Đề xuất sửa hồ sơ yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch
Căn cứ khoản 1 Điều 40 dự thảo Luật Công chứng sửa đổi, đề xuất sửa hồ sơ yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch gồm các nội dung:
Hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành 01 bộ gồm các giấy tờ:
- Dự thảo giao dịch
- Giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng. Trong đó, có thể kể đến Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu/giấy xác nhận căn cước…
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc giấy tờ khác thay thế nếu tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng mà khi công chứng giao dịch có liên quan đến tài sản đó
- Giấy tờ khác mà pháp luật quy định phải có
Trong đó, các giấy tờ (trừ dự thảo giao dịch) là bản chính hoặc bản sao. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng số 53/2014/QH13, hồ sơ yêu cầu công chứng phải có thêm phiếu yêu cầu công chứng.
Các giấy tờ yêu cầu trong bộ hồ sơ công chứng chỉ cần bản sao giấy tờ, được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 40 Luật Công chứng 2024 như sau:
2. Bản sao quy định tại khoản 1 Điều này là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực.
Ngoài ra, cũng tại dự thảo, sau khi kiểm tra giấy tờ, người yêu cầu công chứng kiểm tra và đọc lại dự thảo hợp đồng, đồng ý với các nội dung trong dự thảo, ký tên vào dự thảo thì công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng:
Xuất trình bản chính các giấy tờ ở trên (trừ dự thảo giao dịch) để công chứng viên đối chiếu trước khi ký vào lời chứng và từng trang của văn bản công chứng.
Nếu không còn bản chính thì xuất trình bản sao từ sổ gốc. Đây là đề xuất mới bởi theo quy định cũ, công chứng viên sẽ yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính giấy tờ để đối chiếu trước khi ghi vào lời chứng, ký vào từng trang hợp đồng.
Như vậy, theo đề xuất sửa hồ sơ yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, có thể sử dụng bản sao từ sổ gốc thay cho bản chính (nếu bản chính không còn) để thực hiện thủ tục công chứng.
Dự kiến sửa thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng
Khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật Công chứng nêu rõ, hiệu lực của văn bản công chứng được tính từ thời điểm được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 5 Luật Công chứng đang nêu, hiệu lực của văn bản công chứng được tính kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
Có sự thay đổi về cách xác định thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng bởi theo khoản 2 Điều 45 dự thảo, thời điểm công chứng phải ghi cụ thể đến từ giờ, phút, ngày, tháng, năm và phải được ghi cả bằng số và bằng chữ trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Còn hiện nay, tại khoản 2 Điều 45 Luật Công chứng năm 2014, thời điểm công chứng chỉ phải ghi ngày, tháng, năm. Việc ghi giờ, phút chỉ thực hiện nếu được người yêu cầu công chứng đề nghị hoặc công chứng viên thấy cần thiết.
Như vậy, do có sự thay đổi trong các nghị ngày. tháng, năm của văn bản công chứng nên tại dự thảo mới, hiệu lực của văn bản công chứng cũng được tính chính xác theo thời điểm.
Ngoài ra, văn bản công chứng còn có hiệu lực thi hành với các bên và cũng là cơ sở để các bên yêu cầu cơ quan nhà nước thực hiện thủ tục liên quan đến giao dịch đã được công chứng.
Đặc biệt, khi một bên có nghĩa vụ mà không thực hiện thì văn bản công chứng cũng là căn cứ để bên kia yêu cầu Tòa án giải quyết trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Văn bản công chứng cũng là văn bản có giá trị chứng cứ. Tình tiết, sự kiện được nêu trong văn bản công chứng thì các bên không phải chứng minh trừ trường hợp bị Tòa tuyên bố là vô hiệu.
Trên đây là một số đề xuất sửa hồ sơ yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch. Hiện nay, dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi mà chưa áp dụng. Cùng theo dõi thông tin mới nhất tại Website LuatVietnam.