Sắp có mức cấp dưỡng nuôi con cụ thể sau khi cha mẹ ly hôn?

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình trong đó có các vấn đề về cấp dưỡng con sau khi cha mẹ ly hôn dưới đây.


Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 hiện đang quy định về mức cấp dưỡng như sau:

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trong đó, khi cha mẹ ly hôn, người không sống cùng với con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con (căn cứ khoản 2 Điều 82 và khoản 3 Điều 87 Luật Hôn nhân và Gia đình).

Kết hợp với quy định trên, khi ly hôn, người không sống cùng con (đối tượng thuộc diện phải cấp dưỡng gồm con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động cũng không có tài sản để tự nuôi mình) phải thực hiện cấp dưỡng cho con.

Trong đó, theo quy định trên, mức cấp dưỡng sẽ được xác định theo thứ tự sau đây:

- Căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của cha hoặc mẹ, nhu cầu thiết yếu của con, các bên thoả thuận mức cấp dưỡng.

- Không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

- Có thể thay đổi mức cấp dưỡng nếu có lý do chính đáng theo thoả thuận của các bên hoặc theo hướng giải quyết của Toà án.

Có thể thấy, theo quy định hiện nay, pháp luật không nêu rõ mức cấp dưỡng cụ thể là bao nhiêu cũng như không nêu cách xác định mức cấp dưỡng trong trường hợp yêu cầu Toà án giải quyết.

Quy định này khi được áp dụng trong thực tế xuất hiện nhiều vấn đề bất cập: Cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng trốn tránh hoặc không cấp dưỡng theo đúng mức cấp dưỡng đã thoả thuận hoặc theo quyết định giải quyết của Toà án.

Mặc dù những người này khi trốn tránh cấp dưỡng có thể bị phạt hành chính hoặc phạt tù nhưng hậu quả với con được cấp dưỡng cũng không thể phủ nhận.

Do đó, tại dự thảo Nghị quyết này, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã đưa ra hướng giải quyết tại Điều 6 dự thảo như sau:

Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định mức cấp dưỡng ít nhất bằng 2/3 mức lương cơ sở và không được thấp hơn 30% mức thu nhập bình quân của người có nghĩa vụ cấp dưỡng trong 06 tháng liền kề.

Căn cứ đề xuất này, Toà án vẫn tôn trọng quyền thoả thuận của cha mẹ sau khi ly hôn nhưng đề xuất mới đã thay đổi cách xác định mức cấp dưỡng trong trường hợp yêu cầu Toà án giải quyết khi không thoả thuận được mức cấp dưỡng:

- Ít nhất bằng 2/3 mức lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở đang thực hiện là 1,49 triệu đồng/tháng. Vậy mức cấp dưỡng thấp nhất phải bằng 993.000 đồng/tháng.

- Không được thấp hơn 30% mức thu nhập bình quân của vợ hoặc chồng (người có nghĩa vụ cấp dưỡng) trong 06 tháng liền kề.

Có thể thấy, để xác định mức cấp dưỡng thấp nhất, người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải tính bình quân thu nhập trong 06 tháng liền kề gần nhất sau đó xác định bằng ít nhất là 30% mức thu nhập này và không được thấp hơn 993.000 đồng/tháng.

Như vậy, nếu dự thảo này được thông qua, việc cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn sẽ được đảm bảo thực hiện cũng như tránh được phần lớn trường hợp tranh chấp về mức cấp dưỡng do các bên không thoả thuận được hoặc một bên trốn tránh cấp dưỡng…

Trên đây là đề xuất mức cấp dưỡng cụ thể khi cha mẹ ly hôn. Nếu còn vướng mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Cấp dưỡng sau ly hôn: Ai phải thực hiện? Cấp dưỡng bao nhiêu?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục