1. Đề xuất trường hợp hủy số định danh cá nhân
Căn cứ khoản 2 Điều 11 dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Căn cước, mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 số định danh cá nhân duy nhất, không trùng lặp với người khác.
Trong đó, Bộ Công an đề xuất trường hợp hủy số định danh cá nhân gồm:
- Hủy với trường hợp liên quan đến quốc tịch:
- Bị tước quốc tịch Việt Nam.
- Bị cho thôi quốc tịch Việt Nam.
- Bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Với trường hợp này, thủ tục hủy số định danh thực hiện như sau:
Bước 1: Bộ Tư pháp gửi văn bản thông báo các quyết định tước/cho thôi hoặc hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định đến cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an.
Bước 2: Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước thuộc Bộ Công an quyết định hủy số định danh cá nhân của người thuộc một trong các trường hợp nêu trên trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Bộ Tư pháp.
- Trường hợp hủy và xác lập lại số định danh cá nhân:
- Công dân được xác định lại giới tính
- Công dân được cải chính năm sinh
- Thông tin về nơi đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính của công dân có sai sót khi thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Với trường hợp này, thủ tục thực hiện như sau:
Bước 1: Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước ra quyết định hủy, xác lập số định danh.
Bước 2: Cơ quan quản lý căn cước thuộc Bộ Công an cập nhật số định danh cá nhân mới của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia. Đồng thời, công dân sẽ được thông báo bằng văn bản về việc xác lập lại số định danh cá nhân.
Đặc biệt, số này sẽ được lưu trong dữ liệu thông tin của công dân mà không được dùng để cấp cho người khác.
2. Giấy chứng nhận căn cước được cấp theo thủ tục nào?
Bên cạnh đề xuất trường hợp hủy số định danh cá nhân, dự thảo này cũng quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước tại Điều 27 dự thảo gồm:
2.1 Đối tượng được cấp
Theo khoản 1 Điều 30 Luật Căn cước 2023, giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người có gốc là người Việt Nam nhưng chưa được xác định quốc tịch và đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại cấp xã hoặc cấp huyện nếu địa điểm đó không có đơn vị hành chính cấp xã.
2.2 Mẫu giấy chứng nhận căn cước
- Gồm hình Quốc huy và dòng chữ: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC;
- Gồm ảnh khuôn mặt và vân tay
- Gồm các thông tin: Số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày tháng năm sinh; giới tính; nơi sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; tình trạng hôn nhân; nơi ở hiện tại; Họ, chữ đệm và tên, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, người đại diện hợp pháp, người giám hộ, người được giám hộ; Ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; Thời hạn sử dụng.
2.3 Nơi cấp giấy chứng nhận căn cước
Cơ quan quản lý căn cước của công an cấp huyện hoặc cấp tỉnh nơi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sinh sống.
Lưu ý: Có thể cấp giấy chứng nhận căn cước tại xã hoặc tại chỗ ở của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch trong trường hợp cần thiết.
2.4 Trình tự cấp giấy chứng nhận căn cước
Bước 1: Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đề nghị cấp giấy chứng nhận căn cước tại cơ quan có thẩm quyền ở trên nơi mình sinh sống.
Bước 2: Người tiếp nhận thực hiện các công việc:
- Điền thông tin vào tờ khai thu nhận thông tin căn cước
- Kiểm tra, đối chiếu thông tin giữa tờ khai với các cơ sở dữ liệu quốc gia để xác định chính xác người cần cấp giấy chứng nhận căn cước. Nếu chưa có thông tin trong cơ sở quốc gia thì người có nhu cầu cấp giấy phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh nhân thân (nếu có).
- Thu nhận thông tin nhân dạng, thông tin sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt).
Bước 3: Người cần cấp giấy kiểm tra lại thông tin, ký và ghi rõ họ tên vào tờ khai thu nhận thông tin căn cước.
Bước 4: Người có nhu cầu nhận giấy hẹn trả giấy chứng nhận căn cước.
Trên đây là đề xuất trường hợp bị hủy số định danh cá nhân theo dự thảo mới nhất của Bộ Công an. LuatVietnam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin mới nhất trên website hoặc cần được hỗ trợ thêm thông tin gì, độc giả có thể liên hệ 19006192 để gặp chuyên gia pháp lý của chúng tôi.