Dự thảo giảm thuế VAT từ 01/7/2023 quy định thế nào?
Nhìn chung, so với Nghị định 15/2022/NĐ-CP đã hết hiệu lực từ 01/01/2023 về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) xuống 8% từ ngày 01/02/2022, nội dung của dự thảo không có nhiều thay đổi.
Cụ thể, Điều 1 của dự thảo đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT xuống 8% từ 01/7/2023 và quy định mức giảm thuế giá trị gia tăng cho nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trừ các hàng hoá, dịch vụ sau đây:
- Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất.
- Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Công nghệ thông tin.
Nhũng nhóm hàng hoá, dịch vụ được loại trừ này được ban hành kèm theo phụ lục I, phụ lục II, phụ lục III ban hành kèm theo dự thảo.
(So với dự thảo Nghị định về giảm thuế GTGT trước đó đề xuất mở rộng giảm thuế cho tất cả các loại mặt hàng hoá, dịch vụ áp dụng mức thuế 10% thì dự thảo mới này, Bộ Tài chính lại giữ nguyên các loại hàng hoá, dịch vụ như Nghị định 15/2022/NĐ-CP).
Tuy nhiên, khi áp dụng thực tế vào các quy định của Nghị định 15, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác định thống nhất sản phẩm hàng hoá, dịch vụ để áp mức thuế 8% hoặc giữ nguyên mức thuế 10%.
Do đó, để khắc phục những vướng mắc này, tại dự thảo, Bộ Tài chính có đề xuất sửa đổi một số mã HS để thống nhất với mã HS theo danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam kèm theo Thông tư số 31/2022/TT-BTC.
Đồng thời, tại phụ lục I và phụ lục III, do trước đó, mô tả hàng hoá ở cột 8 và cột 9 không tương đồng với mô tả hàng hoá tại danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam nên dự thảo đã sửa phần ghi chú như sau:
- Phần ghi chú cuối tại phụ lục I: Mã số HS ở cột 10 chỉ được dùng để tra cứu. Xác định mã số HS với hàng hoá thực tế nhập khẩu thực hiện theo phân loại hàng hoá của Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn.
- Phần ghi chú cuối phụ lục III: Mã số HS ở cột 10 phần A và cột 4 phần B chỉ dùng để tra cứu. Việc xác định mã số HS với hàng hoá thực tế nhập khẩu thực hiện theo phân loại hàng hoá tại Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn.
Đề xuất hướng dẫn khi đã lập kê khai mức thuế chưa giảm
Bên cạnh quy định mức giảm thuế GTGT xuống 8% cho các loại hàng hoá, dịch vụ được tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ hoặc giảm 20% mức tỷ lệ % với các hàng hoá, dịch vụ được tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % thì dự thảo có sửa đổi trình tự, thủ tục thực hiện giảm thuế.
Cụ thể, dự thảo hướng dẫn trường hợp doanh nghiệp đã lập hoá đơn và kê khai theo mức thuế suất/tỷ lệ % để tính thuế GTGT chưa giảm thì người bán, người mua xử lý hoá đơn đã lập. Sau khi xử lý, căn cứ hoá đơn đã xử lý để điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).
Trong khi đó, Nghị định 15 trước đây có hướng dẫn trường hợp này như sau:
Người bán, người mua lập biên bản hoặc lập văn bản thoả thuận ghi rõ sai sót, người bán lập hoá đơn điều chỉnh sai sót, giao hoá đơn đã điều chỉnh cho người mua. Đồng thời, căn cứ vào hoá đơn đã được điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).
Dự thảo giảm thuế VAT từ 01/7/2023 dự kiến sẽ có hiệu lực từ 01/7/2023 và thực hiện giảm thuế GTGT từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Nếu còn bất cứ điều gì thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.