Sắp tới, sinh viên sẽ bị giới hạn thời gian làm thêm
Điều 30 dự thảo Luật Việc làm đã bổ sung quy định về đề xuất quản lý chặt thời gian làm thêm của sinh viên như sau:
Điều 30. Việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên
1. Học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật này được làm việc nhưng không quá 20 giờ trong 1 tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ trong 1 tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.
Như vậy, học sinh, sinh viên nếu đủ độ tuổi lao động (tối thiểu là đủ 15 tuổi trừ trường hợp lao động chưa thành niên), có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc, sắp tới sẽ không được làm thêm quá 20 giờ/tuần/kỳ học. Với kỳ nghỉ thì thời gian làm thêm không quá 48 giờ/tuần.
Trong khi đó, Luật Việc làm số 38/2013/QH13 không có quy định này. Tức là học sinh, sinh viên sẽ không bị giới hạn thời gian làm thêm.
Tiền công của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động và có căn cứ vào các yếu tố như:
- Thời gian thực tế làm việc
- Khối lượng, chất lượng của công việc làm thêm.
Hiện nay, theo khoản 1 Điều 32 và khoản 1 Điều 105 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14, thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên hay chính là thời gian làm không trọn thời gian.
Theo quy định này, học sinh, sinh viên hiện nay được làm việc ít hơn thời gian thông thường: Dưới 08 giờ/ngày, dưới 48 giờ/tuần.
Lương làm thêm giờ hiện nay là bao nhiêu?
Mức lương làm thêm giờ tối thiểu hiện nay được quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, căn cứ vào từng vùng nơi hoạt động của người sử dụng lao động, cụ thể:
Đơn vị: đồng/giờ
Vùng | Mức lương tối thiểu giờ | Dự kiến từ 01/7/2024 (theo dự thảo) |
Vùng I | 22.500 | 23.800 |
Vùng II | 20.000 | 21.200 |
Vùng III | 17.500 | 18.600 |
Vùng IV | 15.600 | 16.600 |
Trong đó, mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất được các bên sử dụng làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương cho học sinh, sinh viên nói riêng và người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ.
Nếu học sinh, sinh viên đi làm thêm và được trả lương theo tuần/theo ngày/theo sản phẩm/lương khoán thì mức lượng sẽ được quy đổi theo tháng hoặc theo giờ, đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu tháng/giờ đã nêu ở trên. Cụ thể:
- Nếu quy đổi theo tháng:
- Lương quy đổi theo tháng = Mức lương theo tuần x 52 tuần: 12 tháng
- Lương quy đổi theo tháng = Lương tính theo ngày x số ngày làm việc bình thường trong tháng
- Lương quy đổi theo tháng = Mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường của tháng
- Nếu quy đổi theo giờ:
- Lương quy đổi theo giờ = Lương theo tuần/theo ngày : số giờ làm việc bình thường trong tuần/trong ngày
- Lương quy đổi theo giờ = Lương theo sản phẩm, lương khoán : số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán
Ngoài ra, với sinh viên, học sinh khi đi làm thêm thì cần lưu ý một số quy định sau đây:
- Được thỏa thuận với người sử dụng lao động để ký hợp đồng lao động (theo khoản 2 Điều 32 Bộ luật Lao động năm 2019). Do đó, khi đi làm thêm, để đảm bảo quyền lợi như người lao động bình thường khác, học sinh, sinh viên nên ký hợp đồng lao động.
- Học sinh, sinh viên khi ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên và có thời gian không làm việc, không hưởng lương dưới 14 ngày trong tháng thì được đóng bảo hiểm xã hội như người lao động làm trọn thời gian thông thường.
Trên đây là đề xuất quản lý “siết” thời gian làm thêm của sinh viên.