Đề xuất mức trợ cấp chiến sĩ CAND tham gia kháng chiến chống Mỹ

Đây là nội dung được Bộ Công an lấy ý kiến tại dự thảo Thông tư về thực hiện chế độ trợ cấp với cán bộ, chiến sĩ tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân (CAND) đã thôi việc, xuất ngũ theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010.


1. Đối tượng được đề xuất hưởng trợ cấp là ai?

Điều 2 dự thảo quy định các đối tượng được hưởng trợ cấp theo dự thảo là cán bộ, chiến sĩ Công an đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Tham gia kháng chiến chống Mỹ từ ngày 30/4/1975 trở về trước thuộc Điều 2 và khoản 1 Điều 8 Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg.

- Có thời gian công tác trong Công an nhân dân dưới 20 năm.

- Đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương.

Trong đó, thời gian công tác để tính hưởng chế độ là thời gian thực tế làm việc trong Công an nhân dân, được tính từ khi vào cho đến khi thôi việc, xuất ngũ về địa phương.

Nếu thời gian này có tháng lẻ thì được tính như sau:

- Dưới 06 tháng: Tính bằng mức hưởng của nửa năm.

- Từ đủ 06 tháng - dưới 12 tháng: Tính bằng mức hưởng của một năm.

2. Các chế độ được đề xuất là gì?

2.1 Trợ cấp hàng tháng

2.1.1 Điều kiện hưởng

Thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Từ đủ 15 - dưới 20 năm công tác trong CAND.

+ Có từ đủ 15 - dưới 20 năm công tác trong CAND đã thôi việc, xuất ngũ sau đó công tác ở cấp xã, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc nhưng không đủ điều kiện/không đóng bảo hiểm tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

2.1.2 Mức hưởng

Đơn vị: đồng/người/tháng

STT

Thời gian công tác

Mức hưởng

1

Đủ 15 - dưới 16 năm

813.614

2

Đủ 16 - dưới 17 năm

854.295

3

Đủ 17 - dưới 18 năm

894.975

4

Đủ 18 - dưới 19 năm

935.656

5

Đủ 19 - dưới 20 năm

976.337

2.2 Chế độ trợ cấp một lần

2.2.1 Điều kiện

- Có dưới 15 năm công tác trong CAND.

- Có dưới 15 năm công tác trong CAND, sau đó công tác ở cấp xã sau khi thôi việc, xuất ngũ, đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc hưởng lương hưu.

- Có từ đủ 15 - dưới 20 năm công tác trong CAND; đang công tác ở cấp xã sau khi thôi việc, xuất ngũ; hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; có tham gia BHXH bắt buộc; đủ điều kiện hưởng lương hưu.

- Có dưới 15 năm công tác trong CAND; đang làm việc tại cấp xã sau khi thôi việc, xuất ngũ; hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có tham gia BHXH bắt buộc.

2.2.2 Mức hưởng

- Tính theo số năm công tác thực tế trong CAND:

- Thời gian công tác từ đủ 02 năm trở xuống: 2,5 triệu đồng.

- Từ năm thứ ba trở đi, mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng theo công thức sau đây:

Mức trợ cấp một lần = 2,5 triệu đồng + (số năm công tác thực tế - 2 năm) x 800.000 đồng

Đặc biệt, những người đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp một lần mà từ trần sau ngày 15/10/2010 nhưng chưa hưởng thì vợ/chồng, bố mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp được hưởng khoản trợ cấp một lần nêu trên.

Người có dưới 20 năm công tác trong CAND, đã thôi việc, xuất ngũ theo Điều 2, khoản 1 Điều 8 Quyết định 53 năm 2010 chết trước ngày 15/10/2010 thì vợ/chồng, bố mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp được trợ cấp một lần 3,6 triệu đồng.

3. Thủ tục hưởng trợ cấp thực hiện như thế nào?

3.1 Hồ sơ cần chuẩn bị

3.1.1 Hồ sơ đề nghị xét hưởng chế độ một lần

Căn cứ Điều 6 dự thảo gồm:

- Văn bản đề nghị xét hưởng chế độ kèm danh sách của Công an cấp tỉnh nơi người này thường trú.

- Bản khai cá nhân của cán bộ, chiến sĩ hoặc thân nhân các đối tượng này có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thường trú.

- Giấy tờ gốc chứng minh thuộc đối tượng được hưởng gồm một trong các giấy tờ sau đây:

+ Quyết định thôi việc, xuất ngũ; quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh, trợ cấp thương binh hoặc trích lục hồ sơ thương tật; lí lịch cán bộ/quân nhân; Đảng viên, sổ BHXH (nếu có).

+ Giấy xác nhận công tác trước khi người này thôi việc, xuất ngũ, có xác nhận của Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương.

- Giấy tờ liên quan đến quá trình công tác như Huân/huy chương kháng chiến/giải phóng; hồ sơ hưởng chính sách người có công; quyết định tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, nâng lương…

Nếu có các giấy tờ nêu trên nhưng không chứng minh được toàn bộ thời gian công tác thực tế trong CAND như thiếu thông tin, thì có thể có thêm tài liệu:

- Biên bản niêm yết công khai ý kiến của nhân dân về cán bộ, chiến sĩ đó.

- Xác nhận thời gian công tác của công an đơn vị nơi người này có thời gian làm việc thực tế trong CAND.

- Biên bản xét duyệt, đề nghị giải quyết chế độ theo Quyết định 53 năm 2010.

- Biên bản xác minh về thời gian công tác thực tế của công an địa phương nơi người này cư trú trước khi nhập ngũ hoặc vào CAND.

3.1.2 Hồ sơ hưởng chế độ hàng tháng

- Giấy giới thiệu của Cục Tổ chức cán bộ.

- Quyết định hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng của Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ.

- Bản khai cá nhân.

3.2 Cơ quan tiếp nhận hồ sơ

Căn cứ Điều 7 dự thảo, người được hưởng trợ cấp gửi hồ sơ cho công an cấp huyện nơi thường trú để cơ quan này chuyển hồ sơ đến các cơ quan khác có thẩm quyền giải quyết.

3.3 Thời gian giải quyết hồ sơ

- 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ: Công an cấp huyện thẩm tra, xác minh.

- 10 ngày làm việc: Công an cấp tỉnh sau khi tiếp nhận hồ sơ, thẩm tra, xác minh, xét duyệt, lập danh sách và hồ sơ đề nghị xét hưởng chế độ, chuyển cho Cục Tổ chức cán bộ.

- 10 ngày làm việc: Cục Tổ chức cán bộ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và ban hành quyết định hưởng chế độ trợ cấp; chuyển hồ sơ đã giải quyết về công an tỉnh nơi cán bộ, chiến sĩ thường trú.

Trên đây là đề xuất mức trợ cấp chiến sĩ CAND tham gia kháng chiến chống Mỹ của Bộ Công an. Hiện dự thảo đang được lấy ý kiến. Có vấn đề thắc mắc gì, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục