Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định khá nhiều hành vi bị nghiêm cấm nhưng lại chưa có mức phạt cụ thể. Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã được xây dựng nhằm xử lý dứt điểm những hành vi này.
Ép buộc, lôi kéo người khác uống rượu, bia đều bị phạt
Một trong những hành vi bị nghiêm cấm đầu tiên tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 là cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
Dự thảo Nghị định đã đề xuất mức phạt đối với hành vi này là phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng (điểm b khoản 2 Điều 30).
Đồng thời, mức phạt này cũng được áp dụng với hành vi uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
Riêng việc uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng. Trường hợp tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về an toàn giao thông (khoản 3 Điều 30).
Xem chi tiết mức phạt nồng độ cồn theo Nghị định 100 tại đây.
Có thể phạt đến 3 triệu đồng nếu ép người khác uống rượu, bia (Ảnh minh họa)
Phạt quán nhậu không nhắc khách không lái xe sau khi uống rượu bia
Dự thảo một lần nữa nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh hàng ăn, hàng uống trong việc hạn chế tai nạn giao thông do rượu, bia.
Cụ thể, dự thảo Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng nếu cơ sở kinh doanh rượu, bia không nhắc nhở hoặc có hình thức thông tin phù hợp cho khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia (điểm b khoản 1 Điều 35).
Mức phạt sẽ cao hơn rất nhiều, từ 15 - 20 triệu đồng nếu sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc mua bán rượu, bia hoặc thông tin về sản phẩm rượu, bia không bảo đảm chính xác, khoa học (điểm a khoản 2 Điều 35).
>> Tra cứu toàn bộ Dự thảo mới nhất tại đây
>> Đọc toàn bộ bài viết về các Dự thảo mới tại đây
Thùy Linh