Đề xuất 2 phương án đăng ký thường trú cho người thuê nhà

Sau nhiều lần lấy ý kiến và sửa đổi, mới đây, Bộ Công an đã ban hành dự thảo Luật Cư trú sửa đổi (lần 7) với nhiều nội dung mới về điều kiện đăng ký thường trú cho người thuê nhà.


Diện tích nhà thuê ít nhất 8m2/người được đăng ký thường trú?

Trước đây, tại dự thảo lần thứ 5, Bộ Công an đề xuất, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú tại nơi thuê, mượn, ở nhờ;

- Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhưng không dưới 08m2 sàn/người.

Trong khi hiện nay, công dân khi đi thuê nhà, mượn, ở nhờ phải đáp ứng điều kiện sau đây để được đăng ký thường trú:

- Ở tỉnh: Chỗ ở hợp pháp do mượn, thuê, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản (căn cứ Điều 19 Luật Cư trú 2006);

- Ở thành phố trực thuộc Trung ương: Bảm đảm điều kiện và có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố; được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản (theo khoản 2 Điều 1 Luât Cư trú sửa đổi năm 2013).

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, yêu cầu điều kiện diện tích bình quân hay diện tích nhà ở tối thiểu không dưới 08m2 sàn/người sẽ tạo sự không bình đẳng, khó khăn cho người thuê nhà, ở nhờ, mượn nhà muốn đăng ký thường trú bởi những người này không thể kiểm soát được điều kiện này.

Do đó, tại dự thảo sửa đổi mới nhất này, Bộ Công an đã bổ sung thêm 01 phương án nữa bên cạnh yêu cầu về diện tích nhà thuê, mượn, ở nhờ tối thiểu. Cụ thể 02 phương án đó như sau:

- Phương án 1: Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người (giữ nguyên như dự thảo trước);

- Phương án 2: Đã đăng ký tạm trú trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ 01 năm trở lên.

Có thể thấy, việc bổ sung thêm phương án 02 khiến điều kiện đăng ký thường trú của người đi thuê nhà "dễ dàng" hơn so với quy định hiện nay hoặc so với phương án 01. Tuy nhiên, việc chọn phương án nào vẫn phải chờ ý kiến thảo luận của cơ quan có thẩm quyền.


Đề xuất 2 phương án đăng ký thường trú cho người thuê nhà (Ảnh minh họa)


Giảm thời gian giải quyết đăng ký thường trú từ 01/7/2021?

Một trong những quy định tại dự thảo Luật Cư trú sửa đổi là đề xuất mới về thủ tục đăng ký thường trú. Theo đó, hiện nay, tại Điều 22 Luật Cư trú năm 2006, khi muốn đăng ký thường trú, công dân phải thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

- Bản khai nhân khẩu;

- Giấy chuyển hộ khẩu;

- Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Nếu chuyển đến thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thêm tài liệu chứng minh.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú là:

- Với thành phố trực thuộc Trung ương: Công an huyện, quận, thị xã;

- Với tỉnh: Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Bước 3: Giải quyết đăng ký thường trú

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan công an phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú. Nếu không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Tuy nhiên, dự thảo đã bỏ quy định về điều kiện riêng khi đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà phân các đối tượng theo chỗ ở hợp pháp:

- Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình;

- Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình như vợ/chồng về ở với chồng/vợ; con đẻ, con nuôi về ở với cha mẹ đẻ; người cao tuổi về ở với anh, chị, em ruột, cháu ruột…

- Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ;

- Công dân được đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở;

- Người được nuôi dưỡng, chăm sóc, trợ giúp được đăng ký thường trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc được đăng ký thường trú vào hộ gia đình nhận nuôi dưỡng, chăm sóc, trợ giúp;

- Người sinh sống, làm nghề lưu động trên phương tiện.

Trong đó, tùy vào từng đối tượng khác nhau mà hồ sơ đăng ký thường trú sẽ có tờ khai thay đổi thông tin cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh mình thuộc các đối tượng đó.

Đặc biệt, thời gian cập nhật thông tin đăng ký thường trú theo dự thảo đã rút ngắn còn 07 ngày (hiện nay đang là 15 ngày). Cụ thể, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm:

- Thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

- Thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú.

- Nếu từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do vì sao.

Đáng chú ý: Khoản 4 Điều 22 dự thảo còn khẳng định:

Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.

Có thể thấy, dự thảo này có rất nhiều điểm mới so với Luật Cư trú đang có hiệu lực theo hướng tạo điều kiện cho công dân trong việc cư trú. Dự kiến dự thảo sẽ có hiệu lực từ 01/7/2021. Đồng thời, dự thảo mới vẫn giữ nguyên 02 đề xuất về việc sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú:

>> Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chỉ còn được sử dụng đến hết năm 2022?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục