Đề xuất mới về tịch thu xe bị tạm giữ do vi phạm giao thông

Tại dự thảo Nghị định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính lần 2 đang được Bộ Công an lấy ý kiến, việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hết hạn tạm giữ có phần chặt hơn so với quy định cũ.

Theo quy định hiện hành tại Điều 17 Nghị định 115/2013, sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 31/2020, trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày hết hạn tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ.

Hết hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết công khai và thông báo cuối cùng trên phương tiện thông tin đại chúng, nếu người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, xe vi phạm.

Như vậy, trong vòng 33 ngày kể từ ngày hết hạn tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định tịch thu đối với tang vật, xe.

Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định mới, việc tịch thu đối với tang vật và xe vi phạm hết hạn tạm giữ được Bộ Công an đề xuất có phần chặt hơn so với quy định hiện tại, đồng thời phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 sẽ có hiệu lực từ 01/01/2022.

Đề xuất về tịch thu xe bị tạm giữ do vi phạm giao thông (Ảnh minh họa)

Theo đó, khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì được xử lý như sau:

- Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 02 lần.

Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.

Hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

- Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện.

Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.

Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Trên đây là đề xuất về tịch thu xe bị tạm giữ do vi phạm giao thông tại dự thảo Nghị định mới của Bộ Công an. Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.

>> Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô điện 

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục