Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm hiện đang được lấy ý kiến trên Trang Thông tin điện tử Chính phủ, trong đó xác định 06 ngành công nghiệp trọng điểm được hưởng chính sách ưu đãi. Sau đây là một số đề xuất mới đáng chú ý tại dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm.
- 1. Các ngành công nghiệp trọng điểm được hưởng ưu đãi
- 2. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt cho dự án công nghiệp trọng điểm
- 3. Chính sách vay vốn ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghiệp
- 4. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân thành lập trung tâm sáng tạo
- 5. Doanh nghiệp công nghiệp phải thực hiện chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn
- 6. Lộ trình thực hiện quy trình đánh giá sản xuất sạch hơn
1. Các ngành công nghiệp trọng điểm được hưởng ưu đãi
Theo Điều 8 dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm, các ngành công nghiệp trọng điểm bao gồm các phân ngành sau:
(1) Công nghiệp hỗ trợ cho các ngành: dệt may, da - giày, cơ khí, điện tử, ô tô, công nghiệp công nghệ cao;
(2) Công nghiệp vật liệu, luyện kim;
(3) Công nghiệp điện tử;
(4) Công nghiệp cơ khí chế tạo;
(4) Công nghiệp thực phẩm và sinh học;
(5) Các ngành công nghiệp khác theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ đáp ứng tiêu chí của ngành công nghiệp trọng điểm do Chính phủ ban hành tại Chương trình quốc gia về phát triển công nghiệp.
Trong khuôn khổ các nội dung của Chương trình quốc gia về Phát triển công nghiệp, Thủ tướng sẽ ban hành các chương trình phát triển công nghiệp đối với từng ngành công nghiệp trọng điểm cụ thể.
2. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt cho dự án công nghiệp trọng điểm
Theo Điều 18 dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực quốc gia, các doanh nghiệp có dự án thuộc Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm tại Chương trình quốc gia về Phát triển công nghiệp sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư sau đây:
- Các ưu đãi cao hơn so với mức ưu đãi đầu tư dành cho các ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm thuế, ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước;
- Được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, các dự án công nghiệp trọng điểm còn được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư đặc biệt sau đây:
- Được ngân sách nhà nước trực tiếp hỗ trợ kinh phí đầu tư cho doanh nghiệp.
- Được trợ cấp chi phí đầu vào cho doanh nghiệp trong thời hạn nhất định.
Lưu ý: Ưu đãi đầu tư đặc biệt chỉ áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Thuộc đối tượng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt.
(2) Đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
- Nâng cao tỷ lệ doanh thu từ sản phẩm công nghiệp trọng điểm tại Việt Nam; tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển thực hiện tại Việt Nam;
- Bảo đảm gia tăng số lượng doanh nghiệp Việt Nam thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của dự án;
- Nâng cao giá trị sản xuất tại Việt Nam của dự án;
- Cam kết chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển hoặc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển cho doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp Việt Nam trong liên doanh hoặc nhà cung cấp cấp 1.
3. Chính sách vay vốn ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghiệp
Thêm một đề xuất mới đáng chú ý tại dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm đó là chính sách vay vốn ưu đãi. Cụ thể, Điều 31 dự thảo quy định, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực quốc gia được lựa chọn 01 trong các hình thức hỗ trợ tín dụng sau đây:
- Được nhà nước cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại đối với các khoản vay trung và dài hạn để đầu tư dự án sản xuất từ nguồn ngân sách Trung ương;
- Được trực tiếp hỗ trợ lãi vay nhằm đầu tư các dự án sản xuất từ nguồn ngân sách địa phương;
- Được hỗ trợ phát hành trái phiếu và hỗ trợ lãi suất trái phiếu theo từng dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có dự án thuộc Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm tại Chương trình quốc gia về Phát triển công nghiệp còn được thực hiện cấp bù lãi suất từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách nhà nước hàng năm căn cứ theo quyết định của Thủ tướng.
4. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân thành lập trung tâm sáng tạo
Để khuyến khích các doanh nghiệp thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, khoản 5 Điều 40 dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm đã ghi nhận, các trung tâm đổi mới sáng tạo công nghiệp tư nhân được hưởng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ tương tự các Trung tâm Đổi mới sáng tạo công nghiệp công lập.
Cụ thể, các chế độ chính sách ưu đã gồm có:
* Ưu đãi về đất đai:
Được hưởng các ưu đãi về thời hạn thuê đất; tiền thuê đất; tiền sử dụng hạ tầng (nếu có); kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và kinh phí san lấp mặt bằng của dự án đầu tư ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai.
* Tiếp nhận hỗ trợ, viện trợ, tài trợ, tặng cho:
- Được tiếp nhận vốn viện trợ nước ngoài phù hợp theo quy định của pháp luật.
- Được tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài, tài trợ, tặng cho của các tổ chức, cá nhân trong nước đề đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chi thường xuyên, hỗ trợ hoạt động và công tác quản lý, vận hành của Trung tâm.
* Ưu đãi về thuế:
- Được miễn thuế hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định, hàng hoá nhập khẩu sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ.
- Được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất.
- Được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất.
5. Doanh nghiệp công nghiệp phải thực hiện chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn
Khoản 2 Điều 51 dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm quy định, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hành tiết kiệm năng lượng, nước, nguyên vật liệu, bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng hoặc không sử dụng các sản phẩm gây lãng phí tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.
Trong sản xuất công nghiệp trọng điểm, các doanh nghiệp phải giảm khai thác và sử dụng nguyên liệu thô có nguồn gốc tự nhiên, phải có kế hoạch thay thế dần nhiên liệu bằng năng lượng sạch; giảm mức tiêu hao năng lượng.
Các doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm phải thực hiện các giải pháp phục vụ mô hình kinh tế tuần hoàn như:
- Có kế hoạch tăng tỷ lệ tái chế rác thải; tăng cường các hoạt động tân trang, tái sử dụng, sửa chữa, tái sản xuất, tái chế với mục đích khác của các ngành sản xuất;
- Áp dụng các công nghệ, quy trình và thiết bị tiết kiệm nước; xây dựng và thực hiện kế hoạch tiết kiệm nước…
- Phát triển hệ thống nước tuần hoàn và hệ thống nước tuần hoàn để cải thiện tỷ lệ tái sử dụng nước.
- Áp dụng công nghệ, quy trình và thiết bị thu hồi tiên tiến hoặc có thể áp dụng để tận dụng triệt để nhiệt thừa và áp suất thừa phát sinh.
6. Lộ trình thực hiện quy trình đánh giá sản xuất sạch hơn
Nhằm thực hiện chính sách phát triển bền vững trong các ngành công nghiệp trọng điểm, dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc sản xuất sạch hơn, ưu tiên sử dụng công nghệ sạch và thực hiện quy trình sản xuất tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm chất thải.
Theo Điều 57 dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm, các cơ sở sản xuất công nghiệp có công suất sản xuất của cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thuộc nhóm I, II và III được quy định tại Điều 28 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 thì phải thực hiện quy trình đánh giá sản xuất sạch hơn với lộ trình như sau:
- Từ ngày 01/01/2030 đối với cơ sở thuộc Nhóm I.- Từ ngày 01/01/2031 đối với cơ sở thuộc Nhóm II.
- Từ ngày 01/01/2032 đối với cơ sở thuộc Nhóm III.Trên đây là một số đề xuất mới đáng chú ý tại dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ giải đáp thắc mắc.