3 đề xuất hướng dẫn giải quyết tranh chấp về ly hôn mới nhất

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến ly hôn của vợ chồng.

Hiện nay, trong thực tế xét xử hoặc áp dụng pháp luật, các vụ ly hôn của vợ chồng đang được xem xét, giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP… Tuy nhiên, Nghị quyết 02 năm 2000 đang hướng dẫn áp dụng Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.

Trong khi đó, hiện nay, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đang có hiệu lực. Do đó, tại dự thảo Nghị quyết hướng dẫn Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về các vấn đề xung quạnh việc ly hôn của vợ chồng như sau:


1. Về căn cứ giải quyết ly hôn cho vợ chồng

Theo Điều 2 dự thảo, căn cứ ly hôn được quy định như sau:

1.1 Ly hôn thuận tình

- Hai bên tự nguyện ly hôn.

- Vợ chồng đã thoả thuận được về việc: Chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục… con trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ, con.

- Thuận tình ly hôn qua hoà giải, đối thoại tại Toà án: Toà án công nhận thuận tình và các vấn đề mà vợ chồng đã thoả thuận.

1.2 Ly hôn đơn phương

Có căn cứ vợ, chồng bạo lực gia đình hoặc vi phạm quyền, nghĩa vụ một cách nghiêm trọng làm hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không kéo dài, mục đích kết hôn không đạt được thì vợ hoặc chồng có thể yêu cầu ly hôn đơn phương. Trong đó:

- Bạo lực gia đình: Gồm:

+ Bạo lực vật chất: Đánh đập, ngược đãi, hành hạ khiến người còn lại bị tổn hại sức khoẻ, thương tổn);

+ Bạo lực tinh thần: Lăng mạ, sỉ nhục, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín khiến người kia bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần.

- Tình trạng vợ chồng trầm trọng: Gồm các biểu hiện sau đây:

+ Vợ chồng đánh đập, ngược đãi, hành hạ khiến người kia bị giày vò về tình cảm, tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần, bị tổn hại sức khoẻ mà người gây ra chưa đến mức phải đi tù hoặc đã bị phạt hành chính, đã được nhắc nhở nhưng vẫn tái phạm.

+ Vợ chồng không chung thuỷ: Ngoại tình, đã được khuyên bảo, nhắc nhở nhưng vẫn tiếp tục ngoại tình.

- Đời sống chung vợ chồng không thể kéo dài: Căn cứ vào tình trạng trầm trọng của quan hệ vợ chồng như trên. Và đặc biệt, nếu thực tế đã được nhắc nhở, hoà giải nhưng vẫn ngoại tình hoặc ly thân hoặc bỏ mặc nhau hoặc vẫn ngược đãi, hành hạ… thì sẽ xem xét nhận định đời sống vợ chồng không thể kéo dài.

- Mục đích hôn nhân không đạt được: Vợ chồng không có tình nghĩa, không bình đẳng về nghĩa vụ, quyền lợi giữa vợ chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không giúp đỡ, tạo điều kiện phát triển mọi mặt, bỏ mặc người kia sống sao thì sống…

Có thể thấy, so với Nghị quết 02/2000/NQ-HĐTP, dự thảo đã bổ sung thêm những hành vi được xem là bạo lực gia đình để làm căn cứ yêu cầu ly hôn. Còn nhìn chung, những hướng dẫn còn lại không có nhiều thay đổi so với hướng dẫn của Nghị quyết 02.


2. Về việc hỏi ý kiến của con trên 7 tuổi khi cha mẹ ly hôn

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Nghị quyết này là vấn đề thoả thuận khi nuôi con và việc lấy ý kiến của con từ đủ 07 tuổi khi cha mẹ ly hôn. Theo đó, khoản 1 Điều 5 dự thảo khẳng định:

Việc không lấy được ý kiến của các con không phải là căn cứ để đình chỉ hay tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Trường hợp lợi ích của trẻ em xung đột với lợi ích của bố mẹ thì ưu tiên bảo đảm lợi ích của con.

Hiện nay, khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình chỉ đưa ra quy định về việc lấy ý kiến của con từ đủ 07 tuổi khi thoả thuận người nuôi con nếu cha, mẹ ly hôn mà không khẳng định đây có phải thủ tục bắt buộc không.

Do đó, với hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán tại dự thảo này, có thể thấy, việc lấy ý kiến của con là một trong những phương pháp để xem xét, quyết định người sẽ nuôi dưỡng con sau khi cha mẹ ly hôn mà không phải căn cứ để đình chỉ hay tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Đồng thời, khi xem xét quyền lợi mọi mặt của con, khoản 2 Điều 5 dự thảo cũng đưa ra các tiêu chí sau đây:

- Ý kiến của con.

- Quyền của trẻ trong việc sống chung với người nuôi con hoặc việc duy trì mối quan hệ với người không trực tiếp nuôi con.

- Khả năng của cha, mẹ khi trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con gồm cả khả năng bảo vệ con trước việc bị xâm hại, sao nhãng, bóc lột…

- Ưu tiên giao tất cả các con cho một bên cha, mẹ nuôi dưỡng để đảm bảo ổn định tâm lý, tình cảm của con.

Có thể thấy, đây là quy định khá sát với thực tế bởi khi cha mẹ ly hôn, thường những đứa trẻ sẽ gặp các vấn đề về tâm lý, ảnh hưởng đến tâm lý cũng như tinh thần của trẻ. Đặc biệt là khi một trong hai vợ chồng sau khi ly hôn thì kết hôn với người khác.

Đồng thời, thời gian gần đây, không thiếu các vụ việc thương tâm, đau lòng khi cha mẹ ly hôn, con cái bị bạo hành, xâm hại…

Không chỉ vậy, dự thảo còn đưa ra các yêu cầu khi lấy ý kiến của trẻ chưa thành niên:

- Đảm bảo thân thiện, phù hợp.

- Phải lấy ý kiến ở phòng họp riêng không có mặt của cha, mẹ.

- Không ép trẻ bày tỏ ý kiến, không gây áp lực, căng thẳng cho trẻ.

- Cân nhắc ý kiến của trẻ dựa theo độ tuổi, mức độ trưởng thành.


3. Sắp có mức cấp dưỡng cụ thể cho con sau khi ly hôn?

Bên cạnh việc quyết định người trực tiếp nuôi dưỡng con thì vấn đề cấp dưỡng cho con cũng được rất nhiều cha mẹ ly hôn quan tâm. Theo quy định hiện nay, mức cấp dưỡng sẽ do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được thì Toà án sẽ căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người phải cấp dưỡng.

Quy định này còn khá chung chung, gây khó khăn cho các bên khi áp dụng cũng như khiến nhiều bậc cha mẹ trốn tránh không chịu cấp dưỡng cho con. Do đó, dự thảo đã bổ sung mức cấp dưỡng cụ thể hơn khi cha mẹ không thoả thuận được:

- Ít nhất bằng 2/3 mức lương cơ sở.

- Không được thấp hơn 30% thu nhập bình quân trong vòng 06 tháng liền kề của người phải cấp dưỡng.

Xem chi tiết…

Trên đây là đề xuất hướng dẫn giải quyết tranh chấp về ly hôn. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục