Đề xuất: Cầm cố tài khoản định danh điện tử VNeID sẽ bị phạt nặng!

Bộ Công an đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 144/2021/NĐ-CP, trong đó đề xuất bổ sung nhiều mức phạt liên quan đến tài khoản định danh điện tử.

1. Đề xuất phạt nặng khi cầm cố tài khoản định danh điện tử VNeID

Cầm cố tài khoản định danh điện tử VNeID có thể bị phạt nặng (Ảnh minh họa)

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 144/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, Bộ Công an đã đề xuất phạt nặng khi cầm cố tài khoản định danh điện tử VNeID trong thời gian tới.

Cụ thể, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 04 - 06 triệu đồng khi:

- Làm giả tài khoản định danh điện tử

- Sử dụng tài khoản định danh điện tử giả

- Chiếm đoạt tài khoản định danh điện tử của tổ chức

- Mua, bán, thuê, cho thuê tài khoản định danh điện tử

- Cầm cố, nhận cầm cố, thế chấp, nhận thế chấp tài khoản định danh điện tử

- Mượn hoặc cho mượn tài khoản định danh điện tử để người khác thực hiện hành vi trái pháp luật.

2. Bổ sung nhiều mức phạt liên quan đến tài khoản định danh điện tử (Đề xuất) 

Bên cạnh quy định đáng chú ý về việc phạt tới 06 triệu đồng với hành vi “Cầm cố, nhận cầm cố, thế chấp, nhận thế chấp tài khoản định danh điện tử”, dự thảo Nghị định cũng đề xuất nhiều mức phạt liên quan đến tài khoản định danh điện tử như sau:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 - 500 nghìn đồng khi không thực hiện đúng quy định về:

  • Cấp tài khoản định danh điện tử

  • Xác thực điện tử

- Phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng khi đối với một trong những hành vi sau đây:

  • Chiếm đoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử của cá nhân

  • Cung cấp thông tin về danh tính điện tử giả để được định danh cá nhân

- Phạt tiền từ 02 - 04 triệu đồng khi đối với một trong những hành vi sau đây:

  • Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả để được cấp tài khoản VNeID

  • Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp tài khoản VNeID

  • Cung cấp thông tin về danh tính điện tử giả để được định danh tổ chức

- Phạt tiền từ 04 - 06 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

  • Làm giả tài khoản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự

  • Sử dụng tài khoản định danh điện tử giả

  • Chiếm đoạt tài khoản định danh điện tử của tổ chức

  • Mua, bán, thuê, cho thuê tài khoản định danh điện tử

  • Mượn, cho mượn tài khoản định danh điện tử để người khác thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 06 - 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

  • Sử dụng tài khoản VNeID để hoạt động, giao dịch trái quy định pháp luật

  • Xâm phạm đến an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia - công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

  • Tạo lập ứng dụng định danh và xác thực điện tử giả

  • Tổ chức làm giả tài khoản định danh và xác thực điện tử

  • Can thiệp trái phép vào việc sử dụng ứng dụng định danh và xác thực điện tử của người khác hoặc tổ chức.

  • Cản trở việc thực hiện phương thức xác thực điện tử trong thực hiện giao dịch thông qua hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Khi nào tài khoản định danh điện tử hết hạn? (Ảnh minh họa)

3. Tài khoản định danh điện tử bao giờ hết hạn?

Tài khoản định danh điện tử có cùng thời hạn với thẻ Căn cước. Theo đó, tài khoản định danh điện tử sẽ hết hạn khi Căn cước của bạn hết thời hạn sử dụng. Sau khi làm lại thẻ Căn cước mới, tài khoản định danh điện tử sẽ lại được gia hạn để sử dụng.

Điều 21 Luật Căn cước 2023 quy định về độ tuổi đổi thẻ Căn cước công dân như sau:

Điều 21. Độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước

1. Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.

2. Thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ căn cước tiếp theo.

Theo quy định trên, hạn sử dụng của tài khoản định danh điện tử sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của người được cấp. Khi công dân đến các mốc độ tuổi là 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi thì tài khoản định danh điện tử và Căn cước công dân đều sẽ hết hạn.

Tuy nhiên, nếu người dân đi làm thẻ Căn cước công dân mới trong 02 năm trước khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi thì cả thẻ Căn cước mới và tài khoản định danh điện tử sẽ tiếp tục có giá trị tiếp đến mốc tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Cụ thể:

- Tài khoản định danh điện tử được lập theo thẻ Căn cước được cấp từ khi đủ 14 - trước 23 tuổi: Hết hạn vào năm 25 tuổi.

- Tài khoản định danh điện tử được lập theo thẻ Căn cước được cấp từ khi đủ 23 - trước 38 tuổi: Hết hạn vào năm 40 tuổi.

- Tài khoản định danh điện tử được lập theo thẻ Căn cước được cấp từ khi đủ 38 - trước 58 tuổi: Hết hạn vào năm 60 tuổi.

- Tài khoản định danh điện tử được lập theo thẻ Căn cước được cấp từ khi đủ 58 tuổi trở đi: Sử dụng cho đến khi người đó chết (trừ trường hợp thẻ bị mất hoặc hư hỏng).

Trên đây là cập nhật của LuatVietnam về Đề xuất phạt nặng khi cầm cố tài khoản định danh điện tử VNeID.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục