Sắp tới sẽ tăng biên chế công chức ở 3 thành phố lớn?
Hiện nay, tại 03 Nghị quyết số 119/2020/QH14, Nghị quyết số 131/2020/QH14 và Nghị quyết số 97/2019/QH14 chưa quy định cụ thể về số lượng biên chế công chức ở ba thành phố lớn của nước ta là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng.
Theo đó, dự thảo dự kiến tăng biên chế công chức và xác định số lượng biên chế công chức phường của 03 thành phố này theo quy mô dân số của phường. Cụ thể:
Quy mô dân số | Biên chế công chức |
Phường thuộc quận, thành phố trực thuộc Trung ương | |
Từ 30.000 dân trở xuống | 15 biên chế |
Trên 30.000 dân - 50.000 dân | 16 biên chế |
Trên 50.000 dân - 70.000 dân | 17 biên chế |
Trên 70.000 dân - 90.000 dân | 18 biên chế |
Trên 90.000 dân - 110.000 dân | 19 biên chế |
Trên 110.000 dân | 20 biên chế |
Phường thuộc thị xã | |
Từ 10.000 dân trở xuống | 15 biên chế |
Trên 10.000 dân - 17.000 dân | 16 biên chế |
Trên 17.000 dân - 24.000 dân | 17 biên chế |
Trên 24.000 dân - 31.000 dân | 18 biên chế |
Trên 31.000 dân - 38.000 dân | 19 biên chế |
Trên 38.000 dân | 20 biên chế |
Theo dự thảo này, Bộ Nội vụ cho biết, dự kiến sẽ tăng 208 biên chế so với quy định hiện nay.
Tuy nhiên, điều này cũng không làm tăng số lượng người biên chế tại các phường của 03 thành phố này bởi do trước đây đã giảm khoảng 700 biên chế cán bộ, công chức, viên chức phường khi thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị, sắp xếp lại đơn vị hành chính:
- Giảm 469 cán bộ phường là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân.
- Giảm số lượng Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường do trước đó đã bố trí hoạt động chuyên trách.
- Giảm khoảng 170 cán bộ, công chức cấp xã do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Theo đó, số lượng biên chế công chức phường của 03 thành phố này sẽ là căn cứ để tính tổng số lượng biên chế phường của từng quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố và giao cụ thể số lượng biên chế công chức làm việc tại Uỷ ban nhân dân mỗi phường cho phù hợp với tình hình thực tế.
Lưu ý: Sẽ không hạn chế số lượng tối thiểu và tối đa biên chế công chức nhưng không được vượt quá tổng số biên chế đã được giao, phân bổ.
Đề xuất sửa các chức danh làm việc trong UBND phường
Một nội dung nữa đáng chú ý nêu tại dự thảo Nghị định này là sửa đổi cơ cấu tổ chức của Uỷ ban nhân dân (UBND) phường. Cụ thể, UBND phường gồm các chức danh, vị trí viêc làm gồm:
- Chủ tịch phường.
- Phó Chủ tịch phường.
- Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường.
- Các công chức khác gồm: Văn phòng, thống kê; địa chính - xây dựng, đô thị và Môi trường; tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hoá - xã hội.
Như vậy, dự thảo mới đã bỏ chức danh Trưởng Công an quận, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận trong cơ cấu tổ chức của UBND quận và bỏ chức danh Trưởng Công an phường trong cơ cấu tổ chức của UBND phường.
Có thể thấy, quy định này đã đồng bộ với quy định tại khoản 13 Điều 1 Luật Cán bọo, công chức sửa đổi năm 2019 và chính sách bổ sung công an chính quy ở xã, phường thì không còn chức danh Trưởng Công an xã, phường.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung về cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị, xã hội ở phường để thống nhất trong quản lý và sủ dụng cán bộ với công chức làm việc tại UBND phường.
Theo đó, các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung gồm:
- UBND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố quản lý, sử dụng và quy định biên chế, chế độ cũng như chính sách cho các đối tượng này.
- Người được bầu giữ chức vụ cán bộ thuộc các tổ chức Đảng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở phường khi thôi chức vụ thì được xem xét, tiếp nhận vào công chức phường hoặc từ cấp quận trở lên nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn và không trong thời hạn kỷ luật.
Trên đây là đề xuất về việc dự kiến tăng biên chế công chức tại 03 thành phố lớn của nước ta: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng. Hiện đây chỉ đang dừng ở dự thảo, đang lấy ý kiến đóng góp. Nếu có thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết từ chuyên gia pháp lý của LuatVietnam.