1. Cán bộ dám nghĩ dám làm - họ là ai?
Định nghĩa cán bộ dám nghĩ dám làm được nêu tại khoản 2 Điều 2 dự thảo như sau:
2. Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá là cán bộ có tư duy, cách làm mới, dám đi đầu làm những việc mới, việc khó, phức tạp, chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ trong cơ chế, chính sách, không phù hợp với thực tiễn, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Căn cứ định nghĩa trên, có thể hiểu, cán bộ dám nghĩ dám làm là cán bộ có tư duy, dám đi đầu thực hiện những việc mới, việc khó, phức tạp… mang lại giá trị, hiệu quả thét thực.
Theo đó, đối tượng được coi là cán bộ dám nghĩ, dám làm hiện đang được Bộ Nội vụ đề xuất theo hai phương án:
- Phương án 1: Cán bộ dám nghĩ dám làm là cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước.
- Phương án 2: Cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước.
2. Đề xuất xem xét miễn kỷ luật cán bộ dám nghĩ dám làm
Nội dung này được Bộ Nội vụ đề xuất tại Điều 9 dự thảo Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung sẽ được bảo vệ. Và sẽ được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng, xử lý trách nhiệm trước pháp luật nếu đề xuất và đã được quyết định cho thực hiện, thí điểm nhưng không đạt/chỉ đạt một phần/gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại.
Cụ thể, các trường hợp rủi ro sau đây, cán bộ sẽ được miễn trách nhiệm kỷ luật:
- Do tình thế cấp thiết, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Trong đó, sự kiện bất khả kháng bao gồm thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ…
- Bị cản trở, gây khó khăn khi thực hiện đề xuất.
- Khi thấy rủi ro, thiệt hại xảy ra hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại thì đề xuất báo cáo chấm dứt thực hiện đề xuất.
- Sau khi cán bộ báo cáo, đề xuất chấm dứt thực hiện đề xuất nhưng cấp có thẩm quyền vẫn quyết định tiếp tục thực hiện.
- Chấm dứt ngay việc thực hiện đề xuất khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
- Cơ quan có thẩm quyền xác định cán bộ thực hiện đề xuất đang trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự.
- Người thực hiện đề xuất qua đời.
Ngược lại, nếu có hành vi lạm dụng đề xuất để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực thì căn cứ vào từng vụ việc với tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm để kỷ luật hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây ra thiệt hại cho người hoặc cơ quan có liên quan thì phải bồi thường.
Ngoài ra, không chỉ được xem xét miễn kỷ luật, cán bộ dám nghĩ dám làm còn có thể được khuyến khích bằng một trong các hình thức: Được tuyên dương, biểu dương; được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đánh giá cuối năm; đợc ưu tiên bồi dưỡng, đào tạo; được quy hoạch, bổ nhiệm vị trí cao hơn hoặc vượt cấp...
3. Trình tự, thủ tục bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm
3.1 Điều kiện
- Do yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, không ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng.
- Cán bộ dám nghĩ, dám làm phải có ý tưởng và cách làm mới chưa được quy định hoặc đã có nhưng chồng chéo, mâu thuẫn nhau, không thống nhất, đồng bộ với các quy định khác, không phù hợp thực tiễn.
- Có thể tháo gỡ nút thắc trong chính sách, cơ chế, mang lại hiệu quả, tạo sự bức phá, chuyển biến mạnh mẽ vào sự phát triển chung của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị.
3.2 Trình tự thực hiện
Các bước thực hiện cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm được thực hiện như sau:
Bước 1: Cán bộ đề xuất, báo cáo người đứng đầu bằng văn bản kèm kế hoạch, đề án cụ thể khi có ý tưởng đổi mới, sáng tạo.
Nếu cán bộ dám nghĩ dám là người đứng đầu thì đề nghị tập thể lãnh đạo họp thảo luận, thống nhất bằng văn bản.
Văn bản đề xuất đổi mới, sáng tạo bắt buộc phải có các nội dung cơ bản sau đây:
- Sự cần thiết, cấp thiết của đề xuất.
- Căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn của đề xuất mà chưa có quy định hoặc đã có nhưng có mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ với các quy định khác, không phù hợp thực tiễn.
- Xác định rõ phạm vi, đối tượng, tính khả thi, thực trạng và nhiệm vụ, giải pháp, điểm mới, sáng tạo, thời gian, nguồn lực… trong nội dung đề xuất.
- Đánh giá tác động tiêu cực hoặc tích cực.
Bước 2: Lãnh đạo họp để thảo luận, thống nhất quyết định bằng văn bản về việc chấp nhận cho thực hiện, thí điểm đề xuất, báo cáo của cán bộ không. Thời hạn họp là 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, đề xuất bằng văn bản.
Riêng trường hợp là người đứng đầu, nếu không được tập thể lãnh đạo chấp thuận thì có quyền báo cáo cấp trên trực tiếp về việc có được thực hiện thí điểm hay không.
Bước 3: Sau khi nhận được văn bản đồng ý cho thực hiện thí điểm đề xuất, cán bộ có đề xuất gửi kèm kế hoạch hoặc đề án đến cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền quyết định việc thực hiện để đăng tải trong thời hạn 05 ngày làm việc trừ trường hợp đề xuất này liên quan đến bí mật nhà nước.
Trên đây là đề xuất xem xét miễn kỷ luật cán bộ dám nghĩ dám làm. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.