gian tập huấn |
1 | Bài 1: Kiến thức cơ bản về ngành vận tải ô tô Việt Nam và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh vận tải | 02 giờ |
2 | Bài 2: Bồi dưỡng nghiệp vụ vận tải cho người lái xe để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông | 16 giờ |
3 | Bài 3: Rèn luyện nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người lái xe kinh doanh vận tải | 02 giờ |
4 | Bài 4: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng người lái xe kinh doanh vận tải | 02 giờ |
5 | Tổ chức kiểm tra | 02 giờ |
6 | Tổng cộng | 24h |
Thời điểm tập huấn: Trước khi tham gia hoạt động kinh doanh vận tải và định kỳ không quá 03 năm, kể từ lần tập huấn trước đó.
Điều luật này cũng quy định về cán bộ tập huấn là người đáp ứng 01 trong 02 yêu cầu dưới đây:
(1) Giáo viên chuyên ngành vận tải của các trường từ trung cấp trở lên có đào tạo chuyên ngành vận tải đường bộ; người có trình độ chuyên ngành vận tải từ trung cấp trở lên;
(2) Người có trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành khác và có kinh nghiệm tối thiểu 05 năm về quản lý, điều hành vận tải đường bộ.
Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho người lái xe kinh doanh vận tải của đơn vị mình và đáp ứng các yêu cầu sau:
Thứ nhất, đảm bảo đúng các nội dung về đối tượng tập huấn, nội dung khung chương trình bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ vận tải, thời điểm tập huấn và cán bộ tập huấn.
Thứ hai, trong quá trình tổ chức tập huấn đơn vị kinh doanh vận tải được phối hợp với đơn vị vận tải khác, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, hiệp hội vận tải ô tô địa phương, cơ sở đào tạo người lái xe ô tô, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của bộ, cơ quan ngang bộ, các trường đào tạo từ trung cấp trở lên (các trường có chuyên ngành vận tải) để tổ chức tập huấn cho người lái xe;
Và thứ ba, trước khi tổ chức tập huấn, đơn vị tổ chức tập huấn thông báo đến Sở Giao thông vận tải địa phương về kế hoạch tập huấn, địa điểm, danh sách cán bộ tập huấn và danh sách học viên tham dự tập huấn để kiểm tra, giám sát.
Trên đây là thông tin về đề xuất để hành nghề lái xe phải có Giấy chứng nhận đã hoàn thành tập huấn nghiệp vụ vận tải.