Dự kiến có tổng đài phòng chống bạo lực gia đình từ 01/7/2023

Sau khi thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, mới đây dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật này tiếp tục được lấy ý kiến đóng góp. Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo này là về đề xuất tổng đài phòng chống bạo lực gia đình.


Đề xuất tổng đài phòng chống bạo lực gia đình

Tại Điều 19 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2023, các tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình sẽ được tiếp nhận theo các địa chỉ sau đây:

- Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã - nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình.

- Cơ quan công an, đồn biên phòng gần nơi có hành vi bạo lực gia đình xảy ra nhất.

- Trường học nơi người bị bạo lực gia đình học tập tại đấy.

- Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi có hành vi bạo lực gia đình xảy ra.

- Người đứng đầu tổ chức chính trị, xã hội cấp xã nơi có hành vi bạo lực gia đình xảy ra.

- Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

Bổ sung nhiều địa chỉ tiếp nhận tin báo về bạo lực gia đình (Ảnh minh hoạ)

Trước đó, Luật năm 2007 chỉ quy định có 03 địa chỉ tiếp nhận tin báo về việc bạo lực gia đình là UBND cấp xã; cơ quan công an gần nhất và người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực gia đình.

Có thể thấy, từ 01/7/2023, có thêm nhiều địa chỉ tiếp nhận tin báo về bạo lực gia đình. Trong đó, việc công bố số điện thoại đường dây nóng đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người bị bạo lực gia đình.

Đồng thời, hiện nay, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đang thí điểm đường dây nóng tiếp nhận phòng, chống bạo lực gia đình là 1800.1768 để hỗ trợ miễn phí phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình mà chưa có cụ thể số tổng đài dành riêng cho vấn đề này.

Bên cạnh đó, nếu trẻ em bị bạo hành, xâm hại thì cá nhân, tổ chức có thể gọi đến tổng đài quốc gia 111 để cơ quan này bảo vệ các quyền lợi của trẻ em.

Do đó, hiện nay, chưa có một số tổng đài nào để người dân báo tin về bạo lực gia đình cho tất cả các đối tượng đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Do đó, tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật này có đề xuất tại khoản 2 Điều 7 như sau:

2. Được sử dụng chung số điện thoại 111, không thu phí viễn thông đối với người gọi đến, gọi đi và phí tư vấn đối với người gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Như vậy, nếu dự thảo này được thông qua, từ ngày 01/7/2023, cá nhân, tổ chức có thể báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình tại tổng đài 111. Số tổng đài này không thu phí viễn thông cũng như phí gọi đi, phí tư vấn và sẽ hoạt động 24 gờ tất cả các ngày, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động.

Đề xuất tổng đài phòng chống bạo lực gia đình từ 01/7/2023 (Ảnh minh hoạ)

Hướng dẫn đối tượng bạo lực gia đình ngoài hôn nhân

Khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống hôn nhân và gia đình quy định các hành vi bạo lực gia đình còn được thực hiện giữa những người không có quan hệ hôn nhân và gia đình tại thời điểm thực hiện bạo lực gia đình:

2. Hành vi quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện giữa người đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau cũng được xác định là hành vi bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, dự thảo hướng dẫn về các đối tượng này như sau:

- Người đã ly hôn: Những người từng có quan hệ vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình với:

  • Người từng là vợ, chồng mà giờ đã ly hôn với người bạo lực gia đình.
  • Con riêng, cha mẹ đẻ hoặc nuôi, anh chị em ruột của người từng là vợ chồng mà hiện giờ đã ly hôn.

Tuy nhiên, đối tượng này sẽ không bị xác định là bạo lực gia đình nếu có hành vi không quan tâm, bỏ mặc, không nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em, phụ nữ mang thai, đang nuôi con dưới 03 tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc, không giáo dục trẻ em là thành viên gia đình.

- Người sống chung với nhau như vợ chồng: Là người đã được tổ chức đám cưới nhưng chưa đăng ký kết hôn với người được coi là vợ hoặc chồng của mình; người là con riêng, cha mẹ đẻ hoặc nuôi, anh chị em ruột của người được coi là vợ hoặc chồng của mình.

Riêng trường hợp chưa được tổ chức đám cưới, chưa đăng ký kết hôn thì cũng bị coi là có hành vi bạo lực gia đình nhưng trừ hành vi không quan tâm, bỏ mặc, không nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em, phụ nữ mang thai, đang nuôi con dưới 03 tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không thể tự chăm sóc, không giáo dục trẻ em là thành viên gia đình.

- Người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi: Đối tượng này cũng không xem xét là bạo lực gia đình trong trường hợp không quan tâm, bỏ mặc, không nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em, phụ nữ mang thai, đang nuôi con dưới 03 tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc, không giáo dục trẻ em là thành viên gia đình.

Bạo lực gia đình có thể phải đối mặt với hình phạt tù (Ảnh minh hoạ)

Còn các trường hợp bị coi là hành vi bạo lực gia đình tại Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2022 cũng đều xem là hành vi bạo lực gia đình và bị xử lý:

Xử phạt hành chính theo Điều 52 đến Điều 59 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:

Hành vi

Mức phạt

- Đánh nhau.

- Chửi bới, xúc phạm.

- Cấm ra khỏi nhà, gặp người thân … nhằm cô lập.

- Cấm đi làm.

- Cấm gặp thành viên trong gia đình sau ly hôn.

- Trốn cấp dưỡng cho con sau ly hôn.

- Đuổi thành viên gia đình ra khỏi nhà

05 - 10 triệu đồng

- Không chăm sóc vợ có thai, đang nuôi con nhỏ.

- Đe dọa bằng bạo lực ép thành viên gia đình ra khỏi nhà.

10 - 20 triệu đồng

- Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên trong gia đình

20 - 30 triệu đồng

Chịu trách nhiệm hình sự về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình tại Điều 185 Bộ luật Hình sự:

Hành vi

Hình phạt tù

- Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình.

- Bạo lực xâm phạm thân thể thành viên trong gia đình thuộc một trong những trường hợp:

Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

- Phạt cảnh cáo.

- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

- Phạt tù từ 06 tháng - 03 năm.

- Với thành viên trong gia đình đang có thai.

- Với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

Phạt tù từ 02 - 05 năm

Bài viết trên đây trình bày vấn đề: Đề xuất tổng đài phòng chống bạo lực gia đình từ 01/7/2023 tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục