Bộ Nội vụ hiện đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 71/2020/NĐ-CP đề xuất sửa đổi về nâng chuẩn trình độ của giáo viên các cấp. Vậy cụ thể như thế nào?
Đề xuất sửa đổi về nâng chuẩn trình độ của giáo viên các cấp
Theo đó, Điều 1 dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 71/2020/NĐ-CP sửa đổi một số nội dung dưới đây:
- Phương thức thực hiện đào tạo nâng chuẩn trình độ giáo viên:
- Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng: Thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt, theo quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Trong đó, các cơ sở giáo dục sẽ xây dựng kế hoạch và gửi về Phòng Giáo dục để tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành kế hoạch và gửi Sở Giáo dục và Đào tạo hằng năm.
- Ngành, chuyên ngành không đủ điều kiện mở lớp đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng thì thông báo bằng văn bản để giáo viên được chủ động lựa chọn, đăng ký học trực tiếp với cơ sở đào tạo.
(Quy định hiện nay: Ngoài phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng thì còn phương thức đầu thầu giữa các địa phương với cơ sở đào tạo).
- Kinh phí: Kinh phí do ngân sách địa phương đảm bảo, ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương khi chưa cân đối được. Trong đó, giáo viên được cử đi học được thanh toán học phí theo hóa đơn của cơ sở đào tạo sau khi được cấp bằng tốt nghiệp.
Nếu giáo viên đã được cấp bằng đang giảng dạy từ 01/7/2020 nhưng chưa được thanh toán học phí thì được truy lĩnh, chi trả học phí đào tạo theo mức thu tại thời điểm giáo viên theo học.
- Quyền của giáo viên:
- Được tạo điều kiện về thời gian và hỗ trợ tiền đóng học phí như với sinh viên sư phạm hiện hành
- Được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục
- Được hưởng 100% lương, phụ cấp, chế độ
Như vậy, về cơ bản, quy định về việc nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên không bị sửa đổi, bổ sung nhiều so với quy định hiện hành.
Lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên các cấp
Căn cứ Điều 4, Điều 5 Nghị định 71/2020/NĐ-CP, việc thực hiện nâng chuẩn trình độ của giáo viên các cấp được quy định theo lộ trình sau đây:
STT | Giáo viên | Lộ trình nâng chuẩn (01/7/2020 - 31/12/2030) | |
Giai đoạn 1: Từ 01/7/2020 - 31/12/2025 | Giai đoạn 2: Từ 01/01/2026 - 31/12/2030 | ||
1 | Mầm non | Ít nhất 60% giáo viên đang đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm | 100% giáo viên hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm |
2 | Tiểu học | Ít nhất 50% giáo viên đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân | 100% giáo viên hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân |
3 | Trung học cơ sở | Ít nhất 60% giáo viên đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân | 100% giáo viên hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân |
Trong đó, các đối tượng phải thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
STT | Giáo viên | Điều kiện | |
Bằng cấp | Thời gian công tác tính từ 01/7/2020 đến khi nghỉ hưu | ||
1 | Mầm non | Chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sử phạm trở lên | Còn đủ 07 năm (84 tháng) |
2 | Tiểu học | - Chưa có bằng cử nhân ngành đào tạo giáo viên hoặc - Chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên | - Giáo viên có trình độ trung cấp: Còn đủ 08 năm (96 tháng); - Giáo viên có trình độ cao đẳng: Còn đủ 07 năm (84 tháng). |
3 | THCS | - Chưa có bằng cử nhân ngành đào tạo giáo viên hoặc - Chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên | Còn đủ 07 năm (84 tháng). |
Trên đây là đề xuất sửa đổi về nâng chuẩn trình độ của giáo viên các cấp.