1. Đề xuất về phòng cháy chữa cháy từ 2025 thế nào?
Theo dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy với nhà ở được nêu tại Điều 16 gồm các nội dung sau:
- Hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng đảm bảo an toàn phòng cháy.
- Chất dễ cháy nổ phải để xa nguồn nhiệt, nguồn lửa (nội dung này được kế thừa từ Điều 17 Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001, sửa đổi năm 2013).
- Có giải pháp thoát nạn, chuẩn bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp điều kiện thực tế (quy định mới).
- Thực hiện tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy với nhà phải đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (quy định mới).
Như vậy, so với quy định hiện nay, dự thảo đã bổ sung thêm 02 điều kiện mới đồng thời không đề cập đến quy định nêu tại khoản 9 Điều 1 Luật Phòng cháy, chữa cháy sửa đổi năm 2013:
2. Thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố (sau đây gọi chung là thôn) phải có các quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ; căn cứ vào điều kiện cụ thể có giải pháp ngăn cháy; có phương án, lực lượng, phương tiện, đường giao thông, nguồn nước phục vụ phòng cháy và chữa cháy.
Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy với nhà ở kết hợp kinh doanh, gồm:
- Đảm bảo các điều kiện ở trên.
- Có giải pháp ngăn chát giữa các khu vực để ở và khu vực kinh doanh cũng như giải pháp thoát nạn khi có cháy xảy ra.
2. Đề xuất phòng cháy chữa cháy khi sử dụng điện
Trong việc sử dụng điện, Điều 19 dự thảo yêu cầu cá nhân, hộ gia đình sử dụng điện phải:
- Lắp đặt, sử dụng các thiết bị điện đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về an toàn điện.
- Thường xuyên thực hiện việc kiểm tra và kịp thời phát hiện, ngăn ngừa nguy cơ gây cháy, nổ do điện trong suốt quá trình sử dụng điện.
Có thể thấy, những nội dung này là nội dung mới mà trước đó đã không được đề cập đến tại dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001, sửa đổi năm 2013. Theo đó, Luật hiện tại chỉ quy định về phòng cháy về việc sử dụng điện, thiết bị và dụng cụ điện với:
- Nhà máy điện, lưới điện.
- Thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống điện và thiết bị điện.
- Thiết bị, dụng cụ điện được sử dụng trong môi trường nguy hiểm về cháy, nổ.
- Cơ quan, tổ chức và cá nhân cung ứng điện.
3. Đề xuất thêm hành vi bị cấm trong phòng cháy, chữa cháy
Về các hành vi bị cấm trong phòng cháy chữa cháy, dự thảo có một số thay đổi so với Luật hiện nay gồm:
- Bổ sung hành vi xúc phạm, đe dọa lực lượng phòng cháy chữa cháy làm nhiệm vụ bên cạnh việc cấm cản trở, chống đối lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.
- Lạm dụng nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Đề xuất mở rộng hành vi bị cấm bởi gộp chung hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe thành vi phạm pháp luật sẽ bao quát hơn.
- Báo cháy, tai nạn, sự cố giả (quy định cũ chỉ có báo cháy giả).
- Không báo cháy, tai nạn, sự cố, không tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có khả năng, điều kiện để thực hiện (Quy định cũ chỉ nêu không báo cháy khi có điều kiện báo cháy; trì hoãn việc báo cháy).
- Vận chuyển, sử dụng hàng hóa, chất nguy hiểm cháy, nổ trái phép (quy định cũ mang hàng và chất dễ cháy, nổ trái phép vào nơi tập trung đông người)…
Trên đây là một số đề xuất về phòng cháy chữa cháy từ 2025 với nhà ở tại dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp.