Một trong những nội dung đáng chú ý và gây nhiều tranh cãi của dự thảo này là quy định về việc tập đoàn điện lực (EVN) được tự ý quyết định việc tăng giá điện. Vậy so với Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg hiện đang có hiệu lực, đề xuất mới có Bộ Công Thương có gì khiến dư luận tranh cãi như vậy.
Theo đó, về nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Điều 3 dự thảo quy định như sau:
Khi các thông số đầu vào theo quy định tại Khoản 1 Điều này biến động làm giá bán lẻ điện bình quân giảm so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh giảm.
Khi các thông số đầu vào theo quy định tại Khoản 1 Điều này biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng.
Theo quy định này, việc tăng giá bán điện sẽ căn cứ vào thông số đầu vào của tất cả các khâu gồm phát điện, truyền tải điện, phân phối bán lẻ điện… và được đề xuất như sau:
- Giá bán lẻ điện bình quân giảm: Điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện nhưng không thấp hơn mức giá tối thiểu của khung giá và điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện.
- Giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% trở lên: Điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện (trong khi đó, theo quy định hiện nay, khi giá bán điện bình quân phải tăng từ 3% - 5% thì mới tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng).
Như vậy, có thể thấy, theo quy định hiện hành, EVN chỉ tăng giá điện nếu giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên nhưng dự thảo đã đề xuất giảm mức tỷ lệ phần trăm này xuống còn có 1% là EVN đã có thể tăng giá điện.
Đồng thời, Điều 5 dự thảo cũng đề xuất thẩm quyền tăng giá điện như sau:
Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán theo quy định tại Khoản 1 Điều này tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng và tăng giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Sau khi điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán theo quy định tại Khoản 1 Điều này tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đó, có thể theo dõi cụ thể bằng bảng dưới đây:
Mức tăng giá bán lẻ điện bình quân | Thẩm quyền tăng giá điện |
1-5% | EVN tự quyết |
5-10% | EVN xin ý kiến Bộ Công Thương |
>10% | Thủ tướng Chính phủ |
Trên đây là đề xuất về việc tăng giá điện trong thời gian sắp tới. Hiện nay, dự thảo đang được lấy ý kiến đóng góp từ người dân và các ban, ngành có liên quan. Nếu còn thắc mắc hoặc muốn cập nhật quy định mới nhất về giá điện, độc giả có thể liên hệ LuatVietnam tại số tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.