Sinh viên sư phạm nào sẽ bị cắt 3,63 triệu đồng/tháng?
Một trong những đề xuất trường hợp sinh viên sư phạm bị cắt 3,63 triệu đồng/tháng được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu tại khoản 4 Điều 1 dự thảo..
Cụ thể, dự thảo quy định như sau: Sinh viên sư phạm vẫn được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt khi học tập tại trường.
Tuy nhiên, sinh viên sư phạm có điểm học tập trung bình đạt loại yếu hoặc đạt loại yếu điểm rèn luyện từ năm thứ hai, thứ ba… trở đi thì sẽ không được xét hỗ trợ chi phí này.
Trong khi đó, điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định 116/2020/NĐ-CP đang quy định chung là sẽ hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng cho sinh viên sư phạm nói chung trong suốt thời gian học tập tại trường.
Như vậy, theo đề xuất này, vẫn giữ nguyên mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng cho sinh viên sư phạm dùng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Tuy nhiên, với đề xuất mới, một số thay đổi như sau:
- Sinh viên sư phạm năm nhất nào cũng được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
- Sinh viên sư phạm từ năm thứ 2 hoặc năm thứ 3 trở đi để được chi trả thì phải đáp ứng điều kiện:
- Không có điểm trung bình chung học tập đạt loại yến.
- Điểm rèn luyện trong thời gian học tập đạt loại yếu.
Đồng nghĩa, nếu thuộc một trong hai trường hợp nêu trên, sinh viên sư phạm năm thứ hai và các năm học tiếp theo sẽ không được xét hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt.
Do đó, việc chi trả chi phí sinh hoạt này được thực hiện theo năm học (quy định cũ tại Nghị định 116 không giới hạn điều này).
Các đối tượng sinh viên sư phạm được hưởng mức hỗ trợ này cũng đã có một số điều chỉnh nhất định. Cụ thể, khoản 2 Điều 1 dự thảo đã sửa đổi đối tượng được hưởng hỗ trợ so với quy định cũ là sinh viên học đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên:
- Theo hình thức đào tạo chính quy.
- Người có văn bằng khác thì học liên thông theo hình thức đào tạo chính quy trình độ đại học, cao đẳng ngành đào tạo giáo viên và kết quả học lực của bằng thứ nhất phải đạt loại giỏi.
Lưu ý: Việc chi trả hỗ trợ được thực hiện theo từng năm học.
Sẽ sửa quy định về việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ
Ngoài đề xuất trường hợp sinh viên sư phạm bị cắt 3,63 triệu đồng/tháng, dự thảo còn sửa đổi một số quy định về bồi hoàn kinh phí hỗ trợ để giải quyết khó khăn thực tế trong việc thu hồi khoản hỗ trợ này.
Cụ thể, Nghị định 116 chỉ giao cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện việc thu hồi lại số tiền bồi hoàn và trách nhiệm của sinh viên sư phạm trong trường hợp phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ là tự mình hoặc gia đình phải liên hệ với cơ quan thu hồi kinh phí bồi hoàn để làm thủ tục này.
Trong khi đó, Bộ Giáo dục đã đề xuất cụ thể trách nhiệm nộp lại số tiền phải bồi hoàn cho sinh viên đó hoặc gia đình của sinh viên đó cũng như thủ tục thực hiện bồi hoàn chi phí sinh hoạt đã được hỗ trợ. Cụ thể:
Sinh viên sư phạm đó hoặc gia đình phải nộp lại số tiền bồi hoàn vào kho bạc Nhà nước trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời với đó, dự thảo bổ sung yêu cầu là sinh viên sư phạm hoặc gia đình phải gửi chứng từ (bản sao) đã nộp tiền vào kho bạc tới cơ quan có trách nhiệm theo dõi thu hồ kinh phí để làm thủ tục xác nhận hoàn thành nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ.
Như vậy, chính sinh viên hoặc gia đình hưởng chính sách phải nộp tiền và giữ lại biên lai, chứng từ đã nộp tiền vào ngân sách Nhà nước để gửi cho cơ quan theo dõi thu hồi kinh phí nhằm xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ bồi hoàn.
Nếu không thực hiện hoặc thực hiện chậm nghĩa vụ thì có thể sẽ bị khởi kiện ra Toà án.
Lưu ý: Đề xuất này áp dụng với sinh viên sư phạm trúng tuyển và đào tạo từ năm học 2023-2024 trở đi.
Trên đây là đề xuất trường hợp sinh viên sư phạm bị cắt 3,63 triệu đồng/tháng. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.