5+ đề xuất mới về cán bộ công chức cấp xã từ 01/7/2023

Dưới đây là tổng hợp 06 đề xuất mới về cán bộ công chức cấp xã theo dự thảo Nghị định của Chính phủ về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở các cấp.

1. Sẽ giảm số lượng chức danh công chức cấp xã

Đây là điểm mới đáng chú ý nhất tại đề xuất mới về cán bộ công chức cấp xã.

Theo đó, so với quy định hiện nay tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 92/2009/NĐ-CP, số lượng chức danh công chức cấp xã đã giảm đi 01 chức danh. Theo đó, từ 01/7/2023 - dự kiến là thời điểm dự thảo này được áp dụng, công chức cấp xã chỉ còn có 06 chức danh gồm:

a) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự;

b) Văn phòng – thống kê;

c) Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã);

d) Tài chính – kế toán;

đ) Tư pháp – hộ tịch;

e) Văn hóa – xã hội.

Theo quy định, chức danh Trưởng Công an xã đã được thay thế bằng công an chính quy từ ngày 31/3/2021 theo Nghị định số 42/2021/NĐ-CP. Các chức danh khác vẫn được giữ nguyên.

Số lượng, chức danh công chức cấp xã có nhiều thay đổi từ 01/7/2023 (Ảnh minh hoạ)

2. Dự kiến thay đổi số lượng cán bộ, công chức cấp xã

2.1 Giảm số lượng công chức cấp xã loại 1, 2, 3

Do hiện nay, Trưởng công an xã đã được thay bằng công an chính quy và theo tăng số lượng Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã loại 2 thêm một người nhưng không làm tổng số cán bộ, công chức cấp xã tăng theo nên số lượng công chức cấp xã tại các xã loại 1, 2, 3 sẽ giảm đi 01 người để phù hợp với quy định này.

Cụ thể, số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã với từng loại xã (loại 1, loại 2, loại 3) như sau:

  • Với xã, thị trấn: Loại 1 là 22 người; loại 2 là 20 người; loại 3 là 18 người.
  • Với phường: Loại 1 là 23 người; loại 2 là 21 người; loại 3 là 19 người.

Trong khi đó, hiện nay, theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 34/2019/NĐ-CP, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được quy định ở mức tối đa như sau: Xã loại 1 tối đa 23 người, xã loại 2 tối đa 21 người và xã loại 3 tối đa 19 người. Và nếu xã có công an chính quy thì sẽ giảm 01 người so với mức tối đa ở trên.

Như vậy, so với quy định hiện nay, dự thảo đã ấn định số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn hay cấp phường.

2.2 Tăng số lượng công chức cấp xã ở nơi có dân số lớn

Trải qua giai đoạn sáp nhập đơn vị hành chính 2019 - 2021 và dự kiến 2023 - 2030, nhiều cấp xã sẽ được sáp nhập. Kéo theo đó, số lượng dân số của các xã sau sáp nhập cũng tăng cao trong khi đó số lượng cán bộ, công chức cấp xã không tăng gây áp lực khá lớn cho bộ máy nhà nước.

Do đó, đề xuất mới về cán bộ công chức cấp xã là tăng thêm số lượng công chức cấp xã tại những nơi có dân số lớn hơn tiêu chuẩn chung về quy mô dân số của cấp xã khác. Cụ thể, khoản 2 Điều 6 dự thảo quy định về việc tăng thêm số lượng cán bộ, công chức cấp xã như sau:

a) Phường thuộc quận: Cứ tăng thêm đủ 5.000 người được tính thêm 01 công chức;

b) Phường thuộc thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương: Cứ tăng thêm đủ 3.500 người được tính thêm 01 công chức;

c) Phường thuộc thị xã và xã miền núi, vùng cao: Cứ tăng thêm đủ 2.500 người được tính thêm 01 công chức;

d) Thị trấn và xã đồng bằng: Cứ tăng thêm đủ 4.000 người được tính thêm 01 công chức;

đ) Xã và thị trấn ở hải đảo: Cứ tăng thêm đủ 1.600 người được tính thêm 01 công chức;

e) Phường ở hải đảo: Cứ tăng thêm đủ 1.400 người được tính thêm 01 công chức.

3. Nới lỏng tiêu chuẩn công chức cấp xã từ 01/7/2023

Vẫn giữ một số tiêu chuẩn của công chức cấp xã gồm tuổi từ 18 trở lên, tốt nghiệp trung học phổ thông (trình độ giáo dục phổ thông); tốt nghiệp đại học trở lên với trình độ chuyên môn nghiệp vụ trừ trường hợp luật chuyên ngành có yêu cầu khác.

Tuy nhiên, so với quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 13/2019/TT-BNV được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 04/2022/TT-BNV, đề xuất mới về cán bộ công chức cấp xã đã có một số điều chỉnh theo hướng nới lỏng như sau:

- Bổ sung quy định:

  • Tiêu chuẩn của công chức Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã sẽ không thực hiện theo quy định của dự thảo mà căn cứ vào pháp luật chuyên ngành về quân sự.
  • Bỏ tiêu chuẩn về tin học văn phòng tại Thông tư 13/2019/TT-BNV.
  • Chỉ yêu cầu tốt nghiệp đại học trở lên còn ngành đào tạo thì sẽ do Uỷ ban nhân dân cấp xã quy định căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh.
  • Bỏ bớt địa bàn Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được quy định cụ thể tiêu chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên từ các xã vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn thành chỉ còn cấp xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
  • Bổ sung quy định: Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sẽ chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc thiểu số, thực hiện chính sách về tinh giản biên chế.
Tuyển dụng công chức cấp xã sẽ có thay đổi thế nào? (Ảnh minh hoạ)

4. Sắp tới, sẽ thay đổi quy định về tuyển dụng công chức cấp xã

Thay vì quy định riêng trong tuyển dụng công chức cấp xã như quy định hiện nay tại Thông tư 13/2019/TT-BNV thì dự thảo đã thống nhất áp dụng các quy định về tuyển dụng công chức tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP cho công chức cấp xã về:

- Căn cứ tuyển dụng.

- Điều kiện đăng ký. Riêng Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự còn phải đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể của pháp luật chuyên ngành về quân sự.

- Bổ sung đối tượng đội viên trí thức trẻ tình nguyện đã hoàn thành nhiệm vụ phát triển nông thôn, miền núi, hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đủ 24 tháng trở lên được cộng 2,5 điểm ưu tiên vào kết quả điểm thi vòng 2.

- Hình thức, nội dung, thời gian thi tuyển: Người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào khi thi tuyển công chức cấp xã không phải thi vòng 1.

- Tiếp nhận vào công chức cấp xã không qua thi tuyển:

  • Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập;
  • Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang, tổ chức cơ yếu mà không phải công chức; thôi làm cán bộ cấp xã (không bị kỷ luật thôi giữ chức vụ) hoặc từng là cán bộ, công chức sau đó được điều động, luân chuyển giữ vị trí khác tại cơ quan, đơn vị khác.

Các đối tượng này được xem xét, tiếp nhận vào công chức hoặc điều động sang cấp xã khác trong cùng huyện (nếu còn đủ vị trí và đáp ứng đủ điều kiện). Nếu không thì giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.

Trong khi đó, hiện nay tại Điều 6 Thông tư 13/2019/TT-BNV, các đối tượng được tuyển dụng công chức cấp xã trong trường hợp đặc biệt gồm:

- Tốt nghiệp đại học loại giỏi.

- Đã có thời gian 05 năm làm công việc phù hợp, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc: Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập; hưởng lương trong quân đội, công an, làm công tác cơ yếu.

- Cán bộ xã khi thôi chức vụ khi có đủ tiêu chuẩn, còn số lượng, vị trí cần tuyển, đáp ứng ngay được yêu cầu nhiệm vụ…

5. Đề xuất mới về xếp lương cán bộ, công chức cấp xã

Cách xếp lương cán bộ, công chức cấp xã theo dự thảo cũng có sự thay đổi so với quy định hiện hành tại Điều 10 Thông tư 13/2019/TT-BNV và Nghị định 92/2009/NĐ-CP. Cụ thể:

STT

Hiện nay

Đề xuất

1

- Phân chia cụ thể cách xếp lương theo từng trình độ đào tạo:

Tốt nghiệp đại học trở lên: Xếp lương theo ngạch chuyên viên (công chức loại A1).

Tốt nghiệp cao đẳng: Xếp lương theo ngạch cán sự (công chức loại A0).

Tốt nghiệp trung cấp: Xếp lương theo ngạch nhân viên (công chức loại B).

Xếp lương như công chức hành chính có cùng trình độ đào tạo.

2

Thay đổi trình độ đào tạo trong thời gian công tác, nếu tự túc đi học, đến 25/12/2019:

- Chưa được cấp bằng: Xếp lương theo trình độ mới từ ngày cấp bằng.

- Đã được cấp bằng: Xếp lương theo trình độ đào tạo mới từ ngày 25/12/2019.

- Trong thời gian công tác có thay đổi trình độ đào tạo phù hợp chức vụ, chức danh: Xếp lương theo trình độ đào tạo mới từ ngày được cấp bằng.

6. Sẽ tăng số người hoạt động không chuyên trách cấp xã

Một trong những đề xuất mới về cán bộ công chức cấp xã là quy định về người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Theo đó, thay vì quy định số lượng tối đa người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo đơn vị hành chính cấp xã: Xã loại 1 có tối đa 14 người, xã loại 2 có tối đa 12 người, xã loại 3 có tối đa 10 người thì dự thảo chỉ quy định cụ thể số lượng người căn cứ loại xã:

1. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tính theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể như sau: Loại I là 14 người; loại II là 12 người; loại III là 10 người.

Ngoài ra, một điểm mới đáng chú ý tại dự thảo so với các văn bản pháp luật trước đây là tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố khi cấp xã có dân số lớn hơn so với tiêu chuẩn:

STT

Địa bàn

Số dân cứ tăng thêm đủ

1

Phường thuộc quận

5.000 người

2

Phường thuộc thành phố thuộc tỉnh

Thành phố thuộc thành phố thuộc trung ương

3.500 người

3

Phường thuộc thị xã và xã miền núi, vùng cao

2.500 người

4

Thị trấn và xã đồng bằng

4.000 người

5

Xã và thị trấn hải đảo

1.600 người

6

Phường ở hải đảo

1.400 người

Lưu ý: Số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có thể thấp hơn mức của xã loại 3 hoặc cao hơn mức của xã loại 1 nhưng không được vượt quá tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của cả đơn vị hành chính cấp huyện được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao.

Người hoạt động không chuyên trách sắp được tăng phụ cấp (Ảnh minh hoạ)

7. Đề xuất tăng mức khoán quỹ phụ cấp

7.1 Ở cấp xã

- Xã loại 1: Khoán quỹ phụ cấp bằng 21,0 lần mức lương cơ sở (so với hiện tại đang là 16,0 lần mức lương cơ sở thì đã tăng 5,0 lần mức lương cơ sở).

- Xã loại 2: Khoán quỹ phụ cấp bằng 18,0 lần mức lương cơ sở (so với hiện tại đang là 13,7 lần mức lương cơ sở thì đã tăng 4,3 lần mức lương cơ sở).

- Xã loại 3: Khoán quỹ phụ cấp bằng 15,0 lần mức lương cơ sở (so với hiện tại đang là 11,4 lần mức lương cơ sở thì đã tăng 3,6 lần mức lương cơ sở).

- Xã có số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tăng thêm: Tổng mức khoán quỹ phụ cấp tăng thêm 1,5 lần mức lương cơ sở/người hoạt động không chuyên trách tăng thêm (quy định mới, hiện nay không có quy định về trường hợp này).

7.2 Ở thôn, tổ dân phố

- Khoán quỹ phụ cấp bằng 6,0 lần mức lương cơ sở (tăng thêm 1,0 lần mức lương cơ sở): Thôn từ 350 hộ trở lên, tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn/tổ dân phố ở xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự hoặc ở vùng biên giới, hải đảo.

- Khoán quỹ phụ cấp bằng 4,5 lần mức lương cơ sở (tăng 1,5 lần mức lương cơ sở): Không thuộc trường hợp trên.

(so sánh với quy định hiện tại khoản 6 Điều 2 Nghị định 34/2019/NĐ-CP).

Trong đó, dự kiến dự thảo Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. Đồng thời, thời điểm 01/7/2023 cũng là thời điểm tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng.

Bởi vậy, mức phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố được khoán cụ thể như sau:

Đơn vị: triệu đồng/tháng

Loại xã/thôn

Hệ số

Quỹ khoán phụ cấp

Xã loại 1

21,0

37,8

Xã loại 2

18,0

32,4

Xã loại 3

15

27,0

- Thôn từ 350 hộ trở lên.

- Tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên;

- Thôn/tổ dân phố ở xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự hoặc ở vùng biên giới, hải đảo

6,0

10,8

Không thuộc trường hợp thôn hoặc tổ dân phố ở trên

4,5

8,1

Trên đây là giải đáp chi tiết: Đề xuất mới về cán bộ công chức cấp xã từ 01/7/2023 đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến đóng góp.

Tuy nhiên, hiện nay dự thảo chưa được thông qua, độc giả có thể đọc, nghiên cứu và đưa ra ý kiến đóng góp dự thảo Nghị định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192  được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(5 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục