Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Sau đây là một số đề xuất mới về cải tạo ô tô xe máy.
- 1. Bổ sung 8 trường hợp “độ xe” được miễn lập hồ sơ thiết kế
- 2. Quy định trường hợp xe khách không được cải tạo thành xe giường nằm 2 tầng
- 3. Không hạn chế số lượng tổng thành hệ thống cải tạo trên phương tiện
- 4. Bỏ giới hạn hiệu lực 12 tháng đối với giấy chứng nhận thẩm định thiết kế
- 5. Toàn bộ công tác nghiệm thu xe cải tạo chuyển xuống Trung tâm đăng kiểm
1. Bổ sung 8 trường hợp “độ xe” được miễn lập hồ sơ thiết kế
Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT đã bổ sung thêm nhiều trường hợp được miễn lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo. Cụ thể bao gồm:
1 - Cải tạo lắp đặt bơm, thùng dầu và hệ thống đường ống thủy lực của xe đầu kéo để dẫn động cho hệ thống nâng hạ thùng hàng của sơ mi rơ moóc tải tự đổ.2 - Cải tạo thay đổi chiều cao phần bọc tôn thành bên của xe mui phủ. Cải tạo thay đổi lớp bọc ngoài thùng của xe thùng kín, mui phủ.
3 - Lắp đặt thêm đèn sương mù dạng rời phía trước của phương tiện.4 - Thay thế cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng cụm đèn đã được chứng nhận tại Phụ lục XI mà không cần phải gia công thay đổi kết cấu của xe để đảm bảo việc lắp đặt.
5 - Lắp đặt thêm giá nóc của ô tô con tuân thủ khuyến cáo và hướng dẫn của nhà sản xuất mà không làm thay đổi chiều rộng toàn bộ của xe6 - Thay đổi về hình dáng thân xe bằng cách lắp đặt các chi tiết, bộ phận thân vỏ là tùy chọn của nhà sản xuất xe nguyên thủy nhưng không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe (có văn bản xác nhận việc lắp đặt là phù hợp với phương tiện của nhà sản xuất xe).
7 - Thay đổi về kiểu dáng một số chi tiết của phần thân vỏ xe như: Mặt ca lăng, cánh lướt gió, bậc bước chân mà không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe.
8 - Lắp đặt thêm mui gió trên nóc ca bin ô tô tải, ô tô đầu kéo.2. Quy định trường hợp xe khách không được cải tạo thành xe giường nằm 2 tầng
Hiện nay, khoản 8 Điều 4 Thông tư 85/2014/TT-BGTVT yêu cầu không cải tạo lắp đặt giường nằm loại hai tầng lên xe chở người. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này trên thực tế còn gặp nhiều vướng mắc.
Do đó, dự thảo Thông tư mới đã sửa quy định này như sau: “Không cải tạo lắp đặt giường nằm loại hai tầng lên xe chở người, trừ trường hợp cải tạo từ ô tô nguyên thủy là ô tô khách có giường nằm”.
Như vậy, các ô tô nguyên thủy là xe khách giường nằm được phép cải tạo thành xe khách giường nằm 02 tầng. Trong khi đó, các loại xe ô tô chở người còn lại không được cải tạo thành xe giường năm 02 tầng.
3. Không hạn chế số lượng tổng thành hệ thống cải tạo trên phương tiện
Đây là một trong những đề xuất mới về cải tạo ô tô xe máy đáng chú ý. Cụ thể, dự thảo Thông tư sửa đổi đề xuất quy định: “Trong suốt quá trình sử dụng, xe cơ giới chỉ được cải tạo, thay đổi 1 trong 2 tổng thành chính là động cơ hoặc khung”.
Trong khi đó, khoản 21 Điều 4 Thông tư 85/2014/TT-BGTVT yêu cầu khắt khe hơn khi yêu cầu trong suốt quá trình sử dụng, mỗi xe cơ giới chỉ được cải tạo, thay đổi 01 trong 02 tổng thành chính là động cơ hoặc khung và không được cải tạo quá 03 hệ thống, tổng thành sau: buồng lái, thân xe hoặc thùng xe, khoang chở khách; truyền lực; chuyển động; treo; phanh; lái; nhiên liệu.
Nếu dự thảo này được thông qua, chủ xe sẽ không còn bị hạn chế số lượng tổng thành hệ thống cải tạo trên phương tiện.
Cùng với việc không hạn chế số lượng tổng thành cải tạo, dự thảo cũng bỏ quy định “Việc cải tạo một hệ thống, tổng thành nếu dẫn đến việc ảnh hưởng tới thông số, đặc tính làm việc của các hệ thống, tổng thành có liên quan khác thì phải được xem xét, tính toán cụ thể và phải được coi là cải tạo cả hệ thống, tổng thành có liên quan”.
4. Bỏ giới hạn hiệu lực 12 tháng đối với giấy chứng nhận thẩm định thiết kế
Hiện nay, Thông tư 85/2014/TT-BGTVT quy định Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế có hiệu lực tối đa là 12 tháng, kể từ ngày ký nhưng không quá niên hạn sử dụng của xe (nếu có) hoặc không quá 15 năm, kể từ năm sản xuất của xe cơ giới (đối với trường hợp cải tạo thay đổi mục đích sử dụng).
Nhưng tại dự thảo mới, quy định về giới hạn hiệu lực 12 tháng đối với giấy chứng nhận thẩm định thiết kế đã bị bãi bỏ.
Thay vào đó, thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế được là không quá niên hạn sử dụng của xe (nếu có) hoặc không quá 15 năm, kể từ năm sản xuất của xe cơ giới đối với trường hợp cải tạo thay đổi mục đích sử dụng.
5. Toàn bộ công tác nghiệm thu xe cải tạo chuyển xuống Trung tâm đăng kiểm
Theo Thông tư 85/2014/TT-BGTVT, việc nghiệm thu xe cải tạo được thực hiện tại Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới.
Cụ thể, Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiệm thu xe cơ giới cải tạo các nội dung sau:
- Cải tạo chuyển đổi vị trí vô lăng của xe ô tô tay lái nghịch.
- Cải tạo toàn bộ buồng lái, thân xe, khoang chở khách của xe chở người.
- Cải tạo từ xe ô tô tải không có thùng xe đã qua sử dụng nhập khẩu.
- Cải tạo hệ thống cung cấp nhiên liệu của xe cơ giới (trừ trường hợp tháo bỏ hệ thống cung cấp nhiên liệu sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng cho động cơ của xe).
- Cải tạo xe cơ giới các loại thành xe chuyên dùng.
Các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới nghiệm thu tại đơn vị các xe cơ giới cải tạo ngoài các nội dung quy định thuộc thẩm quyền của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Nhưng tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 85/2014/TT-BGTVT, quy định về thẩm quyền nghiệm thu xe cơ giới cải tạo đã có sự thay đổi. Theo đó, người nghiệm thu xe cơ giới cải tạo là đăng kiểm viên đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam tập huấn nghiệp vụ về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định trong công tác cải tạo xe cơ giới.
Như vậy, có thể sắp tới, Cục đăng kiểm sẽ không nghiệm thu xe cơ giới cải tạo mà toàn bộ công tác này được chuyển xuống các Trung tâm đăng kiểm.
Trên đây là những đề xuất mới về cải tạo ô tô xe máy đáng chú ý. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.